MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng trung ương "phát ốm" vì phải giải cứu kinh tế thế giới một mình

17-07-2019 - 12:13 PM | Tài chính quốc tế

Các ngân hàng trung ương lại một lần nữa phải đứng mũi chịu sào trong nỗ lực giải cứu kinh tế toàn cầu và nhiều trong số họ đang yêu cầu sự tham gia của các chính phủ.

Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại, Cục Dự trữ Liên bang, Ngân hàng Trung ương châu Âu và có lẽ là cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đều sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng sắp tới. Tuy nhiên, khi có ít room để hành động hơn so với trong quá khứ, lãnh đạo của các cơ quan này đang yêu cầu các chính trị gia chung tay hành động nếu một cuộc suy thoái ập đến.

Áp lực, có thể được truyền tải trực tiếp vào ngày 17/7, khi nhóm lãnh đạo các ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính G7 có cuộc gặp tại Paris, Pháp. Họ nhóm họp trong thời điểm được mô tả là nguy hiểm của nền kinh tế toàn cầu khi tương lai chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là khó đoán định và một số thị trường trái phiếu bộc lộ những dấu hiệu của suy thoái.

Pháp, nước chủ nhà của hội nghị sắp tới, có thể đưa ra một ví dụ đáng lưu tâm. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải chi 19,2 tỷ USD để hỗ trợ người tiêu dùng sau khi phong trào Áo Vàng làm rung chuyển đất nước. Điều này có thể trái với "câu thần chú" cắt giảm thâm hụt mà ông Macron luôn theo đuổi nhưng lại chứng minh một thực trạng bất ổn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại. Tăng trưởng năm 2019 của Pháp dự kiến sẽ vượt qua mức trung bình của khu vực đồng Euro lần đầu tiên trong 6 năm.

Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết: "Rủi ro chính trị đang gia tăng ở khắp mọi nơi. Vì vậy, việc giải quyết tình trạng thiếu hụt tăng trưởng để mang lại lợi ích cho tất cả là điều rất cấp bách. Tuy nhiên, điều này không thể đạt được nếu chỉ dựa vào chính sách tiền tệ".

Ở thời điểm hiện tại, các ngân hàng trung ương dường như đều rất sẵn lòng thực hiện trách nhiệm của mình nhằm bảo toàn sự tăng trưởng. Chủ tịch FED Jerome Powell tuần trước đã xác nhận sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng này. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi cũng đang nghiêng về phương án tương tự.

Tuy nhiên, với hỏa lực hạn chế và bảng cấn đối cồng kềnh, các ngân hàng trung ương khó có thể làm điều này một mình. Ví dụ, lãi suất cơ bản của FED đang bằng một nửa so với trước khi suy thái trong quá khứ. Với BOJ và ECB, nó đã nằm dưới 0.

Dù từng cảnh báo tình hình tài chính của Mỹ là không bền vững trong dài hạn, tuần trước, ông Powell nói rằng sẽ không tốt khi để chính sách tiền tệ đóng vai trò chủ đạo. Năm 2018, kinh tế Mỹ bùng nổ nhờ chính sách cắt giảm thuế 1,5 nghìn tỷ USD của ông Trump nhưng hiệu ứng này đang dần mờ nhạt. Ở châu Âu, Chủ tịch ECB Draghi phàn nàn rằng chính sách tiền tệ đang mang đến một gánh nặng không cân sức trong thập kỷ qua.

Một số người cho rằng thông điệp giữa ngân hàng trung ương với các chính phủ sẽ trở nên hiệu quả hơn khi bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), thay thế vai trò của ông Draghi trong tháng 11. Bà Lagarde là người cho rằng trong đợt suy thoái tiếp theo, kích thích tài chính cần được sử dụng ở bất cứ nơi nào có thể. Giám đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney, ứng viên tiềm năng thay thế vị trí của bà Lagarde ở IMF, cũng đồng tình với quan điểm này.

Những lời kêu gọi sẽ có thêm sức nặng do sự sụp đổ của lợi suất trái phiếu toàn cầu, khiến các chính phủ có thể vay tiền rẻ hơn. Ở châu Âu, phần lớn tập trung hướng vào Đức: không chỉ là thặng dư ngân sách mà các nhà đầu tư còn phải trả thêm tiền để cho chính phủ Đức vay tiền trong vòng 15 năm vì lợi suất âm. Khó khăn lớn là tỷ lệ nợ tăng cao. Ví dụ ở Pháp, nợ đã gần đạt đến mức 100% GDP. Ở Italy, tỷ lệ này còn cao hơn.

Một giải pháp ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, theo OECD, sẽ kết hợp kích thích tài khóa ở một số quốc gia với tái cấu trúc ở các quốc gia khác song song với chính sách tiền tệ lỏng lẻo. Theo ước tính, nỗ lực phối hợp này sẽ làm tăng GDP lên 0,75% trong năm nay và năm tới.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên