Các quốc gia lớn ở Nam Mỹ chuyển sang cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD
(Ảnh minh họa: Getty Images)
VTV.vn - Brazil và Argentina đang có kế hoạch lập ra một đồng tiền chung, Financial Times đưa tin hôm 22/1 dẫn lời các quan chức hai nước này.
- 23-01-2023EU tuyên bố hết phụ thuộc vào năng lượng Nga
- 23-01-2023Bloomberg: Đây là vũ khí mạnh mẽ giúp Trung Quốc tiếp tục phát triển vượt bậc mặc cho "tin xấu" về tình trạng suy giảm dân số
- 23-01-2023Đến thời của quảng cáo ngoài không gian
Kế hoạch lập ra đồng tiền chung của Brazil và Argentina sẽ được thảo luận và công bố chính thức tại hội nghị thượng đỉnh ở Buenos Aires, Argentina trong tuần này.
"Sẽ có một quyết định về việc bắt đầu nghiên cứu các thông số cần thiết cho một đồng tiền chung, bao gồm mọi thứ từ các vấn đề tài khóa đến quy mô nền kinh tế và vai trò của các ngân hàng trung ương", Bộ trưởng Bộ Kinh tế Argentina Sergio Massa nói.
Theo ông Massa, các quốc gia Mỹ Latin khác sẽ được mời tham gia dự án đồng tiền chung. Brazil đang đề xuất gọi loại tiền tệ mới là "Sur", có nghĩa là "phía Nam".
Ông Massa lưu ý rằng việc tạo ra "Sur" có thể mất nhiều năm, chỉ ra thực tế là châu Âu đã mất 35 năm để lập ra đồng Euro.
"Đó sẽ là một nghiên cứu về các cơ chế hội nhập thương mại. Tôi không muốn tạo ra bất kỳ kỳ vọng sai lầm nào, đó là bước đầu tiên trên con đường dài mà Mỹ Latin phải đi".
(Ảnh: Reuters)
Đồng tiền mới dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại khu vực và giúp các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào đồng USD .
Brazil và Argentina đã thảo luận về ý tưởng về một loại tiền tệ chung trong vài năm qua, nhưng Ngân hàng trung ương Brazil trước đó đã ngăn chặn những nỗ lực để đưa ra sáng kiến như vậy, các nguồn tin nói với Financial Times.
Hai quốc gia này là những hai nền kinh tế lớn nhất ở khu vực Nam Mỹ. Brazil là một thành viên của nhóm BRICS và đã có được sự ổn định kinh tế tương đối trong những năm gần đây, mặc dù các nhà phân tích chỉ ra một số trở ngại có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay.
Trong khi đó, Argentina đã bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn kinh tế trong nhiều thập kỷ. Đất nước này đã nhiều lần bị vỡ nợ, gần đây nhất là vào năm 2020, và phải dùng đến các biện pháp kiểm soát vốn để bảo vệ đồng tiền của mình. Lạm phát ở nước này hiện đang tăng vọt và Argentina có khoản nợ khoảng 40 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Báo Điện tử VTV News