MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Các ông chủ sẵn sàng thay người bằng máy”

“Cho đến cuối năm 2016 thì các đơn hàng may mặc từ Việt Nam giảm vì họ thấy sản xuất ở Việt Nam không còn được thuận lợi. Các năm trước tăng trưởng 10% thì nay chỉ còn khoảng 5%. Tâm lý chung của các ông chủ là sẵn sàng thay người bằng máy nếu có thể”, ông Lê Quốc Ân, cố vấn Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết.

Phát biểu tại BizTALK “Xu hướng Robot hóa và thách thức với doanh nghiệp” do BizLIVE tổ chức ngày 20/12, ông Lê Quốc Ân, cố vấn Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp và xu hướng robot hóa đang diễn ra khôn lường.

“Liệu Donald Trump là nhà tiên tri chăng? Vì nếu mang việc về Mỹ bây giờ thì sản phẩm sẽ có giá gấp đôi. Tuy nhiên, biết đâu 10-20 năm nữa, khi mà robot làm được hết mọi thứ thì đâu cần mang việc đi đâu, mà giá vẫn hợp lý thì sao? Vấn đề là quá trình này diễn ra nhanh hay chậm, công đoạn nào thay thế được, khả năng cao hay không thì chúng ta không biết được”, ông Ân nói.

“Nhưng có một thực tế trước mắt, cho đến cuối năm 2016 thì các đơn hàng may mặc từ Việt Nam giảm vì họ thấy sản xuất ở Việt Nam không còn được thuận lợi. Các năm trước tăng trưởng 10% thì nay chỉ còn khoảng 5%. Tâm lý chung của các ông chủ là sẵn sàng thay người bằng máy nếu có thể. Nói chung, những gì giảm được lao động, tăng được năng suất thì người ta sẽ sẵn sàng đầu tư. Xu hướng doanh nghiệp hiện nay là không tăng lao động mà vẫn tăng năng suất, hay giảm lao động mà vẫn giữ nguyên năng suất”, ông Lê Quốc Ân nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Khải, Giám đốc dự án công ty E-Land Việt Nam cũng cho biết: “Công nghệ mới nhất mà các công ty may đang làm là kết nối nhà máy với các máy chủ để biết được năng suất từng ngày, từng giờ... Một công ty áp dụng công nghệ cao, với 90 công nhân may được 3.000 quần jean trong một tuần. Tuy nhiên, việc thay thế con người hoàn toàn bằng máy móc vẫn chưa làm được vì khó làm hơn những ngành như giày, điện tử...”.

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP May Thắng Lợi lại đưa ra một thực tế khác: “Các đơn hàng cả triệu sản phẩm hàng trăm nghìn sản phẩm thì có thể tự động hóa được. Còn ngành thời trang, chỉ 100-200 đơn hàng thì rất khó để tự động hoá, chưa nói đến robot hoá. Tự động hóa may sơ mi ở Thượng Hải, 60 sản phẩm/đầu người thay vì 20-30 sản phẩm/đầu người như Việt Nam, nên Việt Nam không cạnh tranh nổi, sản xuất bị hút hết về Trung Quốc”.

Tranh luận về vấn đề này, ông Lê Quốc Ân nhận định: “Từ trước đến nay trong ngành sợi thì cứ 10.000 cột sợi thì cần có 100 người công nhân. Nay có những công đoạn tự động hóa, từ 100 người thì giờ chỉ còn cần 25 lao động, thậm chí chưa nói đến robot hóa. Ở Việt Nam thì tỷ lệ cắt giảm thấp hơn, còn khoảng 40-50 lao động. Xu thế hiện nay là sử dụng các dây chuyền sử dụng ít lao động. Trong dây chuyền sản xuất sợi thì robot mới chỉ được dùng trong đóng gói chứ chưa nhiều trong sản xuất, nhưng tự động hóa đang được đẩy mạnh. Trong ngành thời trang, ý tưởng, thị hiếu, thiết kế thì phải theo Mỹ, nhưng lại phải mang sang châu Á thực hiện. Nếu Mỹ robot hóa được, thì cần gì đem việc làm đi đâu?”.

Cũng theo ông Lê Quốc Ân, nguy cơ “lấn sân” của robot cho ngành may chắc phải 10 năm nữa mới có thể diễn ra. Tuy nhiên, không thể bỏ qua sự tiến bộ của việc lập trình trí thông minh nhân tạo vì chúng ta không lường trước được. Lúc đó lô hàng lớn hay nhỏ gì robot cũng làm được thì sao?

Để đối phó với xu hướng robot hóa, ông Lê Quốc Ân cho rằng: “Trong ngành may thì 15 năm trước đã có robot cắt vải. Máy tự động cắt hình dáng nguyên liệu theo lập trình phần mềm có sẵn. Máy này trước chỉ có một công ty Đức làm được thì nay đã có gần chục công ty. Vậy nó có thay được cách cắt bằng tay hay không? Câu trả lời là không. Muốn đối phó với xu hướng robot hóa thì quản trị phải thay đổi. Doanh nghiệp họ tính bài toán kinh tế chứ không phải bài toán xã hội khi công nhân không có việc làm, đó là bài toán của nhà nước”.

Ông Lê Quốc Ân cũng chia sẻ những bí quyết tồn tại của doanh nghiệp ngành dệt may thông qua thương hiệu Zara: “Xu hướng may hiện nay là may công nghiệp nhưng lô hàng nhỏ. Ví dụ như nhãn hiệu Zara, họ biến một năm với hai mùa thời trang thành 12 mùa thời trang. Zara thành công vì mẫu mã thay đổi như chong chóng. Giá không những không tăng mà còn rẻ hơn các sản phẩm đồng hạng như Mango hay Uniqlo. Chính vì sự thay đổi nhanh chóng nên lô hàng ngày càng nhỏ. Máy cắt robot cần trải 100 lớp, nhưng một lô hàng cho Zara chỉ cần 10-20 lớp, vì vậy chỉ cần người cắt là đủ. Trong ngành may robot chỉ có chiếm tối đa 30% lực lượng lao động".

Theo kinh nghiệm của ông Lê Quốc Ân, hiện chưa có nhiều công đoạn trong ngành may có thể thay thế được bằng robot. Mỗi một cái máy trong dây chuyền may thì vẫn có một người ngồi điều khiển, chứ chưa tự động hoàn toàn. Các nhà lãnh đạo đất nước cũng nên có những nghiên cứu và kế sách để đón đầu xu hướng này. “Chính phủ cần đề cử Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam nghiên cứu các vấn đề tự động hóa để dự đoán cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này sẽ diễn ra như thế nào, ngành nào trước, ngành nào sau, Việt Nam phải đối phó như thế nào... để có những bước đi phù hợp với thời thế”, ông Ân kết luận.

Theo Trường Kỳ

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên