Các hãng thời trang chuyển một phần sản xuất về gần châu Âu
Các hãng thời trang châu Âu đang chuyển một phần sản xuất từ châu Á về gần châu Âu để có thể vận chuyển hàng hóa dễ dàng bằng xe tải từ nhà máy tới cửa hàng bán lẻ.
Giá cước vận tải biển tăng cao và chậm trễ nguồn cung từ châu Á đang buộc nhiều công ty đa quốc gia trong ngành may mặc phải tổ chức lại sản xuất.
Trong bài "Lệ thuộc vào châu Á: Khủng hoảng nguồn cung kéo sụt lợi nhuận của ngành may" đăng tải trên tờ Cinco Dias ra tại Tây Ban Nha có đoạn viết: "Các tập đoàn khổng lồ như H&M hay Nike phải đối mặt với quá nhiều vấn đề đang bào mòn lợi nhuận". Trung bình các lô hàng sản xuất ở châu Á theo tàu biển đến châu Âu chậm thêm 6 tuần. Muốn nhanh, thuê máy bay, cước vận chuyển lại quá cao. Quần áo, giày bốt thời trang có tính thời điểm, hàng tới muộn, lỡ xu hướng là rất khó bán.
Do đó, nhiều hãng thời trang châu Âu đang tìm cách di chuyển một phần sản xuất về gần nơi tiêu thụ. Tờ Hospodarske Noviny ra tại Czech lấy ví dụ: "Hầu hết quần áo nhãn hiệu Mango của Tây Ban Nha nay được may cắt tại châu Âu hoặc Thổ Nhĩ Kỳ".
Khách hàng tới xem và mua hàng tại một cửa hàng của Mango. (Ảnh: Shutterstock)
Nhật báo Dunya ra tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận: "Hiện 54% sản lượng quần áo của tập đoàn Inditex Tây Ban Nha được gia công tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Maroc và Tunisia. Gần một nửa còn lại từ Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam".
Xu hướng này đang có lợi cho các nước Đông Âu và xung quanh Địa Trung Hải. Tờ Capital ra tại Bulgaria cho biết, nhãn hiệu Benetton của Italy cũng đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất tại Serbia, Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Ai cập, đồng thời giảm một nửa sản lượng hàng dệt may tại châu Á vào cuối năm 2022.
Giám đốc điều hành của hãng giải thích: "Chi phí sản xuất ở Việt Nam và Bangladesh thấp hơn 20% so với các nước Địa Trung Hải, nhưng lợi ích này bị triệt tiêu do thời hạn giao hàng quá lâu. Ông này lấy ví dụ: "Trước đây thời gian chuyển hàng từ châu Á mất khoảng 4 - 5 tháng, nhưng nay phải mất từ 7 - 8 tháng do thiếu tàu biển. Còn khi quần áo được may ở Ai cập, chuyển tới cửa hàng ở châu Âu chỉ mất 2 đến 2 tháng rưỡi".
Tuy nhiên, việc tổ chức lại sản xuất theo cách này khiến chi phí sản xuất tăng mạnh. Tờ La Opinion de A Coruna của Tây Ban Nha giải thích: "Do giá nhân công ở các nước đó cao hơn ở châu Á". Người tiêu dùng châu Âu sẽ phải mua quần áo với giá đắt hơn khoảng 20%. Hậu quả là sẽ không có chuyện giảm giá khủng như mọi năm trong đợt bán hàng thứ Sáu Đen (Black Friday) và sau lễ Giáng sinh sắp tới.
VTV.VN