MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các quỹ ETFs trên thị trường Việt Nam biến động ra sao trong năm 2018?

Các quỹ ETFs có biến động khá trái chiều trong năm 2018. Có quỹ hút vốn, nhưng cũng có quỹ bị rút vốn, nhưng nhìn chung xu hướng rút ròng đang diễn ra từ giữa năm 2018 tới nay.

Năm 2018 đầy thăng trầm đã khép lại với thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khởi đầu đẹp như mơ khi chỉ số Vn-Index vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm ngay trong quý 1, thị trường đã bước vào nhịp điều chỉnh kéo dài trong 3 quý còn lại.

Kết thúc năm 2018, chỉ số Vn-Index dừng tại 892,54 điểm, giảm 9,3% so với đầu năm và giảm gần 26% so với đỉnh được thiết lập trong năm.

Mặc dù gặp phải nhiều biến động không thực sự thuận lợi, tuy nhiên Việt Nam vẫn là thị trường thu hút dòng vốn ngoại khá tốt, bất chấp xu hướng rút vốn đang diễn ra khá mạnh ở các thị trường mới nổi, cận biên. Trong năm 2018, khối ngoại đã mua ròng gần 43 nghìn tỷ đồng trên TTCK Việt Nam (xấp xỉ 2 tỷ USD) và là con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó, có nhiều thương vụ lớn, trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng như Vinhomes, Masan…

Tuy vậy, dòng vốn ETFs, vốn được đánh giá có yếu tố nhạy cảm với các biến động kinh tế lại có diễn biến trái chiều trong năm qua khi có quỹ mua mạnh cổ phiếu Việt Nam, nhưng cũng có quỹ bị rút vốn.

Năm 2018, quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đã phát hành ròng lượng chứng chỉ quỹ trị giá 31,2 triệu USD để mua cổ phiếu Việt Nam. Xu hướng "bơm vốn" của VNM ETF diễn ra mạnh nhất vào giai đoạn quý 1, đây cũng là thời điểm chứng khoán Việt Nam thăng hoa rực rỡ.

Sau giai đoạn bơm vốn mạnh đầu năm, VNM ETF có xu hướng bị rút vốn kể từ quý 2 cho tới cuối năm. Nhưng nhìn chung, 2018 vẫn là năm mua ròng khá tích cực của VNM ETF trên thị trường Việt Nam.

Các quỹ ETFs trên thị trường Việt Nam biến động ra sao trong năm 2018? - Ảnh 1.

VNM ETF mặc dù phát hành ròng trong năm qua, nhưng xu hướng rút ròng chứng chỉ quỹ đã bắt đầu từ thời điểm tháng 5

Quỹ VFMVN30 ETF cũng có một năm đầy sôi động trên thị trường chứng khoán Việt Nam. VFMVN30 ETF đã phát hành ròng lượng chứng chỉ quỹ trị giá hơn 2.000 tỷ đồng (87 triệu USD) trong năm qua. Với quy mô danh mục hiện đạt 4.200 tỷ đồng (183 triệu USD), tầm ảnh hưởng của VFMVN30 ETF lên thị trường là khá rõ nét.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, Bualuang Securities – Công ty chứng khoán lớn thứ 5 tại Thái Lan đã ra mắt nhà đầu tư chứng chỉ lưu ký Depositary Receipt (DR) với quy mô hơn 151 triệu USD để mua chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF. Điều này cho thấy nhà đầu tư Thái Lan đang quan tâm khá mạnh tới thị trường Việt Nam.

Các quỹ ETFs trên thị trường Việt Nam biến động ra sao trong năm 2018? - Ảnh 2.

VFMVN30 ETF có năm hút vốn khá mạnh

Trái ngược với diễn biến tích cực của VNM ETF và VFMVN30 ETF, một quỹ ETF lâu năm khác hoạt động trên thị trường Việt Nam là Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) đã bị rút ròng lượng chứng chỉ quỹ trị giá 22,8 triệu USD trong năm qua. Giá trị danh mục của FTSE Vietnam ETF cũng giảm 58 triệu USD so với đầu năm xuống còn 255 triệu USD và 100% đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.

Quỹ iShares MSCI Frontier 100 ETF chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên (Frontier) cũng bị rút ròng lượng chứng chỉ quỹ trị giá 120 triệu USD trong năm qua và xu hướng này bắt đầu từ giai đoạn cuối tháng 5.

Hiện tại, giá trị danh mục iShares MSCI Frontier 100 ETF là 463 triệu USD và cổ phiếu Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng hơn 17%. Mặc dù tác động từ việc iShares MSCI Frontier 100 ETF là không quá lớn, nhưng cho thấy xu hướng khá quan ngại là dòng vốn đang rút ra khỏi các thị trường cận biên, mới nổi.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên