Các lệnh trừng phạt đã phơi bày 'đế chế' của tỉ phú Abramovich như thế...
Cựu Chủ tịch CLB Chelsea Abramovich đã đầu tư hàng tỉ USD vào nền kinh tế Anh và EU. Song, các lệnh trừng phạt của phương Tây dường như đang đẩy vị tỉ phú này quay trở về Nga.
Khu biệt thự màu kem của tỉ phú Roman Abramovich ở Kensington có hơn chục phòng ngủ, kế bên là tư dinh của nhiều nhân vật nổi tiếng khác, với xe cảnh sát trực chờ ở mỗi góc phố.
Đây chỉ một trong số các tài sản ở London mà tỉ phú người Nga đã mua trong vài thập kỷ qua, để biến thành phố này thành trung tâm tích trữ tài sản của ông.
Nhưng dấu ấn đó bỗng dưng trở nên mờ nhạt trong những tháng gần đây, khi những tài sản đáng tự hào của ông ở thủ đô nước Anh – từ CLB bóng đá Chelsea, những ngôi biệt thự hạng sang, cho đến tập đoàn sản xuất thép Evraz Plc – đều bị bán hoặc "đóng băng" sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ngôi biệt thự của Abramovich ở quận Kensington, London (Ảnh: Bloomberg)
Đòn giáng mới nhất đối với Abramovich – người hứng lệnh trừng phạt mà Anh và EU áp đặt trong tháng 3 năm nay – xuất hiện vào tháng trước, khi công ty MHC Ltd., thuộc 'đế chế' của gia đình ông trước khi cuộc xung đột xảy ra, đã thông báo đóng cửa.
Khối tài sản lớn của Abramovich ở London trị giá khoảng 4 tỉ bảng (4,8 tỉ USD) trước khi xung đột bùng nổ, chiếm gần 1/3 tổng tài sản của ông vào thời điểm đó, theo Bloomberg Billionaires Index.
Các diễn biến vừa nêu cũng cho thấy, khối tài sản của các tỉ phú Nga tại nước ngoài đã "bốc hơi" nhanh đến thế nào khi phải hứng chịu các đòn trừng phạt tài chính của phương Tây.
"Ông ta không còn làm chủ cuộc chơi của mình nữa", David Lingelbach, cựu Giám đốc Bank of America Corp chi nhánh tại Nga vào những năm 1990 và hiện đang giảng dạy tại ĐH Baltimore, nói. "Theo tôi thì ông ta đang thu mình phòng thủ".
Roman Abramovich (Ảnh: Bloomberg)
Abramovich, 55 tuổi, đã từng cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine và đang chiến đấu chống lại các đòn trừng phạt của EU, là một trong số những tỉ phú nổi bật nhất của Nga khi đầu tư hàng tỉ USD vào nền kinh tế Anh, kể từ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.
Ông mua lại CLB bóng đá Chelsea vào năm 2003 với giá 140 triệu bảng và rót vào nó hơn 1 tỉ bảng trước khi bán đi vào tháng 5/2022 theo một thỏa thuận được chính phủ Anh theo dõi sát sao. Một phần tiền từ thương vụ sẽ được tài trợ cho các hoạt động nhân đạo ở Ukraine. Chủ sở hữu mới, dẫn đầu bởi Todd Boehly, nhất trí trả 2,5 tỉ bảng và cam kết chi thêm 1,75 tỉ bảng nữa để đầu tư cho CLB.
Ngay trước khi bị liệt vào danh sách trừng phạt của Anh, Abramovich đã tìm cách bán đi 2 khối tài sản ở London, theo nghị sĩ Anh Chris Bryant, bao gồm 1 biệt thự ở Kensington và 1 căn penthouse ở Chelsea Waterfront.
Abramovich không thể bán những tài sản này trong khi chịu lệnh trừng phạt của Anh và tất cả tiền mặt mà ông sở hữu ở nước này bị "đóng băng" trong các tài khoản.
Tỉ phú Nga cũng không thể bán cổ phần ở Evraz, tài sản lớn nhất của ông trước khi xung đột nổ ra. Giá cổ phiếu của công ty này – chịu trừng phạt của Anh trong tháng 5 – đã giảm tới 87% trước khi bị 'đóng băng' ngay sau khi Abramovich bị liệt vào danh sách trừng phạt.
Hiện tại, tài sản của Abramovich còn khoảng 10,7 tỉ USD, giảm 40,5% trong năm nay, theo chỉ số tài sản của Bloomberg.
Tạo dựng lại ở một nơi khác
"Kể cả trong trường hợp các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, ông ta cũng rất khó có thể tìm thấy cách để trở lại Anh và EU," Liana Semchuk, chuyên gia phân tích tình báo Á-Âu tại hãng tư vấn Sibylline ở London, nói. "Ông ta có thể phải xây dựng lại đế chế của mình ở nơi khác".
Abramovich bắt đầu đầu tư vào London trong khoảng đầu những năm 2000 sau khi tích lũy được khối tài sản lớn từ việc bán tài sản tư nhân hóa, bao gồm tập đoàn dầu khí Sibneft.
Ông thiết lập văn phòng của gia đình mình tại London, lấy tên là Millhouse, vào cuối năm 2001 và gửi con cái sang trường học ở Anh. Ông cũng mua một penthouse ở London, một khối bất động sản ở Sussex và nhiều căn nhà ở Belgravia.
Những chuyến thăm Anh của ông ngày càng trở nên thường xuyên hơn sau khi mua lại CLB Chelsea vào cùng năm mà ông bán phần lớn cổ phần trong tập đoàn nhôm nước Nga.
"Ông ta đã cách mạng hóa bóng đá khi là chủ sở hữu nước ngoài đầu tiên mua một CLB bóng đá như một thứ phần thưởng cho mình," Kieran Maguire, giảng viên về tài chính bóng đá đến từ ĐH Liverpool, nói. "Ông ta đi tiên phong cho những điều diễn ra sau này".
Bên ngoài nước Anh, Abramovich có nhiều căn nhà ở Pháp và Nga, ngoài ra còn có nhiều siêu du thuyền và phi cơ riêng, giờ là mục tiêu của một cuộc đấu pháp lý ở Mỹ liên quan tới các hành động vi phạm lệnh trừng phạt.
Thêm vào đó, ông cung cấp phần lớn trong số tiền 6 tỉ USD đằng sau Concord Management, công ty tư vấn tài chính mà ông sử dụng để đầu tư vào hơn 100 quỹ mạo hiểm và các quỹ đầu tư tư nhân.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ cùng với FBI đang điều tra Concord, tập trung làm rõ xem các đồng sự của Abramovich đã sử dụng các công ty vỏ bọc ở nước ngoài như thế nào để thực hiện các phi vụ đầu tư đó, theo tờ New York Times.
Nhiều vụ điều tra khác cũng đang trong giai đoạn đầu thực hiện và có thể sẽ không đưa ra cáo trạng gì.
Abramovich đã di dời 2 du thuyền của mình tới vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát để tránh bị EU thu giữ tài sản.
Ông cũng tìm căn nhà ở đảo Palm Jumeirah của Dubai, theo một số nguồn tin thân cận, trong khi các phi cơ riêng của ông vẫn đậu ở Dubai hoặc Moscow kể từ tháng 3.
Siêu du thuyền Solaris của Roman Abramovich (Ảnh: Getty)
Khoảng thời gian đầu của cuộc chiến, Abramovich đã gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin và được lãnh đạo Nga cho phép theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình, 2 người hiểu về vấn đề này cho hay. Abramovich được cho là có thái độ lạc quan về triển vọng đạt được thỏa thuận.
Các vòng đàm phán sau đó lâm thế bế tắc, mặc dù hai nước đều đạt một số bước tiến trong ngoại giao, đạt được một thỏa thuận trong tháng trước nhằm tháo gỡ thế phong tỏa ở các cảng xuất khẩu nông sản của Ukraine.
"Vai trò trong các vòng đàm phán hòa bình cho thấy ông ta có nhiều thứ để mất ở Anh và châu Âu," Semchuk nói. "Điều này cũng rủi ro, bởi nó xác nhận rằng ông ta có quan hệ mật thiết với ông Putin, bởi ông ta là một trong số những cá nhân được tin tưởng để tham gia các vòng đàm phán".
Abramovich đã tạo dựng các khoản đầu tư trong thập kỷ vừa qua trong các doanh nghiệp cỡ nhỏ được niêm yết ở London, trong đó có các công ty công nghệ năng lượng sạch Velocys Plc và AFC Energy Plc.
Công dân thế giới
Abramovich bắt đầu rút khỏi một số ván cược của mình sau khi bị chậm làm mới thị thực Anh vào năm 2018. Ông được cấp quyền công dân Israel trong năm đó và tạm thời ngừng kế hoạch xây sân vận động mới của Chelsea.
Năm 2021, ông trở thành công dân Bồ Đào Nha theo một bộ luật mới cho phép nhập tịch những người thuộc dòng dõi Do Thái Sephardi từng bị trục xuất khỏi bán đảo Iberia. Bồ Đào Nha đã mở cuộc điều tra nhằm vào quyết định này.
Trở lại London, sự xuất hiện của Abramovich trong các trận đấu của Chelsea trở nên ít thường xuyên hơn trong giai đoạn 2018-2021.
"Tôi cho rằng ông ta ban đầu nghĩ rằng sở hữu một CLB sẽ mang lại chút vui vẻ," Maguire nói. "Đáng chú ý là cách mà mối quan hệ này thay đổi trong 4-5 năm qua."
Trong khi đó, Chelsea vẫn tiếp tục tiến bước mà không có Abramovich, đánh bại Everton với tỷ số 1-0 trong hôm thứ Bảy vừa qua trong trận đấu khai màn Giải Ngoại hạng Anh.
Abramovich đã mua biệt thự của mình ở Kensington Palace Gardens – gần với khu nhà ở của Công tước và nữ Công tước xứ Cambridge – với giá khoảng 90 triệu bảng trong năm 2009. Kể từ đó, ông ra sức sửa đổi ngôi biệt thự từng là Đại sứ quán Liên Xô.
Trong buổi chiều một ngày gần đây, người ta không hề thấy có động tĩnh gì bên trong ngôi biệt thự này, ngoài một người làm vườn đang tưới nước cho vườn hoa ở gần cổng vào. Không có chiếc xe nào đỗ bên trong. Không giống các khu biệt thự bên cạnh, tất cả rèm cửa đều được hạ xuống.
"Các đòn trừng phạt được đưa ra nhằm tạo nên sự bất bình của các tay đầu sỏ chính trị Nga giống như Abramovich và khiến họ gây sức ép với ông Putin," ông Semchuk nói. Nhưng khi London đóng sập cánh cửa với Abramovich, "ông ta giờ thậm chí còn phụ thuộc hơn vào ông Putin bởi các lệnh trừng phạt đang ép ông ta phải trở về Nga"./.
Viettimes