MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nước nghèo lại càng nghèo: Việt Nam nằm trong nhóm thoát cảnh khốn khó nhưng đâu mới là giải pháp cho các quốc gia đang phát triển?

20-02-2023 - 19:38 PM | Tài chính quốc tế

Các nước nghèo lại càng nghèo: Việt Nam nằm trong nhóm thoát cảnh khốn khó nhưng đâu mới là giải pháp cho các quốc gia đang phát triển?

Sau hơn 40 năm phát triển, các nước nghèo dường như lại ngày càng tụt hậu hơn so với các nước giàu. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Hiện tượng kinh tế "lạ"

Châu Mỹ Latinh là một vùng khá nghèo vào năm 1980. Tổng sản phẩm quốc nội tính trên đầu người (GDP đầu người) tại khu vực này chỉ bằng 42% so với con số của một quốc gia thuộc nhóm G7 .

Sau đó, rất nhiều sự kiện đã xảy ra: các chính phủ từ Buenos Aires đến Mexico City đã thay đổi 180 độ các chính sách kinh tế, cắt giảm ngân sách và bán bớt các doanh nghiệp công; mở cửa cho thương mại và vốn nước ngoài. Mexico đã kết nối nền kinh tế của mình với Mỹ thông qua NAFTA. Brazil và Argentina đã kết nối thông qua Mercosur (Cộng đồng Thị trường Nam Mỹ). Trung Quốc cũng mua rất nhiều hàng hóa trong khu vực.

Và năm ngoái - sau tất cả những cố gắng thay đổi - chỉ số GDP đầu người của khu vực Mỹ Latinh chỉ bằng 29% so với các quốc gia G7, còn thấp hơn nhiều so với vài chục năm trước đó. Vậy điều "kỳ quái" gì đã khiến các nước nghèo lại ngày càng nghèo hơn?

Theo bài viết của Bloomberg, hãy xét tới điều này: sản lượng kinh tế của một công dân phổ thông ở Châu Phi đã giảm từ 17% xuống 10% so với sản lượng của một công dân ở các nước giàu trong 42 năm đó, được đo theo sức mua tương đương (PPP); GDP bình quân đầu người ở Trung Đông giảm mạnh từ 114% xuống còn 41% so với G7.

Các nước nghèo lại càng nghèo: Việt Nam nằm trong nhóm thoát cảnh khốn khó nhưng đâu mới là giải pháp cho các quốc gia đang phát triển? - Ảnh 1.

Trên thực tế, chỉ trừ khu vực Nam Á và Đông Á, còn lại sự phát triển kinh tế trong thế hệ qua đã thụt lùi ở hầu hết các quốc gia chưa giàu. Vốn của thế giới giàu có và lượng lao động giá rẻ của thế giới nghèo dường như đã không tạo ra được phép màu như nhiều người mong đợi.

Thời kỳ hưng thịnh — chẳng hạn như thập kỷ mà Trung Quốc mua gần như tất cả sắt, đồng, đậu nành và bít tết mà Nam Mỹ có thể sản xuất — phần lớn đã kết thúc đột ngột. Những tuyên bố mạnh mẽ - như "hãy đưa nền kinh tế Mexico đến với thị trường tiêu dùng lớn nhất, giàu có nhất thế giới" - cũng không thể xây dựng được sự thịnh vượng chung.

Trong khi đó, châu Á lại chứng kiến nhiều sự phát triển đáng kể. GDP bình quân đầu người của Ấn Độ tăng từ 5% so với G7 lên 13%, của Việt Nam từ 5% lên 21% so với nhóm G7 . GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc đã tăng từ 3% lên 33% so với mức trung bình của G7.

Đây là một số quốc gia "ngoại lệ", có sự phát triển vượt bậc (tăng từ 2 đến 10 lần thu nhập bình quân) nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực để thực sự trở nên giàu có.

Đâu là giải pháp?

Câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào mà các quốc gia nghèo có thể phát triển? Một số công ty tư vấn tài chính toàn cầu khuyến nghị rằng "đầu tư vào nhân lực là điều cần thiết để trở nên năng suất hơn và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu" không thể giúp các nước này bởi vốn người dân ở đây không thể đảm bảo con cái họ học hết cấp 3, chứ chưa kể đại học.

Còn đầu tư vào sản xuất thì sao? Hãy nghĩ về Nhật Bản và Hàn Quốc, những con hổ Đông Á và Trung Quốc, nước Đức thời hậu chiến: trong hơn một thế kỷ qua, sản xuất để xuất khẩu gần như là chiến lược thành công duy nhất để mang lại sự thịnh vượng trên diện rộng cho các nước nghèo trên thế giới.

