MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nhà máy 'không ngại' tăng giá sản phẩm 20-30%, Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới?

22-10-2021 - 09:23 AM | Tài chính quốc tế

Các nhà máy 'không ngại' tăng giá sản phẩm 20-30%, Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới?

Trong nhiều năm, các nhà máy của Trung Quốc đóng vai trò như "chân phanh" kìm hãm lạm phát toàn cầu .Tuy nhiên, sự bùng nổ trong hoạt động xuất khẩu kể từ sau đại dịch đã thay đổi tất cả, giúp các nhà sản xuất tự tin "ra giá" với khách hàng nước ngoài.

Doanh nghiệp Trung Quốc tăng giá mà không sợ mất khách hàng 

Hoạt động kinh doanh của Zhejiang Zhendong Leisure Products đang bùng nổ. Công ty này sản xuất khoảng 1 triệu chiếc ghế gập mỗi năm từ nhà máy ở miền đông Trung Quốc, nhiều trong số đó có điểm đến là những khu vườn, hiên nhà tại Mỹ và khắp châu Âu.

Nhu cầu gia tăng đột biến kể từ khi đại dịch diễn ra đã khiến lượng đơn hàng kéo dài từ nay cho đến tháng 4 năm sau. Công ty cũng "mạnh tay" tăng giá thêm 10%. Giám đốc mảng sale thị trường quốc tế của công ty – Sonia Lu, giải thích, việc tăng giá không ảnh hưởng đến nhu cầu, khi người mua còn đặt nhiều đơn hàng hơn vì sợ giá còn tăng thêm.

Người tiêu dùng muốn mua những chiếc ghế che nắng ngoài vườn có thể đối mặt với mức giá tăng mạnh hơn. Shaoxing Gaobu Tourism Products Co. – sản xuất ô che nắng ở bãi biển và sân vườn bán hàng qua các bên bán lẻ như Walmart và Carrefour, đã nâng giá khoảng 20% và không lo "mất khách".

Nhân viên bán hàng Lyric Lian cho biết: "Dù khách hàng của chúng tôi tìm đến bất kỳ bên bán nào, thì họ vẫn phải đối mặt với thực tế là giá đang tăng lên."

Các nhà máy không ngại tăng giá sản phẩm 20-30%, Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới?  - Ảnh 1.

Giá nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ tăng đáng kể trong năm ngoái.

Những chia sẻ về việc nâng giá sản phẩm ở hội chợ các nhà xuất khẩu thương mại Trung Quốc đang làm làm dấy lên mối lo ngại rằng lạm phát toàn cầu sẽ không chỉ là "nhất thời". Theo hãng nghiên cứu và tư vấn ngành hàng hải Drewy, các nhà xuất khẩu tăng giá do họ phải trả phí vận chuyển cao kỷ lục – cao hơn gần 300% so với 1 năm trước, chủ yếu là các nhà nhập khẩu phải trả nhiều hơn.

Trong nhiều năm, các nhà máy của Trung Quốc đóng vai trò như "chân phanh" kìm hãm lạm phát toàn cầu khi hạ chi phí để giữ chân khách hàng nước ngoài. Họ đưa ra bước đi đó trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng chậm chạp và đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ như Việt Nam. Tuy nhiên, sự bùng nổ trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc kể từ sau đại dịch đã thay đổi tất cả, giúp các nhà sản xuất tự tin "ra giá" với khách hàng nước ngoài.

Ngoài ra, khi nhu cầu trên toàn cầu hồi phục hậu đại dịch, mức giá cao hơn cũng không khiến khách hàng nản lỏng. Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng 21% trong năm nay, mức tăng lớn nhất trong hơn 1 thập kỷ qua.

Chỉ số giá xuất khẩu của Hong Kong – chỉ báo hiệu quả đối với giá xuất khẩu của Trung Quốc vì cảng ở thành phố này thường tiếp nhận và xử lý hàng hóa từ đại lục, tăng khoảng 5,6% so với năm trước vào tháng 7. Trong khi đó, chỉ số giá nhập khẩu của Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy giá hàng hóa Trung Quốc như thiết bị điện, đồ gia dụng và giày dép tăng khoảng 3-5%.

Các nhà máy không ngại tăng giá sản phẩm 20-30%, Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới?  - Ảnh 2.

Biên lợi nhuận của các công ty Trung Quốc tăng mạnh dù chịu áp lực lạm phát PPI.

Người tiêu dùng nước ngoài có "thiệt" khi giá hàng hóa Trung Quốc tăng? 

Dù giá chào bán từ các nhà máy Trung Quốc đang có sự thay đổi, nhưng đó có thể không phải là yếu tố xoay chuyển kỳ vọng lạm phát toàn cầu. Nguyên nhân là bởi, đối với người tiêu dùng ở các nước phát triển, hàng hóa do Trung Quốc sản xuất chỉ chiếm một phần nhỏ trong các khoản chi tiêu hàng ngày của họ.

Ở Mỹ, nhà ở, phương tiện đi lại và y tế chiếm 2/3 số hàng hóa được sử dụng để ước tính lạm phát giá tiêu dùng. NHTW Canada cho biết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 5% trong danh sách tương tự của họ. Trong khi đó, qua những gì đã diễn ra trong chiến tranh thương mại, các nhà nhập khẩu và bán lẻ thường chịu chênh lệch giá chứ không phải người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khả năng mức giá tăng mạnh hơn cũng có thể xảy ra. Cơn sốt nguyên liệu thô trên toàn cầu đang khiến lạm phát giá tại cổng nhà máy ở Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 26 năm. Bắc Kinh cũng cho biết các nhà máy có thể phải chịu chi phí điện tăng 20% do cuộc khủng hoảng năng lượng.

Chen Zijian – giám đốc bộ phận sale tại Guangzhou GL Supply Chain Co., công ty sản xuất đồ làm vườn xuất khẩu sang Mỹ và Tây Âu, cho biết ông đã nâng giá 10% trong năm nay và có thể tăng nhiều hơn nữa. Chen nói: "Giá điện đang tăng và chúng tôi cũng phải tăng giá sản phẩm."

Stanley Chao là nhà sáng lập của All In Cousulting – công ty hợp tác với doanh nghiệp Mỹ tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc. Theo ông, quy mô của công ty là yếu tố quyết định. Một số công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực như đồ điện tử, đồ chơi và dệt may đang tăng giá 20-30% do với cùng kỳ năm ngoái.

Chao cho hay: "Các nhà máy nhỏ với tỷ suất lợi nhuận thấp đang chuyển chi phí cho khách hàng. Các nhà cung cấp lớn hơn có thể cầm cự được."

Dữ liệu chính thức cho thấy, hầu hết các nhà sản xuất Trung Quốc có thể chịu chi phí cao hơn mà không bị lỗ, khi tỷ suất lợi nhuận trung bình của họ trong tháng 8 là 6,6%, cao hơn so với mức 5,5% trước đại dịch. Đó là bởi phần lớn chi phí sản xuất như tiền lương, thuê mặt bằng, bảo trì thiết bị và các khoản lãi vay đều không liên quan trực tiếp đến giá sản xuất.

Việc tăng giá sẽ phụ thuộc vào ước tính nhu cầu trong tương lai của các công ty. Trong khi đó, khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc đang giảm dần.

Khối lượng thương mại toàn cầu đã đạt đỉnh vào tháng 3, theo báo cáo World Trade Monitor. Ngoài ra, tăng trưởng hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang giảm dần và có khiến các nhà xuất khẩu "thiếu tự tin" hơn. Theo Drewy, cước vận tải biển cũng đã giảm trong những tuần gần đây.

Tham khảo Bloomberg

Chi Lan

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên