MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các 'ông lớn' gom thêm 290 tấn vàng trong quý 1

07-05-2024 - 16:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo Hội đồng vàng thế giới, nhu cầu lớn của các định chế tài chính này là trụ cột hỗ trợ chính cho diễn biến giá vàng trong thời gian qua.

Các 'ông lớn' gom thêm 290 tấn vàng trong quý 1- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo dữ liệu công bố mới nhất từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục mua ròng vàng trong tháng 3 với lượng dự trữ chính thức tăng ròng 16 tấn. Qua đó, đưa tổng lượng vàng mà các ngân hàng trung ương đã mua ròng trong quý 1 lên mức 290 tấn - khởi đầu mạnh mẽ nhất trong lịch sử các năm được ghi nhận, cao hơn 1% so với kỷ lục quý 1 được thiết lập trước đó vào năm 2023 (286 tấn) và cao hơn 69% so với mức trung bình hàng quý trong 5 năm gần nhất (171 tấn).

Theo Hội đồng vàng thế giới, với việc các ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vàng ở mức 1.000 tấn mỗi năm trong giai đoạn 2022 - 2023, thị trường cuối cùng cũng bắt đầu đánh giá cao tầm quan trọng của các định chế này đối với nhu cầu vàng. Chiếm gần một phần tư nhu cầu vàng hàng năm trong cả hai năm qua, nhiều nhà đầu tư cho rằng nhu cầu vàng mãnh liệt của các ngân hàng trung ương là động lực chính cho diễn biến gần đây của giá vàng.

Và bất chấp mức cao được thiết lập trong hai năm qua, việc mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục vào năm 2024.

Xu hướng mua vàng lâu nay của ngân hàng trung ương không chỉ được giữ vững mà còn tiếp tục bị chi phối bởi các nước mới nổi. Theo đó, trong 10 ngân hàng trung ương báo cáo dự trữ vàng tăng (từ 1 tấn trở lên) trong quý 1, tất cả đều hoạt động tích cực trong những quý trước đó.

Các 'ông lớn' gom thêm 290 tấn vàng trong quý 1- Ảnh 2.

Nguồn: Hội đồng vàng thế giới

Các ngân hàng trung ương Đông Á và Trung Á chiếm phần lớn lượng mua ròng trong quý 1 Trong đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục đà nối dài chuỗi mua ròng vàng khi báo cáo bổ sung 27 tấn vào kho dự trữ trong quý vừa qua.

Điều này đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ 17 liên tiếp, giúp PBoC nâng lượng nắm giữ vàng lên 2.262 tấn (cao hơn 16% so với cuối tháng 10/2022). Dữ liệu chỉ ra rằng đây là đợt bổ sung dự trữ vàng hàng tháng dài nhất từ trước đến nay của PBoC. Qua đó, đưa tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ của PBoC lên gần 4,6%, cao hơn đáng kể so với mức 3,2% ghi nhận vào tháng 10 năm 2022.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng tăng dự trữ vàng lên 19 tấn trong quý 1, vượt quá lượng mua ròng hàng năm của năm ngoái (16 tấn). Ngoài Trung Quốc, một số quốc gia tại Châu Á cũng tăng mạnh dự trữ vàng trong quý 1 như: Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan mua thêm 16 tấn, Ngân hàng Trung ương Singapore (2 tấn), Ngân hàng Trung ương Oman (4 tấn) và Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Kyrgyzstan (2 tấn).

Tại châu Âu, cả Ngân hàng Quốc gia Séc (+5 tấn) và Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (+1 tấn) đều báo cáo tăng dự trữ vàng trong quý 1. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiếp tục tích lũy vàng trong quý 1 khi mua thêm 30 tấn, nâng lượng vàng dự trữ lên 570 tấn.

Trong số các ngân hàng trung ương bán vàng mạnh nhất, Ngân hàng Trung ương Uzbekistan giảm 14 tấn và Ngân hàng Thái Lan giảm 10 tấn.

Các 'ông lớn' gom thêm 290 tấn vàng trong quý 1- Ảnh 3.

Nguồn: Hội đồng vàng thế giới

Theo WGC, các ngân hàng trung ương đã thể hiện rõ cam kết của họ đối với hoạt động tăng dự trữ vàng. Mặc dù đợt tăng giá gần đây có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện giao dịch, WGC không kỳ vọng điều này sẽ làm thay đổi kế hoạch tích lũy vàng của các ngân hàng trung ương. Do đó, WGC vẫn giữ quan điểm rằng các ngân hàng trung ương sẽ là người mua ròng trong các quý tới, tạo ra trụ cột hỗ trợ chính cho giá vàng.

Quốc Thụy

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên