Các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất gần 1.200 điểm cơ bản trong tháng 7
Ngân hàng trung ương Canada gây bất ngờ với mức tăng 100 điểm cơ bản, cao nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển.
- 05-08-2022Trung Quốc cảnh báo nhiệt độ ở nước này đang tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu
- 05-08-2022Hai tên lửa "xóa sổ” trùm khủng bố khét tiếng al-Qaeda: Tình báo Mỹ xuất sắc như thế nào?
- 05-08-2022Cổ phiếu tăng 14.000% sau 3 tuần, chủ tịch một công ty bất ngờ thành người giàu thứ 6 châu Á
173.Ngân hàng trung ương nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi trên toàn cầu đã tăng lãi suất gần 1.200 điểm cơ bản chỉ tính trong tháng 7, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống lại lạm phát ở đỉnh nhiều thập kỷ, trong đó ngân hàng trung ương Canada tạo ra bất ngờ lớn nhất với mức tăng 1%.
Các ngân hàng trung ương quản lý 5 trong số 10 đồng tiền được giao dịch nhiều nhất toàn cầu đã tăng lãi suất tổng cộng 325 điểm cơ bản so với tháng trước, góp phần nâng tổng mức tăng lãi suất của nhóm G10 lên 1.100 điểm cơ bản từ đầu năm nay.
Tuy nhiên, mức tăng trong tháng 7 thấp hơn 350 điểm cơ bản so với tháng 6.
Mức tăng lãi suất của nhóm 10 nước phát triển. Ảnh: Reuters.
“Giai đoạn siết chặt chính sách căng thẳng nhất có thể đã qua đi”, Christian Kopf, Trưởng bộ phận quản lý danh mục các thu nhập cố định tại Union Investment, chia sẻ với Reuters.
“Các ngân hàng trung ương phát đi tín hiệu rằng họ sẽ thận trọng với mối quyết định tăng lãi suất, tranh đưa lãi suất lên ngưỡng quá cao gây bất lợi cho nền kinh tế”, Kopf chia sẻ. Điều này cũng đã được Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell đề cập tới trong cuộc họp báo sau phiên họp của Ủy ban thị trường mở liên bang hồi tháng trước.
Tuy nhiên, tháng 7 ghi nhận nhiều quyết định bất ngờ của một số ngân hàng trung ương. Canada chính là “ngôi sao mới nổi” trong cuộc chạy đua lãi suất toàn cầu với mức tăng 1%, cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RNZ) tăng lãi suất lần thứ 6 liên tiếp đồng thời khẳng định vẫn còn dư địa cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo nhằm sớm chặn đứng lạm phát.
Một trường hợp nổi bật khác là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong cuối tháng 7, cơ quan này tăng lãi suất thêm 0,75%, đồng thời củng cố quyết tâm kéo giảm lạm phát, hiện ở đỉnh hơn bốn thập kỷ, về ngưỡng mục tiêu 2%.
Ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi, vốn kiểm soát lạm phát tốt hơn các quốc gia phát triển, cũng không đứng ngoài cuộc. 9/18 quốc gia thuộc nhóm này tăng tổng cộng 850 điểm cơ bản trong tháng 7.
Tổng cộng, các nền kinh tế mới nổi tăng lãi suất tới 5.265 điểm cơ bản tính từ đầu năm 2022, gấp gần hai lần so với mức tăng 2.745 điểm cơ bản trong cả năm 2021.
Mức tăng lãi suất của các nền kinh tế đang phát triển. Ảnh: Reuters. |
“Các nền kinh tế mới nổi tỏ ra lo lắng hơn về lạm phát”, David Hauner, Chuyên gia kinh tế tới từ Bank of America, chia sẻ.
Hungary đã tăng lãi suất tổng cộng hai lần trong tháng 7, với tổng mức tăng 300 điểm cơ bản, lên ngưỡng 10,75%. Đây là lần đầu tiên lãi suất tại Hungary chạm ngưỡng hai chữ số sau gần 14 năm.
Cũng trong tháng vừa qua, Colombia và Chile tăng lãi suất lần lượt 150 và 75 điểm cơ bản.
Trường hợp đặc biệt duy nhất là Nga khi ngân hàng trung ương quốc gia này giảm lãi suất lần thứ năm trong năm nay từ ngưỡng 20% về 8%.
Áp lực lạm phát tiếp tục là “cơn đau đầu” đối với các nhà hoạch định chính sách, theo Tobias Adrian, Giám đốc bộ phận thị trường vốn và tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
“Mức gia tăng lạm phát thời gian qua gây bất ngờ cho nhiều thị trường, các ngân hàng trung ương, và triển vọng về tình hình lạm phát trong thời gian tới vẫn chứa đựng sự bất định lớn”, Adrian chia sẻ trong đầu tháng 8.
“Rủi ro lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục trong xu hướng tăng”, Adrian bình luận. Ông cũng đồng thời cảnh báo nguy cơ lạm phát trở nên cố kết và kỳ vọng lạm phát neo ở ngưỡng cao.
NDH