Các “mũi nhọn” giúp Vinamilk dẫn đầu thị trường sữa tại Việt Nam
Không chỉ là trong nước mà cả ở thị trường nước ngoài, các sản phẩm của Vinamilk cũng được yêu thích và đánh giá cao. Tính đến nay, Vinamilk đã có mặt tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, khai thác tích cực các thị trường mới tiềm năng tại khu vực Châu Á.
Theo báo cáo Dấu chân thương hiệu 2020, Vinamilk là thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua nhiều nhất 8 năm liền trong ngành sữa và sản phẩm thay thế sữa tại cả khu vực thành thị và nông thôn. Báo cáo này được xây dựng bằng thước đo định lượng có tên "điểm tiếp cận người tiêu dùng" (CRP). Thước đo này đo lường số lượng hộ gia đình có chọn mua một thương hiệu và cả mức độ thường xuyên mua, vì vậy phản ảnh rất xác thực về sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Không chỉ dẫn đầu ngành FMCG, Vinamilk tiếp tục là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Với mạng lưới tiêu dùng rộng khắp, nhất là ở khu vực thành thị, gần 92% người tiêu dùng chọn mua sản phẩm thương hiệu này. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn thu hút thêm các hộ gia đình mới ở khu vực nông thôn bằng cách liên tục nhấn mạnh hình ảnh và giá trị thương hiệu với sự đầu tư vào nhiều mặt hàng cao cấp, tốt cho sức khỏe như các sản phẩm sữa hữu cơ, sữa hạt...
Sản phẩm đa dạng và mạng lưới rộng khắp là một trong những yếu tố giúp Vinamilk dẫn đầu thị trường
Năm 2019, Vinamilk đã nghiên cứu phát triển và cải tiến thành công 44 sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, Vinamilk liên tiếp giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm mới như Hi! Café, Sữa chua Cốm, Sữa chua ăn Organic, Sữa bột trẻ em chứa tổ yến, Sữa tươi tiệt trùng có chứa tổ yến… Các sản phẩm dinh dưỡng được ra mắt trong giai đoạn này của Vinamilk không chỉ tăng cường dinh dưỡng mà còn hỗ trợ tăng cường đề kháng, phòng chống dịch bệnh.
Hệ thống phân phối giúp nối dài "cánh tay" tới người tiêu dùng
Hệ thống phân phối nội địa của Vinamilk hiện có chuỗi 430 cửa hàng "Giấc Mơ Sữa Việt" cho đến gần 251.000 điểm bán lẻ và các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên cả nước, đã giúp đưa các sản phẩm của Vinamilk đến tay người tiêu dùng một cách tiện lợi và nhanh chóng.
Năm 2016, Vinamilk là công ty sữa tiên phong ra mắt trang thương mại điện tử giacmosuaviet.com.vn đầu tiên. Đến nay, kênh bán hàng này vẫn đang phát triển cùng với tiêu dùng online đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Vinamilk hiện đã phát triển thêm 9 đối tác thương mại điện tử để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.
Hệ thống phân phối rộng lớn phủ sóng 63 tỉnh thành
Hoạt động bán hàng phủ sóng rộng khắp 63 tỉnh thành, sự đa dạng trong các kênh phân phối sản phẩm, cũng như sự gia tăng dấu ấn và giá trị thương hiệu. Logistic và phân phối hiệu quả đã giúp Vinamilk đảm bảo việc cung cấp sản phẩm nhanh chóng, đầy đủ ngay trong điều kiện giãn cách xã hội vào những tháng đầu năm. Đồng thời, điều này cũng thể hiện sự đón nhận và tin tưởng của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm từ thương hiệu này.
Về thị trường nước ngoài, các sản phẩm của Vinamilk cũng cho thấy sự khả quan khi nhận được các tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng quốc tế. Tính đến nay, Vinamilk đã có mặt tại 54 quốc gia và vùng lãnh thổ, khai thác tích cực các thị trường mới tiềm năng tại khu vực Châu Á.
Năm 2019, Vinamilk đã thành công thâm nhập thị trường Trung Quốc, thiết lập hệ thống phân phối với các chuỗi siêu thị lớn tại Trung Quốc cũng như thông qua kênh thương mại điện tử.
Mới đây, tại Hàn Quốc, nơi các sản phẩm sữa hạt và trà sữa của Vinamilk đã bắt đầu được người tiêu dùng đón nhận thông qua kênh thương mại điện tử và cửa hàng tiện lợi.
Từ đầu tháng 9, sản phẩm trà sữa Vinamilk Happy cũng đã lên kệ tại chuỗi 1.500 cửa hàng tiện lợi phổ biến ở Hàn Quốc. Kinh nghiệm về thị trường, chiến lược tiếp cận phù hợp và uy tín thương hiệu trong mảng kinh doanh quốc tế được xây dựng trong gần 20 năm qua đã giúp Vinamilk ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.
Doanh thu tăng trưởng tích cực là thành quả sau bao năm nỗ lực của Vinamilk
Sữa vẫn sẽ là thị trường đầy triển vọng ở Việt Nam
Tương lai ngành sữa vẫn được coi là tiềm năng bởi mức tiêu thụ sữa trên đầu người tại Việt Nam vẫn còn thấp. Nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 28 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/ năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80-100 lít/người/năm.
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia đông dân với quy mô gần 100 triệu dân và có tốc độ tăng trưởng dân số trung bình là 1,2%/năm, dẫn đến nhu cầu về sữa ở khắp các lứa tuổi cũng tăng lên. Cùng với đó là thu nhập bình quân không ngừng cải thiện và mức sống người dân ngày càng nâng cao sẽ là cơ sở tốt để tạo động lực tăng trưởng cho ngành sữa.
Theo kết quả thu thập của Kantar WorldPanel, giá trị tiêu thụ sản phẩm nhóm sữa trong 9 tháng 2019 ở khu vực thành thị (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ) tăng 10,6% so với cùng kỳ 2018 và ở khu vực nông thôn tăng mạnh 14,9%, nhờ vào sản lượng tiêu thụ tăng cao.
Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm, đồ uống vẫn tăng đều qua các năm
Theo các chuyên gia, thời gian qua, thị trường hàng hóa có nhiều thay đổi về hành vi người tiêu dùng do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng với những sản phẩm dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe vẫn sẽ được người tiêu dùng ưu tiên. Đặc biệt là những sản phẩm đảm bảo được các yếu tố như được sản xuất với chuẩn chất lượng cao nhất, có khả năng tăng cường hệ miễn dịch.
Nielsen cho biết 49% người tiêu dùng trên thế giới chấp nhận bỏ thêm chi phí để lấy những sản phẩm chất lượng và có lợi cho sức khỏe. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình toàn cầu với 65% người tiêu dùng Việt đánh giá cao về chất lượng hay hiệu quả của sản phẩm. Và theo 1 khảo sát khác từ Nielsen VN, có đến 64% người tiêu dùng sau dịch bệnh Covid-19 sẽ vẫn tiếp tục sử dụng kênh online làm kênh mua sắm chính của mình. 63% khẳng định sẽ đẩy mạnh mua sắm thường xuyên hơn.
Có thể thấy, về quy mô, tiềm năng của thị trường trong nước vẫn còn rất lớn. Hơn thế, quy mô thị trường hiện không chỉ là 91 triệu người Việt Nam, mà các doanh nghiệp sữa Việt nay đã có những "tính toán" khá rõ ràng để mở rộng thị trường nước ngoài song song với việc xây nền tảng chắc chắn ở nội địa như Vinamilk
Ở một khía cạnh khác, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, cụ thể là trong thời gian 3-5 năm tới khi EVFTA chính thức có hiệu lực, thị trường sữa sẽ có rất nhiều sự thay đổi. Tuy nhiên,sự chuẩn bị tốt, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, chất lượng sản phẩm và có một chiến lược phân phối phù hợp vẫn sẽ là điểm mấu chốt để các doanh nghiệp làm chủ cục diện, có được lợi thế ngay cả trên "sân nhà" hay khi bước ra sân chơi thế giới.
Nhịp sống kinh tế