Các tuyến hàng hải huyết mạch toàn cầu chật vật vì… thiếu nước: "Đó mới là món khai vị, món chính có thể được dọn ra đầu năm 2024"
“Những gì chúng ta thấy có lẽ mới chỉ là món khai vị. Món chính sẽ được dọn ra vào năm tới. Hạn hán có thể sẽ khốc liệt hơn khi chúng ta bước sang nửa đầu năm 2024”, nhà phân tích cho biết.
- 22-08-2023Thương vụ đầu tư đáng "đồng tiền bát gạo": Chỉ riêng giá vé đã tăng tới 1.700%, các lợi ích khác nhiều chưa từng có
- 22-08-2023Lái buôn nông sản Cargill: Sử dụng giải pháp 6.000 năm tuổi để giải bài toán hóc búa về năng lượng
- 21-08-2023Hang Seng Index loại một cổ phiếu bất động sản Trung Quốc
Ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gây thiệt hại đến các tuyến đường vận tải hàng hải quan trọng của thế giới. Và El Nino có thể khiến vấn đề trầm trọng thêm.
El Nino dùng để chỉ một hiện tượng khí hậu. Nhiệt độ mặt nước ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương lúc này nóng ấm một cách bất thường, khiến mô thức khí hậu của cả thế giới thay đổi. Từ đó, một số khu vực trở nên khô cạn, còn nơi khác lại hứng lượng mưa lớn. Hiện tượng này lặp lại sau 2-7 năm.
Ảnh hưởng của El Nino có xu hướng đạt đỉnh điểm vào tháng 12. Nhưng tác động toàn cầu có thể xảy đến chậm hơn. Độ trễ chính là lý do khiến các nhà dự báo tin rằng năm 2024 có thể là năm đầu tiên nhân loại vượt ngưỡng 1,5 độ C. Nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 đã ấm hơn 1,1 độ C so với cuối thế kỷ 19.
Ở Panama, hạn hán khiến mực nước giảm. Quốc gia Trung Mỹ này phải hạn chế số lượng tàu thuyền đi qua kênh đào huyết mạch này, khiến giao thông ùn tắc. Nhiều công ty vận tải chuộng Kênh đào Panama, vì nó là đường tắt giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Cơ quan quản lý kênh đào Panama cho biết các biện pháp hạn chế là cần thiết, vì mức độ nghiêm trọng của hạn hán năm nay là “chưa từng có tiền lệ trong lịch sử”.
Nhà phân tích Peter Sands của công ty Xeneta cho biết các “nút thắt” hàng hải tồn tại khắp nơi. Nhưng chỉ những sự kiện chấn động như vụ tắc nghẽn Kênh đào Suez năm 2021 mới được chú ý đến.
Tàu container lớn nhất nhì thế giới Ever Given từng mắc cạn gần một tuần hồi tháng 3/2021. Con tàu chặn ngang kênh đào Suez đã khiến hoạt động giao thông trên tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới phải tạm dừng.
Kể từ đó, các nhà phân tích cảnh báo rằng thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu có thể khiến các vụ việc như Ever Given xảy ra thường xuyên hơn. Hậu quả có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và nền kinh tế khu vực.
Trong khi các quan chức đặt ra hạn chế đối với tàu qua kênh Panama do mực nước thấp, sự xuất hiện của El Nino có thể khiến tình hình thêm nghiêm trọng.
“Những gì chúng ta thấy có lẽ mới chỉ là món khai vị. Món chính sẽ được dọn ra vào năm tới. Hạn hán có thể sẽ khốc liệt hơn khi chúng ta bước sang nửa đầu năm 2024”, nhà phân tích Sands nói.
Đối diện với mực nước thấp và các hạn chế tại Kênh đào Panama, công ty vận tải khổng lồ Maersk của Đan Mạch cho biết mỗi tàu của họ phải giảm đi khoảng 2.000 container so với trước.
Mặc dù Kênh đào Panama có thể là một trong những tuyến đường vận chuyển dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhất, nhưng đây không phải là tuyến đường thủy duy nhất phải vật lộn với những tác động của thời tiết khắc nghiệt.
Sông Rhine là một tuyến đường thương mại quan trọng chảy qua Đức, các thành phố châu Âu và đến cảng Rotterdam ở Hà Lan. Mực nước thấp của con sông này cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên trong những năm gần đây, khiến các tàu khó vận chuyển hết công suất, làm gia tăng chi phí.
Hiện tại có 5 tuyến đường thuỷ chính trên thế giới được công nhận là Kênh đào Suez, Kênh đào Panama, eo biển Malacca giữa Indonesia và Malaysia, eo biển Hormuz giữa Iran và Oman và eo biển Bab-el-Mandeb giữa Djibouti và Yemen. Nếu bất kỳ tuyến đường thuỷ nào trong số 5 tuyến chính này bị tắc nghẽn, sẽ không chỉ có chuỗi cung ứng toàn cầu lãnh hậu quả.
Theo CNBC
Nhịp Sống Thị Trường