MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các món đồ xa xỉ vẫn là ưu tiên hàng đầu với người tiêu dùng Trung Quốc, bất chấp tốc độ phát triển chậm chạp của nền kinh tế

05-10-2018 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Chiến tranh thương mại? Tốc độ phát triển của nền kinh tế chậm lại? Những yếu tố đó không hề quan trọng, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không chối từ các thương hiệu xa xỉ.

Người tiêu dùng Trung Quốc trước đây đã "nói không" với các thương hiệu xa xỉ bởi cuộc điều tra đường dây tham nhũng của chính phủ, và giờ đây họ tạo ra một làn sóng mới, đó là các "nhà mốt" phải phụ thuộc vào mức độ chi mạnh tay của họ cho các sản phẩm như đồng hồ, túi xách và quần áo.

Kering, công ty sở hữu hai thương hiệu Gucci và Alexander McQueen, cho biết doanh số bán hàng ở Trung Quốc đã tăng vọt lên 30% trong nửa đầu năm 2018. Thương hiệu thời trang đến từ Pháp, Hermes, đã ghi nhận mức doanh số bán hàng tại nước này ở mức cao kỷ lục.

Ngân hàng UBS ước tính rằng, 2/3 khoản chi cho những món hàng xa xỉ của người Trung Quốc đều là ở nước ngoài và con số đó cũng cao ở mức bùng nổ. Mức chi của người tiêu dùng Trung Quốc nhiều hơn 20% so với phần còn lại của thế giới đối với các sản phẩm từ thương hiệu Louis Vuiton trong nửa đầu năm nay.

Xu hướng này đánh dấu sự trở lại của làn sóng chi tiêu của nhóm người tiêu dùng đã đóng góp vào việc thay đổi thị trường của các món đồ xa xỉ và vực dậy các thương hiệu thời trang đến từ châu Âu. Mỗi năm, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi đến hơn 7 tỷ USD cho các món đồ xa xỉ, chiếm gần 1/3 thị trường toàn cầu, theo Công ty tư vấn McKinsey.

Các món đồ xa xỉ vẫn là ưu tiên hàng đầu với người tiêu dùng Trung Quốc, bất chấp tốc độ phát triển chậm chạp của nền kinh tế - Ảnh 1.

Những thương hiệu xa xỉ được người Trung Quốc ưa chuộng nhất

Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà phát triển và quốc gia này chìm sâu trong những căng thẳng thương mại với Mỹ, thì các cuộc khảo sát của UBS cho thấy rằng những thương hiệu xa xỉ vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với người tiêu dùng nước này sau khi họ chi tiền cho những món đồ cần thiết.

Đặc biệt, thế hệ Y lại không ngại ngần trong việc chi tiền cho những món đồ có giá đắt đỏ, có đến 81% trong số họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có một sản phẩm tốt hơn, theo UBS. Thế hệ Y nước này sinh ra trong khoảng thời gian chính phủ hạn chế hầu hết các gia đình chỉ nên có một con, vậy nên, nguồn tài chính của họ khá dồi dào.

Xu hướng này có thể kéo dài trong bao lâu?

Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn, có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên gần đây, các hoạt động đầu tư, sản xuất nhà máy và doanh số bán lẻ đã giảm dần. Tình hình còn căng thẳng hơn khi cuộc chiến thương mại chính thức nổ ra với những lần áp thuế qua lại.

Mỹ đã áp thuế với sản phẩm túi xách được Trung Quốc sản xuất, các chuyên gia cho rằng những thương hiệu xa xỉ hàng đầu sẽ không bị ảnh hưởng bởi chúng được sản xuất ở châu Âu. Trong khi đó, một số khác lại lo ngại rằng những thương hiệu hạng sang sẽ chịu tổn thất nếu nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều áp lực hơn nữa.

Thời gian gần đây, đồng NDT sụt giá, giảm so với đồng bạc xanh và một số đồng tiền tệ khác. Điều này khiến cho việc mua sắm những món đồ xa xỉ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Trung Quốc.

Những rủi ro trước đây có thể sẽ trở lại

Một mối lo ngại khác đó là sự việc diễn ra trong năm 2012 sẽ lặp lại, khi chính phủ Trung Quốc tích cực phòng chống tham nhũng, cấm dùng công quỹ để mua các món đồ hạng sang, khiến cho các thương hiệu này lao đao.

Động thái này của chính phủ phá bỏ tất cả những gì được gọi là "văn hoá biếu quà" ở Trung Quốc, và đương nhiên là các thương hiệu đắt tiền được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là những sản phẩm của nam giới.

Sau đó, Trung Quốc trở thành thị trường giống như những nơi khác trong khoảng thời gian này, doanh số bán hàng của các sản phẩm dành cho phụ nữ cao hơn dành cho nam giới. Phải mất nhiều năm để các thương hiệu này có thể đứng vững trở lại.

Hương Giang

CNN

Trở lên trên