MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các thành phố đang tận dụng lợi thế từ việc phong tỏa do Covid-19 như thế nào?

15-05-2020 - 15:50 PM | Tài chính quốc tế

Đường phố vắng vẻ đang cho phép các đội xây dựng hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng cần thiết với tốc độ kỷ lục.

Vào những ngày bình thường, đi bộ dọc theo đường Seventh ở trung tâm thành phố Los Angeles thậm chí còn nhanh hơn là lái xe. Với lưu lượng phương tiện không đổi - khoảng 16.000 xe mỗi ngày, việc đóng cửa đường để sửa chữa dường như là điều không thể. Thế nhưng, bên cạnh việc sửa chữa các ổ gà nguy hiểm, thành phố nổi tiếng nhất nước Mỹ về tình trạng kẹt xe đã khắc phục lại các con đường nứt vỡ, không bằng phẳng đã khiến người dân ngán ngẩm trong suốt hơn một thập kỷ mà không hề lên kế hoạch cho việc này trước đó.

Đại dịch Covid-19 dẫn đến việc phong tỏa toàn bang, giúp xóa sạch bầu không khí ô nhiễm tại Los Angeles cũng như các đường phố tắc nghẽn. California cho phép tiếp tục xây dựng, và các quan chức thành phố đã nắm bắt cơ hội có một không hai này. Các nhóm sửa chữa đã tái tạo lại một quãng đường quan trọng dài nửa dặm của Seventh Street trong hai ngày - ít hơn một nửa thời gian thông thường mà không gây gián đoạn giao thông. 

"Trông thật tuyệt vời", theo Adel Hagekhalil, giám đốc điều hành và tổng giám đốc của Streets LA, cơ quan thành phố chịu trách nhiệm bảo trì mạng lưới đường bộ 23.000 dặm của Los Angeles. 

Có một điểm sáng khiêm tốn và hiếm hoi trong bối cảnh chết chóc và nỗi đau suy giảm kinh tế thời đại dịch: thời điểm để trùng tu cơ sở hạ tầng cuối cùng cũng đến. Các thành phố và tiểu bang đang tận dụng việc giảm lưu lượng máy bay, xe lửa và giao thông đường bộ để đẩy nhanh các dự án xây dựng đang được tiến hành. Những nhóm xây dựng thường bị phân công làm việc vào ban đêm giờ đã có thể làm việc vào cả ban ngày. Thay vì trì hoãn và tốn chi phí, họ đã hoàn thành công việc trước thời hạn và tiết kiệm được ngân sách một cách đáng kể.

"Họ có thể làm được nhiều hơn, nhanh hơn nữa nếu không bị gián đoạn", Sean McGarvey, chủ tịch của Hiệp hội Xây dựng Thương mại Bắc Mỹ, chỉ huy 14 hội trong ngành xây dựng. "Trong khi mọi người đang bị mắc kẹt, thì những người công nhân đang cố gắng để tạo ra những thay đổi lớn lao."

Ở Los Angeles, thành phố đã chuyển sang tái tạo lại hàng chục tuyến giao thông huyết mạch để khi người dân hoạt động trở lại bình thường, họ sẽ được lái xe trên những con đường mới bằng phẳng và an toàn hơn trước đây.

Các quan chức Florida tuyên bố rằng họ sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc tới ba tháng. Sân bay hạt New York West Westchester, hầu như không hoạt động trong đại dịch, đang ngừng hoạt động hoàn toàn để sửa chữa một đường băng mà đã được lên kế hoạch sẽ giải quyết vào cuối năm nay. Dự án được hy vọng sẽ hoàn thành chỉ trong một tháng thay vì bốn. Và tại Vùng Vịnh, Bộ Giao thông Vận tải California đã cảnh báo rằng một dự án vào tháng 7 nhằm thay thế một sàn cầu 70 tuổi mà có tới một phần tư triệu ô tô mỗi ngày sẽ mất nhiều thời gian để sửa chữa. Thay vào đó, công việc đã được hoàn thành vào tuần trước trong một nửa thời gian dự kiến, và những chiếc xe vẫn còn lưu thông chỉ tốn thêm 10 phút để đi đường vòng.

Các nhà lãnh đạo ở các nước khác cũng đang thực hiện nỗ lực tương tự để biến một cuộc khủng hoảng thành một cơ hội. Các quan chức ở Jerusalem đang đẩy nhanh tiến độ cơ sở hạ tầng trên toàn thành phố. Và tại Ý, một quốc gia bị thiệt hại nặng nề bởi virus, các công nhân đã gần như hoàn thành việc thay thế cây cầu ở Genova khiến 43 người thiệt mạng khi nó bị sập hai năm trước. Các quan chức Ý ca ngợi dự án này và coi nó như một biểu tượng cho sự kiên cường của quốc gia giữa đại dịch chết người.

