MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các quỹ PE lớn mạnh và kiểm soát mọi thứ như thế nào (P2): Vẫn phải gục ngã trên thị trường bán lẻ

11-10-2019 - 12:46 PM | Tài chính quốc tế

Những vụ phá sản này khiến 1,3 triệu việc làm mất đi, báo cáo cho biết "lượng việc làm trong ngành bán lẻ bị các công ty phố Wall đã phá hủy lớn gấp 8 lần số việc mà họ tạo ra được trong thập kỷ vừa qua".

Nếu công ty của bạn nằm trong danh mục của 1 quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE), bạn nên chờ đợi điều gì? Một nghiên cứu mới đây cho thấy các công ty được mua lại trong các vụ thâu tóm dùng đòn bẩy (leveraged buyouts – LBOs) có nhiều khả năng sẽ giảm lương chi trả cho nhân viên và cắt giảm đầu tư, thậm chí còn có nguy cơ phá sản cao hơn. Những người chỉ trích quỹ PE cho rằng các nhà quản lý quỹ hưởng lợi từ phí và cổ tức, trong khi sau đó công ty sẽ bị bỏ mặc với khoản nợ lớn.

Kristi Van Beckum từng là trợ lý giám đốc ở Shopko Stores trước khi chuỗi này bị mua lại bởi Sun Capital Partners năm 2005 sau 1 vụ LBO. "Khi họ tiếp quản công ty, lương của chúng tôi bị cắt giảm mạnh, đặc biệt là phần phúc lợi cho quãng thời gian nghỉ hưu, và công ty liên tiếp thay CEO", cô nhớ lại.

Một trong những động thái đầu tiên của Sun Capital là tiền hóa những tài sản có giá trị nhất của Shopko – bất động sản, bằng cách bán luôn phần đất với giá khoảng 800 triệu USD và sau đó thuê lại để các cửa hàng có thể hoạt động. Điều này tạo ra 1 khoản tiền lớn trong ngắn hạn, nhưng khiến chi phí đi thuê của Shopko tăng lên trong dài hạn. Van Beckum cho biết rất nhiều cửa hàng trước đó đang có lãi nhưng bắt đầu bị giảm lợi nhuận vì phải trả tiền thuê nhà.

Năm 2019, Shopko tuyên bố không thể trả nợ nữa và nộp hồ sơ xin phá sản, đóng cửa tất cả hơn 360 cửa hàng. Van Beckum được mời ở lại làm quản lý và được hứa hẹn về khoản tiền đền bù. Tuy nhiên vài tuần sau, cô nhận được email thông báo mình sẽ không được số tiền này. Sun Capital cho biết số tiền đã được ủng hộ vào kế hoạch phá sản.

Các quỹ PE và quỹ đầu cơ đã nắm quyền kiểm soát ở hơn 80 công ty bán lẻ trong 10 năm qua, theo 1 báo cáo được công bố hồi tháng 7. Và trong làn sóng phá sản của ngành bán lẻ thời gian gần đây thì các chuỗi thuộc sở hữu của quỹ PE chiếm tỷ lệ nhiều nhất, có thể kể đến những cái tên như Gymboree, Payless và Shopko. Những vụ phá sản này khiến 1,3 triệu việc làm mất đi, báo cáo cho biết "lượng việc làm trong ngành bán lẻ bị các công ty phố Wall đã phá hủy lớn gấp 8 lần số việc mà họ tạo ra được trong thập kỷ vừa qua".

Cho dù các vụ LBOs diễn biến xấu là do nợ, chiến lược kinh doanh hay sự cạnh tranh từ Amazon, nghiên cứu cho thấy các công ty này kém xa so với nhóm công ty đại chúng. Nghiên cứu được Brian Ayash và Mahdi Rastad của ĐH California Polytechnic State University thực hiện trên gần 500 công ty đã tư nhân hóa trong giai đoạn 1980 đến 2006. Họ theo dõi cả các công ty này và một số lượng tương tự các công ty đại chúng trong khoảng thời gian 10 năm và nhận thấy khoảng 20% các công ty thuộc sở hữu của các quỹ PE phải phá sản – lớn gấp 10 lần tỷ lệ trong nhóm công ty đại chúng. Xã hội bị thiệt vì một lượng lớn việc làm mất đi, chính quyền địa phương cũng thiệt thòi vì phải tăng trợ cấp, duy chỉ có các quỹ hưởng lợi.

Tất nhiên, khi các quỹ PE thâu tóm thì những công ty này đã ở trong tình trạng khó khăn. Những người ủng hộ thì cho rằng các quỹ PE đóng vai trò quan trọng trên thị trường khi họ có đủ tài nguyên và kinh nghiệm để hồi sinh các công ty đang gặp khó khăn và cũng có động cơ chính đáng để cố gắng hết sức trong việc giúp đỡ các công ty.

Không bị phân tâm bởi các báo cáo tài chính hàng quý vốn sẽ bị nhiều người mổ xẻ như các công ty đại chúng cũng là yếu tố cho phép các công ty được các quỹ PE hậu thuẫn thử nghiệm những điều mới mẻ và tập trung vào những chiến lược dài hạn thay vì các kết quả ngắn hạn.

Từ lâu nay, ngành bán lẻ vẫn là mục tiêu hàng đầu của các thương vụ LBOs vì có dòng tiền đáng tin cậy và giá trị các bất động sản mà ngành này sở hữu. Tuy nhiên, ngành này ngày càng tỏ ra không phù hợp với cấu trúc sở hữu của các quỹ PE trong bối cảnh thị hiếu khách hàng thay đổi và những cú xáo trộn mạnh mẽ do Amazon gây ra, theo Perry Mandarino, chuyên gia của ngân hàng đầu tư B. Riley FBR. "Các quỹ PE đã giải cứu thành công nhiều công ty trong nhiều ngành khác nhau, nhưng môi trường của ngành bán lẻ quá khốc liệt, kể cả đối với những nhà đầu tư sừng sỏ nhất. Và trong bối cảnh đó thì tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ gây chết người".

Ví dụ đáng chú ý gần đây nhất là chuỗi đồ chơi Toys "R" Us. Khi nộp đơn phá sản năm 2017, chuỗi này đang phải trả gần 500 triệu mỗi năm cho khoản nợ từ vụ bị thâu tóm bởi Bain Capital, Vornado Realty Trusts và KKR năm 2005. Sau khi thanh toán mọi khoản nợ để thôi kinh doanh tháng 3 vừa qua sau một mùa mua sắm ảm đạm, những người chủ của Toys "R" Us trở thành mục tiêu tấn công của các cuộc biểu tình do những nhân viên bị sa thải tổ chức, cũng như bị các nhà đầu tư chỉ trích nặng nề. Sau đó KKR và Bain cho biết mỗi quỹ sẽ đóng góp 10 triệu USD cho quỹ đền bù cho những nhân viên bị mất việc.

Sự lớn mạnh của các quỹ PE trong thập kỷ vừa qua khiến tầm ảnh hưởng cả về chính trị và kinh tế của chúng lớn mạnh như nấm sau mưa. Hồi tháng 7, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã đưa ra 1 dự luật hạn chế khoản tiền mà các ông chủ quỹ PE có thể nhận được từ các công ty đang gặp khó khăn.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên