Các ngân hàng dồn dập chia cổ tức
Trong thời gian gần đây, một loạt ngân hàng đã thông báo ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức.
- 05-06-2023Cổ đông MB sắp được chia hơn 2.200 tỷ đồng cổ tức tiền mặt
- 31-05-2023Một ngân hàng thông báo ngày chốt danh sách cổ đông chia cổ tức hơn 39%
- 29-05-2023Hai ngân hàng chốt danh sách cổ đông chia cổ tức tiền mặt trong tuần này
Mới nhất, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB vừa có quyết định chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/6/2023 để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng). Thời gian thanh toán cổ tức là ngày 10/7/2023.
Với hơn 4,5 tỷ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành, MB dự kiến chi ra 2.267 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Ngoài ra, ngân hàng này còn có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 6.801 tỷ đồng.
Trước đó, TPBank thông báo 12/6 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận quyền hưởng cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 39,19%. Theo đó, TPBank sẽ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng.
Vào tuần trước, ACB cũng đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức vào ngày 2/6/2023 với tổng tỷ lệ 25%. Trong đó, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu, tức 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Ngày thanh toán là 12/6/2023.
Bên cạnh đó, ACB cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, tức người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới. Số lượng phát hành dự kiến là hơn 506 triệu cổ phiếu.
Cuối tháng trước, HDBank đã chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt 10% vào ngày 30/5. Ngày thanh toán cổ tức cho cổ đông dự kiến là 12/06/2023. Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu trong thời gian tới.
ABBank cũng đã chốt danh sách cổ đông vào hôm 31/5 để tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10%.
Bên cạnh các ngân hàng đã thông báo ngày chốt danh sách cổ đông, một loạt ngân hàng khác cũng mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, thưởng. Đây là thủ tục cuối cùng để các ngân hàng tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Hồi cuối tháng 5. NHNN đã chấp thuận việcVietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên Vietcombank năm 2022 đã thông qua phương án phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới). Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ Vietcombank sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng.
Mới đây, NHNN cũng vừa có văn bản cho phép OCB tăng vốn điều lệ thêm 6.849 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu, tương đương với tỷ lệ 50% cho cổ đông hiện hữu. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.
SeABank cũng công bố nhận được công văn của NHNN về việc chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.500 tỷ đồng. Trong đó, SeABank sẽ tăng vốn thêm tối đa 2.952 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ xấp xỉ 14,5%.
Theo quy định hiện hành, cổ tức bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, giá cổ phiếu trên thị trường cũng sẽ bị điều chỉnh tương ứng với số cổ tức mà ngân hàng chi trả trên mỗi cổ phiếu.
Dù vậy, việc được chia cổ tức bằng tiền mặt là thông tin vui cho các cổ đông khi được nhận “tiền tươi thóc thật” từ lợi nhuận mà ngân hàng làm ra. Bên cạnh đó, việc chia cổ tức bằng tiền mặt cũng cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo về nền tảng vốn cũng như dòng tiền của ngân hàng.
Đối với hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, đây được coi là thu nhập của nhà đầu tư, nhưng trong nhiều trường hợp nhà đầu tư không được hưởng gì. Sự thực là khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu, bản thân các chỉ số tài chính của doanh nghiệp như quy mô vốn, tài sản không thay đổi, chỉ có số lượng cổ phiếu lưu hành tăng thêm, nhưng giá trị giảm đi.
Theo đó, vào các ngày chốt trả cổ tức bằng cổ phiếu, giá cổ phiếu sẽ giảm đi tương ứng so với % cổ phiếu trả cổ tức. Do vậy, về bản chất tài sản của nhà đầu tư không tăng trong khi vẫn phải chịu thu, chưa kể khi nhà đầu tư nếu bán cổ phiếu cổ tức nhận được cũng phải chịu thuế thu nhập 0,1% và nhiều khoản phí khác.
Nhịp sống Thị trường