MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các quỹ ngoại đã mua Novaland với giá bao nhiêu?

Lượng cổ phiếu của 2 quỹ ngoại VinaCapital và Dragon Capital đã đủ điều kiện để giao dịch trên sàn khi cổ phiếu đã được niêm yết, có thanh khoản, tỷ suất lợi nhuận lớn. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu dưới 5%, các quỹ đều không thuộc diện phải công bố thông tin khi giao dịch.

Ngày 28/12/2016, cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) đã chính thức lên sàn giao dịch Tp.Hồ Chí Minh (HOSE) với giá tham chiếu 50.000 đồng/cp. Không ngoài dự đoán, NVL trở thành hàng “hot” trong làn sóng “lên sàn chứng khoán là tăng trần” đang diễn ra gần đây. Cổ phiếu tăng hết biên độ lên giá 60.000 đồng/cp, có thời điểm dư mua hơn 1 triệu đơn vị tại mức giá trần.

Mức giá 60.000 đồng/cp là cũng giá mà NVL đã bán cho các quỹ đầu tư nước ngoài trong đợt phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi trong năm 2015.

VinaCapital, Dragon Capital và EVNFC đã lời to khi mua cổ phần ưu đãi của Novaland. Theo báo cáo thường niên năm 2015 của VinaCapital và Dragon Capital thì 2 quỹ này đã đầu tư vào Novaland với số vốn lần lượt là 15 triệu USD và 15,4 triệu USD.

Còn theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐQT của Công ty tài chính điện lực (EVN Finance), đơn vị này bỏ ra 342 tỷ đồng để mua 5,7 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi của Novaland với giá 60.000 đồng/cp, mức cổ tức được hưởng là 3.000 đồng/cp với nhiều thỏa thuận về việc bán lại cổ phiếu cho bên Bảo trợ.

Trong năm 2015, Novaland đã có 3 đợt phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi. Cụ thể, vào tháng 7/2015, Novaland phát hành 11 triệu cổ phiếu dạng này, tháng 10/2015 phát hành 5,7 triệu cổ phiếu và tháng 12/2015 phát hành 1,13 triệu cổ phiếu. Tổng khối lượng phát hành qua 3 đợt là 17,83 triệu đơn vị.

Trong cả 3 đợt phát hành, Novaland đều quy định thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào theo yêu cầu của cổ đông hoặc tự động chuyển đổi sau khi hết thời hạn ưu đãi, tỷ lệ chuyển đổi là 1 cổ phần ưu đãi sẽ được chuyển đổi thành 3 cổ phần phổ thông.

Vào tháng 11/2016 vừa qua, Novaland đã lần đầu chuyển đổi cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Theo đó, công ty phát hành 22 triệu cổ phần để phục vụ cho việc chuyển đổi và nhóm nhà đầu tư tham gia đợt phát hành vào tháng 7/2015 đã sở hữu 33 triệu cổ phần phổ thông của Novaland.

Ghép nối với những chia sẻ mà lãnh đạo của Novaland đã nói trước thềm niêm yết, rằng trong năm 2015, Công ty đã phát hành gần 50 triệu USD cổ phần ưu đãi chuyển đổi cho quỹ đầu tư Vina Capital, Dragon Capital và một công ty tài chính trong nước, có thể tính được mức giá trung bình mà 2 quỹ ngoại này mua NVL cũng khoảng 60.000 đồng/cp và đây cũng là nhóm đầu tư đã mua 11 triệu cổ phiếu trong đợt tháng 7/2015.

Với việc cổ phần được chuyển đổi vào tháng 11, số lượng cổ phiếu của 2 quỹ đã tăng lên gấp 3 lần, giá bình quân giảm xuống còn 20.000 đồng/cp. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy.

Theo thông tin chúng tôi có được, nhóm quỹ đã bán lại cho các cổ đông lớn của Novaland 15,4 triệu cổ phiếu phổ thông với giá 0 đồng. Và theo đó, lượng cổ phiếu mà họ sở hữu hiện tại chỉ là 17,6 triệu đơn vị, tương ứng mức giá vốn bình quân khi mua Novaland là 37.500 đồng - thấp hơn 25% so với giá chào sàn.

Trong sáng phiên giao dịch đầu tiên, NVL tăng trần lên mức giá 60.000 đồng/cp, khớp 2,4 triệu cổ phiếu, trong đó khối ngoại bán ra 500.000 đơn vị.

Lượng cổ phiếu của 2 quỹ ngoại VinaCapital và Dragon Capital đã đủ cơ hội để bán ra khi cổ phiếu đã được niêm yết, có thanh khoản, tỷ suất lợi nhuận lớn. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu dưới 5%, các quỹ đều không thuộc diện phải công bố thông tin khi giao dịch.

Còn 6,83 triệu cổ phần ưu đãi cổ tức chuyển đổi được phát hành trong đợt tháng 10 và tháng 12/2015 do EVN Finance và 1 đơn vị khác đang nắm giữ chưa được chuyển đổi và chưa niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, với điều kiện được chuyển đổi tại bất kỳ thời điểm nào và giá gốc 60.000 đồng/cp thì nếu thực hiện chuyển đổi sớm, EVN Finance cũng lãi to với thương vụ này.

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên