Các “ông lớn” thép thế giới tiếp tục tăng mạnh giá bán thép
China Steel và Tokyo Steel vừa thông báo tăng mạnh giá bán các sản phẩm thép kể từ tháng 6 tới do giá nguyên liệu tăng cao và nhu cầu mua mạnh. Dự báo các hãng sản xuất lớn khác sẽ có động thái tương tự.
- 17-05-2021Giá quặng sắt hồi phục mạnh, giá thép giảm phiên thứ 3 liên tiếp
- 17-05-2021Giải bài toán cung – cầu, “hạ nhiệt” giá thép
- 17-05-2021Diễn biến bất thường của thị trường sắt thép có liên quan đến cam kết cắt giảm sản lượng của Trung Quốc?
Tokyo Steel Manufacturing Co ngày 17/5 thông báo sẽ tăng giá bán kể từ tháng 6 đối với tất cả các sản phẩm thép thêm từ 9,5% đến 17,6%, do xu hướng giá thép nước ngoài tăng và nhu cầu trong nước dự báo cũng sẽ tăng, trong bối cảnh giá nguyên liệu cao.
Giá thép của Tokyo Steel luôn được hãng đối thủ khác ở Châu Á theo dõi chặt chẽ, như Posco và Hyundai Steel của Hàn Quốc, và Baoshan Iron & Steel Co Ltd của Trung Quốc.
Đối với những hợp đồng giao vào tháng 6 tới, Tokyo Steel sẽ nâng giá bán thép cuộn tẩy rỉ phủ dầu (pickled and oiled coils) thêm 17,6% lên 120.000 JPY (1.097 USD)/tấn; và thép tấm cọc ván hình chữ U (U-shaped steel sheet piles) thêm 9,5% lên 115.000 JPY/tấn và giá thép dầm hình chữ H (H-shaped beams) thêm 10,8% lên 103.000 JPY/tấn.
Việc nhà sản xuất thép lò điện hồ quang hàng đầu Nhật Bản này nâng giá bán trong tháng 6 tới được diễn ra sau khi hãng đã nâng giá một số sản phẩm trong 2 tháng vừa qua.
Các sản phẩm chủ lực của Tokyo Steel được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng.
Theo Tokyo Steel, trên thị trường quốc tế, giá thép đã tăng mạnh do nguồn cung bị thắt chặt và nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh. Đáng chú ý, giá thép thanh vằn – dùng trong xây dựng, và thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải đã tăng gần 40% trong năm nay.
Giá thép tại Nhật Bản tăng chậm hơn so với giá quốc tế, nhưng nhu cầu trong lĩnh vực xây dựng dự báo sẽ hồi phục, và Tokyo Steel cho biết giá nguyên liệu tăng có thể sẽ buộc các nhà sản xuất thép phải nâng giá sản phẩm.
Cũng trong ngày 17/5, China Steel Corp (CSC), hãng sản xuất thép lớn nhất của Đài Loan, thông báo bắt đầu nâng giá bán thép trên thị trường nội địa thêm trung bình 8% cho những hợp đồng kỳ hạn giao tháng 6/2021, phản ánh việc nhu cầu thép trên toàn thế giới tăng và chi phí sản xuất cũng tăng do giá nguyên liệu đắt đỏ.
Đây là tháng thứ 12 liên tiếp China Steel Corp nâng giá bán thép, theo xu hướng chung với các đối tác của hãng ở Trung Quốc đại lục là Baosteel Group Corp và Wuhan Iron and Steel Corp, cũng như từ nhà máy Formosa Ha Tinh Steel Corp ở Việt Nam.
CSC cho biết, Formosa Ha Tinh Steel Corp đã nâng giá bán thép thêm 120 USD/tấn.
Trong lần tăng giá này, CSC nâng giá thép cuộn cán nóng và thép tấm cán nóng – những sản phẩm chủ đạo của mình – thêm 2.300 đô la Đài Loan (TWD) (82,11 USD)/tấn, trong khi thép cuộn cán lạnh tăng 2.500 TWD/tấn.
Công ty cũng nâng giá cuộn thép silic điện (electrical steel coils) chất lượng trung bình đến thấp thêm 1.000 TWD/tấn, chất lượng cao thêm 1.500 TWD/tấn, thép cuộn mạ kẽm nhúng nóng (hot-dipped zinc-coated steel coils) (được sử dụng trong xây dựng nhà ở) thêm 2.500 TWD/tấn.
"Nhu cầu thép toàn cầu đang tăng khá mạnh do kinh tế thế giới hồi phục," CSC viết trong một thông báo, và cho biết: "Nguồn cung thép thắt chặt và giá nguyên liệu thô, bao gồm than, quặng sắt và chi phí vận chuyển, cùng tăng đã đẩy giá thép toàn cầu lên mức cao nhất trong lịch sử".
Theo CSC, những đợt tăng giá liên tiếp nhằm bù đắp chi phí sản xuất gia tăng do giá quặng sắt trên toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, là 229 USD/tấn; giá than toàn cầu cũng tăng lên.
Hãng này cho biết: "Giá thép tăng và đã thiết lập một mặt bằng mới", đồng thời dự báo xu hướng giá tăng sẽ kéo dài sang quý tiếp theo. Cũng như ở Nhật Bản, giá thép tại Đài Loan tăng chậm hơn nhiều so với giá trên toàn cầu, và sự chênh lệch giá này đã đẩy xuất khẩu thép của Đài Loan tăng bất thường, gây mất cân đối cung – cầu nội địa, CSC cho biết.
Tham khảo: Taipei Times, Todayonline