Các trường kinh doanh danh giá nhất nước Mỹ giảm sức hút, sinh viên quốc tế chuyển sang châu Âu và Canada
Tính chung, số đơn nộp vào các chương trình MBA ở Mỹ đã sụt giảm 5 năm liên tiếp, theo dữ liệu từ Graduate Management Admission Council - tổ chức phi lợi nhuận quản lý kỳ thi GMAT.
- 03-09-2019Vì sao Đại học Harvard "giàu" hơn 109 nền kinh tế trên thế giới?
- 22-08-2019Giảng viên Đại học Harvard: Bất chấp bối cảnh thế giới đầy biến động và rủi ro suy thoái kinh tế, đây là lý do tại sao ông Trump sẽ tái đắc cử!
- 13-04-2019Giáo sư Đại học Harvard: Trung Quốc chỉ là "gã khổng lồ" với đôi chân đất sét?
Lượng đơn nộp vào một số trường kinh doanh danh giá nhất của nước Mỹ đã sụt giảm mạnh trong năm 2019, do những thay đổi về chính sách nhập cư và căng thẳng chính trị Mỹ - Trung khiến các trường đại học Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút các sinh viên nước ngoài.
Cả Harvard, Stanford và Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đều ghi nhận mức giảm mạnh hơn so với năm ngoái. Thậm chí một số trường như Tuck School of Business của Dartmouth College còn sụt giảm ở mức độ 2 con số.
Tính chung, số đơn nộp vào các chương trình MBA ở Mỹ đã sụt giảm 5 năm liên tiếp, theo dữ liệu từ Graduate Management Admission Council - tổ chức phi lợi nhuận quản lý kỳ thi GMAT. Các trường kinh doanh ở Mỹ nhận được 135.096 hồ sơ cho các chương trình đào tạo trong đó có MBA, giảm 9,1% so với năm ngoái. Và năm ngoái số lượng cũng đã giảm 7%.
Năm nay Harvard Business School nhận được 9.228 hồ sơ, giảm 6,7% so với năm ngoái và giảm mạnh nhất kể từ 2005. Số đơn nộp vào Stanford cũng bị giảm khoảng 6%, còn 7.342.
Tấm bằng MBA từng được coi là hành trang bắt buộc đối với bất kỳ ai muốn lọt vào tầng lớp lãnh đạo trong các công ty Mỹ, đặc biệt là đối với các sinh viên quốc tế, giống như 1 cánh cửa để lên chức và được tăng lương. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng những thay đổi trong chính sách nhập cư của Mỹ, căng thẳng với Trung Quốc cũng như sự hấp dẫn của các công việc trong ngành công nghệ vốn không cần đến tấm bằng MBA đã làm giảm sự hứng thú của nhóm sinh viên nước ngoài đối với các trường kinh doanh.
Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ ở trong trạng thái tốt đẹp với tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 ở mức thấp nhất 50 năm cũng làm giảm sự quan tâm của chính các sinh viên Mỹ đối với chương trình đào tạo MBA vốn thường kéo dài 2 năm. Thế hệ millenials, mà nhiều người còn đang ngập chìm trong các khoản nợ sinh viên từ khi học đại học, cũng ít muốn theo đuổi tấm bằng MBA đắt đỏ hơn so với các thế hệ trước.
Mối lo ngại ngày càng lớn dần đối với các sinh viên quốc tế là họ sẽ không thể có được visa việc làm để có thể ở lại Mỹ sau khi tốt nghiệp, do đó họ lựa chọn đi du học ở nơi khác. Mỗi năm chính phủ Mỹ cấp 85.000 visa H-1B cho các lao động tay nghề cao, nhưng nhu cầu luôn luôn vượt quá nguồn cung. Chính quyền của ông Trump còn đang tìm cách cải cách toàn bộ hệ thống cấp visa, ngày càng đòi hỏi người xin visa phải cung cấp thêm nhiều thông tin hơn và số trường hợp bị từ chối ngày càng tăng.
Trong khi lượng hồ sơ mà các sinh viên quốc tế nộp vào Mỹ giảm 13,7% trong năm nay, cả Canada và châu Âu đều chứng kiến số đơn tăng mạnh. Trung Quốc vẫn có số du học sinh nhiều hơn bất kỳ nước nào, nhưng ngày càng có nhiều người chọn các trường ở châu Á. Ngoài ra các chương trình học trong nước cũng là lựa chọn không tệ, khi Trung Quốc cũng có 6 trường góp mặt trong top 100 trường kinh doanh tốt nhất thế giới do Financial Times bình chọn.
Để đối phó với sự suy giảm, nhiều trường kinh doanh của Mỹ đang nỗ lực tìm ra những cách sáng tạo hơn để thu hút sinh viên. Mùa xuân vừa qua, Columbia Business School phát trực tiếp 1 tiết học của khóa học nổi tiếng "Lãnh đạo thông qua tiểu thuyết" – khóa học cung cấp các bài giảng từ những tác phẩm như series phim Trò chơi vương quyền của HBO.
Nhiều giảng viên và lãnh đạo của trường đã trực tiếp tới các nước để tuyển sinh viên quốc tế. Số hồ sơ mà trường nhận được vẫn giảm trong năm ngoái nhưng đã giảm nhẹ hơn so với các năm trước. Ngoài ra các trường cũng đưa ra mức học bổng cao hơn để thu hút sinh viên.
Bill Boulding, hiệu trưởng của Fuqua School of Business (Duke University), vẫn lạc quan cho rằng số hồ sơ nộp vào các trường kinh doanh sẽ dần tăng trở lại bởi nhiều trường đang thay đổi chương trình học, bổ sung thêm các bằng cấp đặc biệt trong những ngành như phân tích dữ liệu hoặc tìm cách cho phép các sinh viên tiếp cận với các khóa học thêm sau khi tốt nghiệp với học phí rất thấp hoặc miễn phí.
Ông cùng với những người khác cũng đang nỗ lực vận động để thay đổi chính sách nhập cư sao cho các sinh viên có thể ở lại làm việc sau tốt nghiệp. Theo ông, nếu như nước Mỹ ngày càng trở nên kém hấp dẫn trong mắt các sinh viên quốc tế trong dài hạn, nền kinh tế và sức sáng tạo của nước Mỹ sẽ thiệt thòi lớn. "Đó sẽ là tình trạng đáng báo động", ông nói.