Tuy nhiên, không phải mọi tiểu bang của Mỹ đều đang tiến hành các dự án cơ sở hạ tầng trong đại dịch. Một số đã cho đóng cửa hầu hết các dự án xây dựng cùng với các doanh nghiệp không thiết yếu khác, và số khác chỉ đơn giản là cố gắng giữ công việc đúng tiến độ hơn là tăng tốc. Nhưng vì ngành xây dựng được hoạt động theo các quy định an toàn nghiêm ngặt, với việc công nhân thường đeo khẩu trang và găng tay, đây sẽ là một trong những ngành đầu tiên được phép mở cửa trở lại ở những bang có các dự án bị tạm dừng. (Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền Trump đã kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng quyên góp khẩu trang N95 của họ cho các bệnh viện để khắc phục tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ.)

Sự bùng nổ nhỏ trong ngành xây dựng đang tạo ra lượng tiền và duy trì một số hoạt động kinh tế ở một số khu vực nhất định, nhưng sức khỏe và an toàn vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các tổ chức công đoàn. McGarvey, một thành viên của ủy ban cố vấn của Tổng thống Trump, nói về việc mở cửa lại nền kinh tế, cho biết các thành viên của ông vẫn đang chờ chính quyền ban hành một tiêu chuẩn tạm thời về bệnh truyền nhiễm trong xây dựng.

Tuy nhiên, khoảng thời gian tuyệt vời để thi công công trình như hiện nay có thể sẽ không kéo dài lâu. Mặc dù Trump đã nghĩ tới việc tạo ra một dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ USD trong gói phục hồi kinh tế trong tương lai, ông và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa khác đang ngần ngại cấp viện trợ liên bang để giúp các bang và thành phố bị thiệt hại ngân sách khổng lồ bởi lệnh phong tỏa. 

Các dự án công trình công cộng lớn là trung tâm của "Thỏa thuận mới" trong những năm 1930, và đầu tư cơ sở hạ tầng mới, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng xanh, chiếm một phần đáng kể trong gói kích thích kinh tế năm 2009. Nhìn bề ngoài, sự quan tâm đối với cơ sở hạ tầng là một điều mà Trump có điểm chung với người tiền nhiệm. Nhưng chiến lược gia đã thúc đẩy một dự luật cơ sở hạ tầng khổng lồ ngay từ thời tổng thống Trump dưới vỏ bọc của chủ nghĩa dân tộc kinh tế, Steve Bannon, từ lâu đã nhường chỗ cho các cố vấn bảo thủ hơn, những người không có ý định chi tiêu mạnh tay cho lĩnh vực này.

Nếu không có sự giúp đỡ từ Washington, các bang có thể buộc phải cắt giảm. Các dự án đang được đẩy nhanh tiến độ hiện nay là những dự án đã được tài trợ. Nhưng việc giảm lưu lượng giao thông mà giúp cho việc thi công dễ dàng hơn đồng thời cũng làm giảm thuế, phí cầu đường và các khoản thu khác cần thiết để làm các việc khác trong tương lai. Casey Dinges, một giám đốc quản lý cấp cao của Hiệp hội kỹ sư dân dụng Mỹ, cho biết: "Nếu tất cả các khu vực này lo lắng về dòng doanh thu, việc thi công sẽ chậm lại hoặc dừng hẳn."

Đối với các thành phố như L.A., triển vọng ngân sách không mấy sáng sủa là lý do lớn hơn để tiến hành nhiều dự án như bây giờ - đặc biệt là nếu họ có thể tiết kiệm tiền trong quá trình này, một phần vì nó đồng thời giảm việc dọn dẹp đường phố và các công việc khác trong khu dân cư trong khi mọi người vẫn đang ở nhà. Thành phố cũng đang sử dụng thời gian này để củng cố các hành lang thương mại bận rộn nhất, bằng cách lắp đặt các thiết bị khử trùng tay tại các trạm xe buýt và các nhà chờ quá cảnh khác, trồng cây và sửa chữa vỉa hè. Những cải tiến ở L.A và các nơi khác là nhỏ so với phạm vi ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch. Nhưng những việc làm này có ý nghĩa vô cùng lớn, bởi đang "mang lại một tia hy vọng cho người dân để họ có thể trông thấy ánh sáng ở cuối đường hầm."

Theo The Atlantic

Mỹ Linh

Trở lên trên