Các nước nghèo lại càng nghèo: Việt Nam nằm trong nhóm thoát cảnh khốn khó nhưng đâu mới là giải pháp cho các quốc gia đang phát triển? - Ảnh 2.

Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Sản xuất có một khả năng độc đáo để nâng cao năng suất. Để nâng cao năng suất của ngay cả những người nông dân có trình độ học vấn thấp, người ta chỉ cần dựng lên một nhà máy sản xuất áo phông hoặc đồ chơi bằng nhựa ở giữa cánh đồng. Xuất khẩu giúp đi tắt đón đầu thị trường tiêu dùng nhỏ bé trong nước. Và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh này có thể chi trả cho việc đầu tư vào nguồn nhân lực và các yếu tố đầu vào khác để nâng cao chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, ngay cả những chiến lược thành công nhất trong quá khứ cũng sẽ thất bại. Lý do rất đơn giản: tự động hóa. Nền kinh tế công nghiệp không còn cần nhiều lao động, đặc biệt là lao động phổ thông giá rẻ.

Nó không chỉ xảy ra ở Mỹ, nơi Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Quy mô việc làm của ngành sản xuất đang bị thu hẹp trên toàn cầu. Ví dụ, ở Nam Phi, các công việc trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống còn 9% trong tổng số việc làm vào năm 2018, trước khi Covid xảy ra, từ mức 14% vào năm 1990; ở Nigeria, họ đã giảm xuống từ 12% xuống 7%.

Mặc cho cam kết của NAFTA, năm 2018 chỉ có 17% công nhân Mexico làm việc trong lĩnh vực sản xuất, giảm từ 20% vào năm 1990. Ngay cả ở Trung Quốc, tỷ lệ việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ mức cao nhất là 22% vào năm 1995 xuống còn 19,5% vào năm 2018.

Thật không may, những gì các nước đang phát triển có thể cung cấp chủ yếu là lao động rẻ, ít kỹ năng. Và nếu thành quả họ thu được trong 40 năm qua cho nguồn tài nguyên này có vẻ ít ỏi, thì các thế hệ công nghệ tiết kiệm lao động mới dựa trên trí tuệ nhân tạo sẽ khiến 40 năm tới trở nên khó khăn hơn nhiều.

Các nước nghèo lại càng nghèo: Việt Nam nằm trong nhóm thoát cảnh khốn khó nhưng đâu mới là giải pháp cho các quốc gia đang phát triển? - Ảnh 3.

Nông nghiệp cũng không phải là tia hi vọng khả thi đối với những quốc gia nghèo. Mặc dù người Brazil đặt niềm tin vào đậu nành và thịt bò, việc tăng năng suất trong nông nghiệp đã đẩy người dân rời khỏi các cánh đồng để tìm kiếm việc làm trong nền kinh tế đô thị.

Nông sản có thể thúc đẩy xuất khẩu và mang lại lợi ích cho một số ít người, nhưng hầu hết người lao động, đặc biệt là những người có ít học vấn, sẽ bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách từ Châu Phi đến Châu Mỹ Latinh có thể đặt nhiều hy vọng rằng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ mở ra những con đường phát triển mới, nhưng lời kêu gọi kiểu như "tại sao lại xuất khẩu lithium nếu chúng ta có thể xuất khẩu pin lithium-ion" sẽ không thể hiệu quả nếu thiếu vốn và sự độc lập về công nghệ.

Thật vậy, việc thúc đẩy giảm trừ cacbon của các nước giàu giàu có nhiều khả năng sẽ cắt giảm các lựa chọn phát triển cho các nước nghèo - hạn chế khả năng tiếp cận năng lượng giá rẻ của họ và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng được coi là "thải ra nhiều cacbon" từ các thị trường phát triển.

Giáo sư Dani Rodrik tại Harvard đã đề xuất giải pháp cho vấn đề này, dù nó không đặc biệt quá lạc quan: các nước đang phát triển phải tìm ra cách xây dựng kinh tế xung quanh các doanh nghiệp dịch vụ trong nước. Nếu các doanh nghiệp siêu nhỏ này tìm được nguồn lực để tham gia vào nền kinh tế chính thức và phát triển, thúc đẩy việc làm, thì họ có thể neo giữ một tầng lớp trung lưu trong nước, sau đó tầng lớp này sẽ cung cấp một thị trường nội địa lớn hơn cho các dịch vụ của họ.

Tất Đạt

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên