MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các mô hình canh tác mía hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu

09-08-2016 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán và nhiễm mặn trong mùa khô 2016 đã gây thiệt hại lớn cho ngành mía đường Việt Nam làm tổng diện tích vùng nguyên liệu giảm trên 10.000 ha.

Theo công thức ngành mía, cứ 100mm nước tưới hữu hiệu sẽ làm tăng năng suất mía thêm 10 tấn/ha. Điều này đồng nghĩa với việc nếu lượng mưa giảm 100mm thì năng suất mía sụt giảm 10 tấn/ha. Các cường quốc mía đường trên thế giới đều có những giải pháp thực tiễn đối phó hiệu quả với tình trạng này, điển hình như: Brazil áp dụng mô hình cày sâu trong trồng mía, Philippines tiến hành kỹ thuật bón phân tiết kiệm khi canh tác, Thái Lan thực hiện giải pháp tưới và cơ giới hóa hiệu quả...

Tại Việt Nam, do hạn chế về việc sử dụng máy có công suất lớn, phương pháp cày đất phổ biến chỉ mới khai phá lớp đất dày 20 - 30cm chứ chưa sâu đến 50cm như Brazil. Trong khi việc cày sâu có ý nghĩa rất lớn giúp cây mía sống sót, vượt qua tình trạng hạn hán kéo dài. Cày sâu làm nền móng cho cây đứng vững, sinh trưởng tốt, bộ rễ mía phát triển và tồn tại 4 - 5 năm hoặc lâu hơn, hiệu quả hấp thu phân bón cũng cao hơn.

Một số công ty mía đường lớn của Việt Nam đã tiến hành cơ giới hóa, đầu tư cơ giới hóa cho các công ty mía đường với những trang thiết bị cày sâu không lật, máy kéo có công suất lớn đến 245HP, giúp cày sâu trên nhiều loại địa hình khác nhau.

Những cánh đồng mẫu mía lớn của TTC được khai thác bằng cơ giới hóa

Theo ông Phạm Hồng Dương – Chủ tịch Ủy ban Mía đường Tập đoàn TTC, việc áp dụng các biện pháp tưới hiệu quả tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể, như đào hồ để sử dụng các nguồn nước mặt sẵn có, hoặc tưới bằng công nghệ tiết kiệm nước cũng là những giải pháp để đối phó với tình trạng hạn hán hiện nay.

Ngoài ra, sau khi thu hoạch, giữ lại lá mía phủ trên bề mặt đất cũng là kinh nghiệm hay giúp giữ ẩm, chống bay hơi nước, tránh cho đất bị rửa trôi. Công tác nghiên cứu, lai tạo giống mía chống hạn, chống mặn, phù hợp với đặc trưng thổ nhưỡng, khí hậu vùng miền cũng hết sức cấp thiết. Hiện nay, Công ty CP Nghiên Cứu, Ứng dụng Mía đường Thành Thành Công (SRDC) đang nỗ lực tìm ra giống mía có khả năng chịu hạn tốt hơn các giống mía đang có.

Đứng trước thực trạng này, việc liên kết quốc tế tìm ra giải pháp cho ngành mía đường đối phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng. Hội thảo thường niên Mía đường Quốc tế TTC lần IV được tổ chức tại Đà Lạt ngày 19/8/2016 sẽ giới thiệu các mô hình canh tác mía hiệu quả ứng phó với hiện tượng khí hậu khắc nghiệt, thay đổi thất thường giúp ổn định sản xuất, năng cao sản lượng.

Hội thảo với sự đồng hành của Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (BHS), Công ty Phân Bón Việt Nhật (JVF), Tập đoàn John Deere và Công ty TNHH MTV Thiết Bị Mê Kông, Công ty CP Phân Bón Miền Nam, Công ty CP Phân Bón Bình Điền, Công ty Bảo Vệ Thực Vật 1 Trung Ương, Công ty TNHH MTV Thiết bị nặng Oneasia, Công ty TNHH A.T.C Supply và sự tham gia đông đảo các chuyên gia nước ngoài chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn vượt qua biến đổi khí hậu từ các quốc gia mạnh về mía đường như Thái Lan, Brazil, Ấn Độ, Mỹ... Đồng thời, tập trung thảo luận các giải pháp thích ứng và định hướng phát triển cũng như đúc kết bài học cho ngành mía đường Việt Nam phát triển bền vững đến năm 2030; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hội thảo Thường niên Mía đường Quốc tế TTC lần IV -  ngày 19/8/2016.

Địa điểm: Khách sạn TTC - Premium Ngọc Lan, số 42 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Chi tiết, truy cập http://sugarcaneconference.ttcgroup.vn/gioi-thieu.aspx

A.D

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên