Các nhà máy đường trước nguy cơ thiếu nguyên liệu
Hiện mới bước vào niên vụ mới, song không ít doanh nghiệp sản xuất đường đã lo ngại thiếu nguồn mía nguyên liệu để ép trong thời gian tới.
- 31-01-2016Nhà máy tranh mua, giá mía nguyên liệu tăng cao
- 29-05-2015Ngành mía đường đứng trước "bài toán" thiếu hụt nguyên liệu
- 19-01-2015Mía và sữa nguyên liệu rớt giá: Người dân thiệt đơn thiệt kép
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/10, cả nước có 3 nhà máy đường đã vào sản xuất vụ mới 2016 – 2017, ép được 119.925 tấn mía, sản xuất được 8.961 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước lượng mía ép giảm 188.775 tấn và lượng đường giảm 17.449 tấn.
Hiện mới bước vào niên vụ mới, song không ít doanh nghiệp đã lo ngại thiếu nguồn mía nguyên liệu để ép trong thời gian tới. Đặc biệt là các nhà máy đường trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bởi toàn vùng vụ này chỉ còn hơn 42.200 ha mía, giảm hơn 6.000 ha so với vụ mía trước và giảm khoảng 60.000 ha so với năm 2000.
Trước đây, Đồng bằng sông Cửu Long có 10 nhà máy đường nhưng hiện tại chỉ còn 9 nhà máy. Nhà máy đường Kiên Giang phải bán di chuyển về Tây Ninh do thiếu nguyên liệu mía để hoạt động. Trong số 9 nhà máy đường còn lại, khả năng sẽ có thêm 1-2 nhà máy đường ngừng hoạt động chuyển đi nơi khác do thiếu nguyên liệu để hoạt động.
Theo bà Bùi Thị Quy, Tổng giám đốc Công ty mía đường cồn Long Mỹ Phát cho biết, nhà máy đã giảm công suất 30% trong tổng công suất 2.500 tấn mía/ngày. Nếu phải dừng sản xuất thì nhà máy sẽ thiệt hại rất lớn. Nhu cầu mía cao khiến thương lái cũng không bán mía cho nhà máy và nhà máy phải tự làm thương lái.
Theo thông lệ đầu tháng 10 hàng năm là Công ty Mía đường Cà Mau triển khai hoạt động sản xuất vụ mới. Tuy nhiên, do bị động nguồn nguyên liệu khiến hoạt động sản xuất kinh doanh nhà máy bị đình trệ. Vụ sản xuất mía đường năm nay, Công ty Mía đường Cà Mau có kế hoạch thu mua khoảng 130.000 tấn mía nguyên liệu để phục vụ cho chế biến.
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên liệu trong vụ sản xuất năm 2016, công ty này đã nâng giá thu mua mía với mức 1.020 đồng/kg (đạt 10 chữ đường) nhằm thu hút nguồn nguyên liệu tại chỗ và ở một số tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang…
Nguyên nhân khiến tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu mía là trong những năm qua, đầu ra cây mía bấp bênh đã khiến người dân chuyển đổi nhiều diện tích trồng mía sang nuôi tôm, nuôi cá, trồng lúa, trồng màu… để tăng thu nhập. Bên cạnh đó, hạn hán cũng gây ảnh hưởng đến nhiều diện tích mía ở một số địa phương dẫn đến năng suất bị sụt giảm đáng kể.
Niên vụ năm 2016-2017, dự kiến sản lượng ép mía cả nước đạt 15 triệu tấn, sản lượng đường kết tinh đạt trên 1,4 triệu tấn./.
Bnewn/ TTXVN