MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tập đoàn tư nhân chung tay giải quyết nghẽn lệnh cho HoSE

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt có đại diện tham dự trong sự kiện lên tới hơn 26 tỷ USD.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt có đại diện tham dự trong sự kiện lên tới hơn 26 tỷ USD.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật HoSE. Đồng quan điểm, CEO Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đề xuất các doanh nghiệp tư nhân có thể cùng nhau tài trợ toàn bộ chi phí, ước khoảng 60 tỷ đồng.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu tại sự kiện "Đối thoại 2045" để cùng thảo luận xây dựng một Việt Nam hùng cường, một quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt có đại diện tham dự trong sự kiện lên tới hơn 26 tỷ USD.

Bên cạnh các câu chuyện phát triển doanh nghiệp và các ngành công nghiệp trọng điểm, một vấn đề "nóng" thời gian qua được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tỷ đô đề cập, đưa ra các hướng giải quyết cấp bách là giải quyết nghẽn lệnh giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật HoSE. Theo ông Bình, chỉ cần niềm tin của Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân, việc quá tải của sàn chứng khoán có thể giải quyết xong trong 2 tháng.

Các tập đoàn tư nhân chung tay giải quyết nghẽn lệnh cho HoSE - Ảnh 1.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch ngân hàng HDBank cho rằng với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường, sàn chứng khoán HoSE phải sánh ngang với sàn Hong Kong, Luân Đôn hay New York về mặt công nghệ. Bà Thảo ủng hộ ý kiến của ông Trương Gia Bình và tin rằng các tập đoàn công nghệ Việt Nam như FPT, One Mount Group, Viettel... có khả năng tìm giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải. Được biết, qua khảo sát sơ bộ cần khoảng 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng là có thể giải quyết vấn đề này. Các doanh nghiệp tư nhân có thể cùng nhau tài trợ toàn bộ chi phí.

Trước kiến nghị của các doanh nhân, Thủ tướng khẩn trương yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu các ý kiến, giải quyết thật nhanh việc thay đổi công nghệ của sàn chứng khoán TP HCM để không còn xảy ra trục trặc, không sử dụng ngân sách.

Ngay chiều 9/3, Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Tập đoàn FPT để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán.

Một trong 3 giải pháp do Bộ Tài chính xây dựng được cho là khá phù hợp với quan điểm của FPT là áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho hệ thống giao dịch tại HoSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ và Sở giao dịch chứng khoán chủ động phối hợp với FPT để triển khai phương án giải quyết tình trạng tắc nghẽn mạng trong giao dịch chứng khoán. Giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư. Bộ sẽ sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tình trạng nghẽn lệnh chứng khoán.

Sau cuộc họp chiều nay, FPT cho biết Tập đoàn cùng với các tập đoàn kinh tế tư nhân sẽ tài trợ toàn bộ chi phí của việc chuyển đổi này nếu được Thủ tướng, Bộ Tài chính và HoSE cho phép. FPT sẽ là đơn vị phụ trách việc chuyển đổi công nghệ.

Như vậy, chỉ sau vài ngày từ hội nghị với Thủ tướng, vấn đề "nóng" thu hút sự chú ý của dư luận về hệ thống Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn thời gian qua đã tìm được hướng xử lý khả thi. Nếu giải pháp thành công, thì lời chia sẻ của nữ tỷ phú Việt Nam sẽ thành hiện thực: "Giải pháp này, nếu thành công, sẽ món quà đầu tiên, rất thiết thực của diễn đàn Việt Nam 2045".

Hệ thống của HoSE hiện sử dụng từ năm 2000 do đối tác Thái Lan cung cấp, với khả năng xử lý 900.000 lệnh ngày. HoSE đã ký gói thầu xây dựng hệ thống mới với đối tác Hàn Quốc (KRX) từ năm 2012 trị giá 600 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm nay sau nhiều lần lỗi hẹn. Hệ thống mới dự kiến sẽ giúp giải quyết T+0, mua không cần ứng trước tiền, bán khống...

Trong khi đó, HNX sử dụng hệ thống giao dịch core i5, một sản phẩm tự xây dựng, có công nghệ xử lý khớp lệnh trên memory, đã tăng năng lực xử lý của hệ thống lên gấp 60 lần, đạt 20 - 30 triệu lệnh trong một phiên giao dịch, tốc độ xử lý lệnh có thể đạt ngưỡng 15.000 – 20.000 lệnh/giây.

Đồng Tiến

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên