Các ngân hàng đã "bơm" bao nhiêu tiền ra nền kinh tế từ đầu năm đến nay?
Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay không còn được “hăng hái” như năm ngoái.
- 07-03-2023Cổ phiếu ngân hàng phục hồi, EIB tăng kịch biên độ
- 07-03-2023‘Soi’ điểm mấu chốt gỡ ‘bom’ trái phiếu bất động sản
- 07-03-2023Giá vàng lao dốc
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 24/2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77% so với cuối năm 2022, thấp hơn hẳn mức tăng 2,52% của cùng kỳ năm 2022. Huy động vốn cũng chỉ tăng 0,05%.
Quy mô dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cuối năm 2022 đạt hơn 11,92 triệu tỷ đồng. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, hệ thống ngân hàng mới chỉ “bơm” thêm khoảng 92.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, con số lên tới 277.000 tỷ đồng. Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng đầu năm nay không còn được “hăng hái” như năm 2022.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã lưu ý về tăng trưởng tín dụng thấp trong 2 tháng đầu năm dù NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2, NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng.
Theo Thống đốc, NHNN đã rà soát, đánh giá và thấy rằng các điều kiện cho vay được giữ nguyên, không thắt chặt, từ đầu năm các ngân hàng không bị hạn chế về room tín dụng, thanh khoản hệ thống dư thừa,… Việc tín dụng tăng trưởng chậm là do 2 tháng đầu năm trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch Covid-19, một số doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, đơn hàng của nhiều doanh nghiệp suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao bằng năm ngoái.
Đặc biệt, tín dụng cho bất động sản tăng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm. Người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết, những năm trước, tín dụng bất động sản tăng cao, chiếm hơn 20% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng bất động sản tăng chậm lại, dù vẫn tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Liên quan đến việc NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu năm 2023 cho các ngân hàng, nhìn chung mức phân bổ lần đầu năm nay thấp hơn khá nhiều so với năm 2022. Cụ thể, HDBank được cấp room là 11%, so với 15% của năm 2022. ACB là 9,8% so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5% so với năm 2022 là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn mức 11,5% của năm trước; VPBank và MB cùng được cấp room tín dụng ở mức 9% trong khi năm trước là 15%.
Một số ngân hàng cũng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 chuẩn bị trình Đại hội đồng cổ đông với mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khá khiêm tốn, với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng không cao như năm ngoái. Chẳng hạn, tại NamABank, ngân hàng cho biết kỳ vọng dư nợ cho vay cá nhân, tổ chức kinh tế đạt 132.000 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 10,4% so với năm 2022. Trên cơ sở này, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, chỉ tăng hơn 9% so với năm trước.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, tuy NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% trong năm nay nhưng nhiều khả năng sẽ không đạt được. Nhóm phân tích của chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASV) nhận định, sự sụt giảm chất lượng tài sản trong năm 2022 và các rủi ro nợ xấu do thay đổi môi trường lãi suất sẽ khiến các nhà băng cẩn trọng hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cho các phân ngành/doanh nghiệp có rủi ro cao. Tỷ giá tạm thời ổn định nhưng rủi ro giảm giá đồng nội tệ vẫn còn hiệu hữu do các đợt tăng lãi suất của Fed và nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt. Nhìn chung, dựa trên những yếu tố vĩ mô chưa khả quan, dự phóng tín dụng sẽ chỉ tăng trong khoảng từ 10-12% trong năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng mục tiêu của NHNN.
Nhịp sống thị trường