Các ông vua tiền mặt trên sàn chứng khoán: Petrolimex, FPT bổ sung thêm cả chục nghìn tỷ; Vingroup, Masan vơi đi đáng kể
Ba tập đoàn của 3 tỷ phú đô là cũng những doanh nghiệp duy nhất có quy mô vay nợ áp đảo so trong nhóm những công ty đang có trên 10.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi.
Mùa BCTC quý 2 đã kết thúc, các "đại gia" nắm giữ nhiều tiền mặt nhất trên sàn chứng khoán (không bao gồm nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm) cũng dần lộ diện với những cái tên không còn xa lạ.
Tại thời điểm 30/06/2023, dữ liệu thống kê cho thấy có ít nhất 17 doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền (tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn) vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Tổng lượng tiền của 17 doanh nghiệp này lên đến 384 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 40.000 tỷ đồng so với cuối quý 1.
Trong danh sách các công ty niêm yết sở hữu lượng tiền cao nhất, Top 3 gồm Hòa Phát, PV GAS và ACV đều có lượng tiền trên 30.000 tỷ.
Tổng công ty khí Việt Nam (PV Gas) tiếp tục dẫn đầu khi có tổng lượng tiền lên tới 40.800 tỷ đồng, tăng khoảng 3.900 tỷ so với cuối quý I và tăng gần 6.500 tỷ so với thời điểm đầu năm 2022. Đây là quý thứ 3 liên tiếp, PV Gas dẫn đầu với lượng tiền mặt nắm giữ.
Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) xếp thứ 2 khi sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn hơn 36.100 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ so với cuối quý 1. Trước khi bị PV Gas vượt qua, Hòa Phát đã nắm giữ danh hiệu "vua tiền mặt" nhiều quý liên tiếp. Kể từ khi lợi nhuận lao dốc trong quý 2/2022, lượng tiền của Hòa Phát cũng sụt giảm và còn 34.600 tỷ vào cuối năm 2022, bị PV Gas vượt qua.
Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) ghi nhận tổng lượng tiền đạt khoảng 31.300 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ so với cuối quý 1.
Bên cạnh PV Gas, một loạt doanh nghiệp dầu khí khác cũng đang nắm giữ lượng tiền lớn là Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), PV OIL, PTSC hay Đạm Cà Mau.
Petrolimex và FPT ghi nhận lượng tiền tăng thêm mạnh nhất so với quý trước, lần lượt là 10.800 tỷ và 9.500 tỷ đồng; Thế giới Di động cũng tăng thêm 4.600 tỷ.
Về phía giảm, Masan là doanh nghiệp duy nhất có lượng tiền trên 10.000 tỷ đồng ghi nhận tổng lượng tiền so với cuối quý 1. Cụ thể, giảm tới 5.400 tỷ đồng khi so với cuối quý 1 và giảm 3.400 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.
Ở phía bên kia của bảng cân đối, các doanh nghiệp “nhiều tiền” cũng đang có những khoản vay nợ. VEAM, Sabeco và Đạm Cà Mau là những doanh nghiệp “nhẹ nợ” nhất với dư nợ chỉ từ 300-900 tỷ đồng.
Trong khi đó, 3 tập đoàn của 3 tỷ phú: Hòa Phát, Vingroup và Masan Group là những đơn vị có dư nợ vay lớn hơn lượng tiền gửi. Tại thời điểm cuối quý 2, dư nợ vay của Vingroup và các công ty con là 176 nghìn tỷ, Masan hơn 68 nghìn tỷ và Hòa Phát gần 61 nghìn tỷ.
Cả 3 doanh nghiệp có lượng tiền tăng lớn nhất trong quý cũng đều có dư nợ vay cao, quanh mức 20.000 tỷ đồng nhưng đều thấp hơn lượng tiền đang có. Tại cả FPT và Thế giới Di động thì dư nợ đi vay cũng tăng lên đáng kể so với quý trước.
Nhịp sống thị trường