Các tỷ phú giàu nhất thế giới học gì ở Đại học: Elon Musk có 2 bằng cử nhân, Bill Gates và Mark Zuckerberg theo đuổi chuyên ngành siêu khó ở Harvard trước khi bỏ học
Câu chuyện trình độ học vấn của các tỷ phú luôn được quan tâm và trở thành chủ đề nóng được bàn luận. Học gì để trở thành tỷ phú cũng là thắc mắc của rất nhiều người, đặc biệt là những học sinh trước ngưỡng cửa Đại học.
- 11-11-2022Bất ngờ lá thư mẹ tỷ phú Richard Branson gửi con trai
- 11-11-2022Từ cậu nhóc 17 tuổi ở nông thôn, bán đồ chơi thành tỷ phú, còn tự nhận là ‘kẻ huỷ diệt sự thất bại’
- 10-11-20223 điều tỷ phú đầu tiên trên thế giới dặn con khiến ai cũng phải suy ngẫm
- 08-11-2022Người đàn ông trải thảm nằm sàn, mượn tiền dưỡng già của mẹ để khởi nghiệp, đến khi trở thành tỷ phú vẫn chỉ mặc vài cái áo cũ, nói không với siêu xe, hàng hiệu
- 08-11-2022Vợ chồng tỷ phú Jeff Bezos từng đưa ra quan điểm nuôi dạy con gây tranh cãi: 'Thà con chỉ có 9 ngón tay còn hơn để chúng trở thành những đứa trẻ không có tài cán gì'
Hầu hết các tỷ phú đều từng học đại học. Đặc biệt ở Mỹ, công nghệ được cho là một trong những ngành đào tạo nhiều tỷ phú nhất, theo báo cáo Điều tra tỷ phú của Wealth-X 2019.
Vậy nếu bạn khao khát trở thành tỷ phú vào một ngày nào đó, học ngành gì ở Đại học có quan trọng không? Có lẽ câu trả lời là có bởi nhiều tỷ phú trong nhóm giàu nhất thế giới theo học Kỹ thuật hoặc Khoa học máy tính, nhưng cũng có một số tỷ phú khác học các ngành như Luật, Kế toán... Đây là những chuyên ngành một số tỷ phú nổi tiếng đã theo học ở đại học.
Elon Musk: Vật lý và Kinh tế
Elon Musk từng theo học Đại học Queen ở Canada 2 năm, sau đó chuyển đến Đại học Pennsylvania ở Mỹ. Ông tốt nghiệp 2 ngành Vật lý và Kinh tế của trường Wharton năm 1995. Musk đăng ký học chương trình Tiến sĩ Vật lý ở Đại học Stanford nhưng rời đi chỉ sau 2 ngày để bắt đầu xây dựng công ty đầu tiên của mình là Zip2.
Jeff Bezos: Kỹ thuật điện và khoa học máy tính
Trước khi trở thành CEO của Amazon, Bezos tốt nghiệp Đại học Princeton năm 1986 với bằng cử nhân Kỹ thuật điện và khoa học máy tính, sau khi đổi từ chuyên ngành Vật lý.
Nếu Amazon không thành công, có thể Bezos sẽ làm đúng ngành mình đã học: "Tôi sẽ trở thành một lập trình viên phần mềm cực kỳ hạnh phúc ở đâu đó". Khi đó Bezos có thể kém giàu hơn bây giờ rất nhiều khi mức lương trung bình cho một lập trình viên là khoảng 92.000USD/năm, theo Glassdoor.
Bill Gates: Luật dự bị
Gates học Luật ở Đại học Harvard 2 năm trước khi bỏ học vào năm 1975 để sáng lập Microsoft với bạn cùng lớp Paul Allen. Khi ở Havard, ông học cả ngành Toán học và các khóa học khoa học máy tính cấp độ sau đại học.
30 năm sau khi bỏ học, Harvard đã trao cho Gates tấm bằng Luật danh dự. Tuy nhiên, nếu được đi học lại, Gates sẽ chọn một chuyên ngành khác: "Tôi sẽ học về phần mềm, cũng giống như học về trí tuệ nhân tạo hiện nay", tỷ phú chia sẻ trong một buổi giao lưu với sinh viên Havard năm 2018.
Nhà sáng lập Microsoft cũng gợi ý các bạn trẻ nên theo học ngành Khoa học, Kỹ thuật và Kinh tế trong một cuộc phỏng vấn với LinkedIn năm 2016.
Mark Cuban: Quản lý và điều hành
Mark Cuban bắt đầu học năm nhất tại Đại học Pittsburgh ở tuổi 17, sau khi tham gia các lớp học buổi tối ở đại học này vào những năm trung học. Sau 1 năm, ông chuyển đến đại học Indiana ở Bloomington vì trường này có học phí rẻ nhất trong số 10 chương trình kinh doanh hàng đầu vào thời điểm đó. Cuban tốt nghiệp Trường Kinh doanh Kelley với bằng cử nhân Quản lý và điều hành.
Mặc dù Cuban ủng hộ việc lấy bằng đại học, nhưng “Tôi không phải là người thích lấy bằng MBA”, Cuban chia sẻ năm 2018.
“Có rất nhiều cách học trực tuyến và tôi nghĩ bạn có thể có thêm kinh nghiệm khi làm việc, học hỏi nhiều hơn và ở vị trí tốt hơn để thành công", "cá mập" Shark Tank Mỹ nói, "Cũng có rất nhiều chương trình MBA trực tuyến tương đương mà nếu bạn đủ kỷ luật, bạn có thể lấy bằng với số tiền tiết kiệm hơn rất nhiều mà vẫn nhận được một nền giáo dục chất lượng”.
Warren Buffett: Quản trị kinh doanh và kinh tế
Warren Buffett ban đầu đăng ký học tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania năm 16 tuổi và theo học ngành Kinh doanh, nhưng ông đã chuyển đến Đại học Nebraska để hoàn thành chương trình đại học trong 3 năm.
“Tôi không muốn học đại học”, Buffett nói với Bloomberg vào năm 2016. “Sau năm đầu tiên tại Wharton, tôi muốn nghỉ học và bắt đầu kinh doanh. Bố tôi nói: ‘Chà, hãy học thêm một năm nữa’. Vì vậy, tôi đã đi vào năm thứ hai và tôi nói ‘Tôi vẫn muốn bỏ học".
Buffett tốt nghiệp và chia sẻ rất nhiều về thời gian học ở Nebraska. ″Đây không phải là một nơi làm tôi thất vọng”, ông nói trong một bài báo năm 2001 trên tạp chí Nebraska Business.
Sau khi bị Trường Kinh doanh Harvard từ chối , Buffett theo học tại Đại học Columbia và nhận bằng Thạc sĩ kinh tế. “Nếu bạn quan tâm đến kinh doanh, hoặc có khả năng kinh doanh, thì bằng MBA rất hữu ích", tỷ phú người Mỹ cho biết.
Mark Zuckerberg: Khoa học máy tính và Tâm lý học
Zuckerberg học Khoa học máy tính và Tâm lý học tại Đại học Harvard trước khi bỏ học để theo đuổi Facebook. Vị CEO này quan tâm đến máy tính từ khi còn nhỏ. Zuckerberg từng chia sẻ, vào năm 12 tuổi, anh đã tạo ra Zucknet, một phần mềm nhắn tin cho nha khoa của cha mình.
Khi còn là học sinh trung học tại Học viện Phillips Exeter, Zuckerberg và bạn của anh, Adam D’Angelo, phát minh ra Synapse , một nền tảng nghe nhạc online có khả năng tổng hợp bài hát yêu thích của người dùng để gợi ý những bản nhạc mới, theo The Harvard Crimson.
Các công ty lớn, bao gồm cả Microsoft đều mua lại Synapse nhưng Zuckerberg và D’Angelo đã từ chối. Hai chàng trai khi đó muốn vào đại học.
Ray Dalio: Kế toán
Trước khi thành lập Bridgewater Associates, Dalio đã theo học Đại học Long Island và học ngành kế toán. Sau đó, ông nhận bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Kinh doanh Harvard năm 1973.
Nhưng lời khuyên của ông cho sinh viên là đừng chỉ chăm chú học: “Hãy tiệc tùng hết mình và đừng coi điểm số là ưu tiên hàng đầu của bạn”, Dalio nói trên Reddit vào năm 2019, “Hãy coi tình bạn và trải nghiệm của bạn là quan trọng nhất”.
Theo CNBC Make It, Yahoo Finance
Nhịp sống thị trường