MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng sau kết quả GDP quý I Việt Nam là 4,48%

Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng sau kết quả GDP quý I Việt Nam là 4,48%

Theo Business Times (Singapore), các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sau quý 1/2021. Song nhìn chung, triển vọng phục hồi của quốc gia này vẫn mạnh mẽ. Cụ thể, GDP quý 1/2021 của Việt Nam tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo ở mức 5,7% trước đó.

Theo đó, Ngân hàng UOB cũng hạ dự báo từ mức 7,1% trước đó xuống 6,7%. Đại diện bộ phận nghiên cứu của UOB, ông Suan Teck Kin nhấn mạnh: "Mặc dù dự báo tăng trưởng hạ, Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay". Dự báo sửa đổi cũng nêu rõ, tăng trưởng trung bình trong 3 quý còn lại sẽ đạt mức 7,5%.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế của Maybank Kim Eng, bà Linda Liu và ông Chua Hak Bin cũng hạ dự báo tăng trưởng GPD Việt Nam năm 2021 từ 6,8% xuống 6,5%. "Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi kinh tế bởi triển vọng xuất khẩu, hoạt động sản xuất cũng như dòng vốn FDI được cải thiện".

Cũng trong quý 1/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn giải ngân tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 4,1 tỷ USD. 

Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất chiếm gần một nửa tổng vốn FDI đăng ký. Trong đó, Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD vào Việt Nam trong quý, theo sau đó là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD và Hàn Quốc với 1,2 tỷ USD.

Trong cùng giai đoạn, tăng trưởng ngành dịch vụ giảm ở mức 3,34% do những quy định giãn cách xã hội từ đại dịch Covid-19. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, được thúc đẩy nhờ tăng trưởng mạnh mẽ các hoạt động sản xuất. Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước.

Theo các nhà kinh tế tại Maybank Kim Eng, trong tháng 3/2021, xuất khẩu đã tăng trưởng đáng kể ở mức 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dẫn đầu là máy móc, máy tính và điện tử. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính tăng trở lại, đứng đầu là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu.

Mặc dù tăng trưởng trong xuất khẩu sang Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại, ở mức 17,9% trong tháng 3, giảm so với mức 22,3% trong tháng trước, song đây vẫn là thị trường thúc đẩy tăng trưởng hoạt động xuất khẩu lớn nhất trong quý đầu tiên.

Mục tiêu tăng trưởng cả năm của Việt Nam là 6%. Trong đó, dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với Việt Nam là 6,6%.

Ông Suan Teck Kin kỳ vọng rằng việc Việt Nam bắt đầu triển khai vaccine Covid-19 vào tháng 3 "sẽ tạo ra một động lực rất cần thiết cho đất nước trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ như bán lẻ và du lịch". Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Maybank lưu ý rằng việc triển khai chậm vaccine Covid-19 là một rủi ro lớn, nhất là đối với các ngành dịch vụ.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên