MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các startup đồng loạt rời thung lũng Silicon, trung tâm sáng tạo của thế giới dịch chuyển đi đâu?

23-09-2018 - 12:06 PM | Tài chính quốc tế

Từ trước đến nay, chưa có nơi nào được cho là có khả năng cướp đi vị thế trung tâm sáng tạo của thế giới của thung lũng Silicon. Nhưng theo Economist, đang có những dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của vùng này đã đạt đỉnh.

"Giống như Florence trong thời kỳ Phục Hưng". Đó là lời miêu tả phổ biến khi nói về cuộc sống ở thung lũng Silicon. "Thủ đô công nghệ" của nước Mỹ có tầm ảnh hưởng toàn cầu cả về kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán và văn hóa.

Chỉ là dải đất nhỏ bé chạy từ San Jose đến San Francisco nhưng đây là nơi đặt đại bản doanh của 3 trong số 5 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Các ông lớn như Apple, Facebook, Google và Netflix đều coi thung lũng Silicon là quê nhà. Những startup thế hệ mới như Airbnb, Tesla và Uber cũng vậy. Nếu là 1 nền kinh tế, thung lũng Silicon sẽ lớn thứ 19 thế giới, trên cả Thụy Sĩ và Saudi Arabia.

Thung lũng Silicon không chỉ là 1 địa danh. Đó là một ý tưởng. Kể từ khi Bill Hewlett và David Packard lập ra công ty máy tính nổi tiếng thế giới trong garage ô tô gần 80 năm trước, nơi này luôn được coi là đồng nghĩa với sáng tạo và sự khéo léo.

Đây là nơi chứng kiến sự ra đời và cải tiến của nhiều thế hệ chip, máy tính cá nhân, phần mềm và dịch vụ internet. Một số phát minh của thung lũng Silicon có thể nực cười: những ấm trà có kết nối internet hay 1 ứng dụng bán cho mọi người những đồng xu để sử dụng tại tiệm giặt là. Nhưng đã có rất nhiều thứ làm thay đổi thế giới: bộ vi xử lý, cơ sở dữ liệu và điện thoại thông minh, tất cả đều có gốc gác từ thung lũng Silicon.

Sự kết hợp giữa trình độ kỹ thuật cao, mạng lưới doanh nghiệp vững mạnh, nguồn vốn dồi dào, các đại học danh tiếng cung cấp nguồn nhân lực xuất sắc và văn hóa chấp nhận rủi ro cao đã tạo nên một thung lũng Silicon khó có thể bị sao chép dù nhiều nơi đã nỗ lực làm điều đó. Từ trước đến nay, chưa có nơi nào được cho là có khả năng cướp đi vị thế trung tâm sáng tạo của thế giới của thung lũng Silicon. Nhưng theo Economist, đang có những dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của vùng này đã đạt đỉnh. Đó là tin vui hay tin buồn?

Đỉnh của thung lũng Silicon

Năm ngoái, có nhiều người Mỹ chuyển đi khỏi San Francisco hơn là dọn đến đây. Theo 1 khảo sát mới được thực hiện, 46% người được hỏi cho biết họ có kế hoạch rời khủng vùng này trong vài năm tới, tăng so với tỷ lệ 36% trong năm 2016. Có nhiều startup lập chi nhánh ở nơi khác đến nỗi xuất hiện xu hướng "Off Silicon Valleying".

Peter Thiel – một trong những nhà đầu tư mạo hiểm nổi tiếng nhất ở thung lũng Silicon – là một trong những người ra đi. Đối với những người ở lại, nếu như năm 2013, các nhà đầu tư của thung lũng Silicon chỉ rót một nửa tiền của họ vào các startup ở bên ngoài, giờ tỷ lệ đã lên đến 2/3.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên nhân lớn nhất là chi phí quá đắt đỏ. Chi phí sống ở đây thuộc hàng cao nhất thế giới. Một nhà sáng lập đã thừa nhận rằng những startup non trẻ sẽ phải chi số tiền gấp 4 lần so với ở các thành phố khác của Mỹ để có thể hoạt động ở thung lũng Silicon. Các công nghệ mới, từ máy tính lượng tử đến sinh học tổng hợp, đem lại mức lợi nhuận thặng dư thấp hơn so với kinh doanh dịch vụ internet.

Kết quả là cuộc sống ở thung lũng Silicon trở nên ngày càng ngột ngạt: giao thông tắc nghẽn, mọi thứ đều đắt đỏ và tình trạng chênh lệch giàu nghèo tăng lên mức đáng báo động.

Theo xếp hạng của tổ chức phi lợi nhuận Kauffman Foundation, vùng Fort Lauderdale của Miami đã vươn lên vị trí điểm đến số 1 cho hoạt động startup ở Mỹ (dựa trên mật độ startup và các doanh nhân mới). Peter Thiel đang chuyển tới Los Angeles. Phoenix và Pittsburgh trở thành điểm đến ưa thích cho các startup về xe tự hành, New York về truyền thông, London về fintech và Thượng Hải về phần cứng.

Không có nơi nào sánh được với thung lũng Silicon, nhưng chúng tạo ra 1 thế giới mà sự sáng tạo được phân bổ ở nhiều nơi thay vì co cụm lại một chỗ. Cũng nhờ các công cụ mà thung lũng Silicon đã tạo ra, từ smartphone đến các cuộc gọi bằng video hay ứng dụng nhắn tin miễn phí, các nhóm có thể dễ dàng làm việc cùng nhau mà không cần ngồi tại cùng 1 địa điểm.

Cái bóng của người khổng lồ

Các ý tưởng mới nảy nở ở nhiều nơi nên là điều đáng mừng. Nhưng đáng buồn là sự thực không hẳn là như vậy. Thứ nhất, sân chơi sáng tạo đang bị thu hẹp vì sự thống trị của các ông lớn. Các startup – đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng trên internet – ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút vốn vì cái bóng của Alphabet, Apple và Facebook là quá lớn. Năm 2017, tại Mỹ số vụ gọi vốn vòng 1 đã giảm 22% so với năm 2012. Alphabet và Facebook trả lương nhân viên quá hậu hĩnh, khiến các startup rất khó thu hút nhân tài (mức lương trung bình tại Facebook là 24.000 USD).

Thứ hai, các nước phương Tây ngày càng có những chính sách bớt thân thiện với lĩnh vực công nghệ. Thái độ chống người nhập cư và những quy định về cấp thị thực ngày càng bị thắt chặt dưới thời Tổng thống Donald Trump đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Các doanh nhân nước ngoài tạo ra khoảng 25% các công ty mới ở Mỹ, và thung lũng Silicon có thể bùng nổ một phần lớn cũng là nhờ sự hào phóng của Chính phủ. Nhưng ngân sách dành cho các trường đại học công trên toàn Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Năm 2015, chi tiêu ngân sách liên bang cho hoạt động nghiên cứu và phát triển chỉ ở mức 0,6% GDP, bằng 1/3 so với năm 1964.

Vì thế có lẽ sự xuống dốc của thung lũng Silicon chẳng phải là dấu hiệu cho thấy sự nổi lên của một mạng lưới các trung tâm công nghệ hùng mạnh hơn trên toàn cầu. Đáng buồn là điều này giống như dấu hiệu cảnh báo ở khắp mọi nơi trên thế giới tình hình đang trở nên khó khăn hơn.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên