Các nước phát triển đều có sàn giao dịch bất động sản quốc gia, người dân không cần bản cứng “sổ đỏ” vẫn giao dịch được nhà đất
Theo Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Luật sư điều hành Công ty Luật United Legal, tại Hoa Kỳ và Úc đều có mô hình sàn thông tin hay trung tâm dữ liệu bất động sản.
Phó Thủ tướng chỉ đạo sớm hình thành sàn giao dịch việc làm, bất động sản quốc gia
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về đề xuất xây dựng các sàn giao dịch về việc làm, bất động sản và quyền sử dụng đất.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác quản lý, phát triển các thị trường việc làm, bất động sản, đất đai lành mạnh, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích cho doanh nghiệp, người dân.
Hiện nay, căn cứ chính trị, pháp lý đối với các thị trường việc làm, bất động sản, đất đai, khoa học công nghệ ở Việt Nam rất rõ ràng. Việc hình thành, vận hành mô hình trung tâm môi giới giao dịch, sàn giao dịch đã từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập, hạn chế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành cần nghiên cứu, phân tích toàn diện, sâu sắc thực tiễn hoạt động của các thị trường việc làm, bất động sản, đất đai, khoa học công nghệ; kinh nghiệm quốc tế, trong đó có vai trò quản lý, điều chỉnh của Nhà nước.
Hoa Kỳ và Úc đều có có sàn giao dịch bất động sản quốc gia
Liên quan đến chỉ đạo về việc sớm hình thành sàn giao dịch việc làm, bất động sản quốc gia, luật sư Nguyễn Sơn Tùng nhấn mạnh: Việt Nam rất cần mô hình như vậy.
Theo ông Tùng, tại các nước như Hoa Kỳ hay Úc đều có mô hình tương tự như Sàn giao dịch bất động sản quốc gia nhưng với tên gọi: Sàn thông tin hay Trung tâm dữ liệu bất động sản. Đây là cơ quan để quản lý tất cả các thông tin về bất động sản như: Thông tin về giao dịch bất động sản, Lịch sử, lý lịch BĐS; Thông tin về xây dựng, hư hại, sửa chữa; Thông tin về quy hoạch; tin về giá trị ước giá; Thông tin về nghĩa vụ thuế; Cùng các thông tin khác, ví như căn nhà từng xảy ra tranh chấp, phạm tội hay đây là dạng nhà bảo tồn, nhà xây dựng theo mẫu…
Để truy cập vào dữ liệu này, người dùng thường là có trả phí nên phải đăng ký tài khoản xác thực để có quyền truy cập. Và các công ty luật, công ty hay cá nhân môi giới, sàn giao dịch bất động sản, công chứng, thừa phát lại, một số cơ quan tư pháp hay hành chính mới được cấp quyền truy cập này.
Dữ liệu in ra từ sàn thông tin này có giá trị chính thống, làm cơ sở cho giao dịch về bất động sản như mua bán, tặng cho, thừa kế, cho thuê... Với thông tin chính xác từ sàn thông tin, người chủ sở hữu bất động sản cũng chẳng cần đến bản chính quyền sở hữu của tài sản bất động sản.
Nếu người dân cần đến bản chính quyền sở hữu tài sản là sở hữu bất động sản, họ có thể liên hệ với sàn thông tin bất động sản cấp tiểu bang để in ra, và khi nhận kết quả có trang mã vạch được dán để dễ truy cứu thông tin theo mã vạch.
Đương nhiên, sàn thông tin bất động sản này sẽ khác với sàn giao dịch mua bán bất động sản - là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, giao dịch thực tế về bất động sản do các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh liên quan thành lập và hoạt động.
Cũng theo luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Việt Nam cần có định nghĩa rõ ràng về sàn giao dịch bất động sản quốc gia. Khi có định nghĩa rõ ràng, mới có thể triển khai mô hình này.
Nhịp sống thị trường