Các tỷ phú Internet Trung Quốc thiệt hại nhiều tỷ USD vì Chính phủ mạnh tay dẹp loạn
Các tỷ phú Internet của Trung Quốc đã chịu tổn thất lớn nhất khi các nhà đầu tư hoảng sợ tiếp tục bán phá giá những cổ phiếu đang bị Bắc Kinh nhắm tới trong đợt trấn áp của họ.
- 29-07-2021Lo sợ thị trường biến động mạnh, NHTW Trung Quốc gấp rút bơm 30 tỷ CNY vào hệ thống tài chính
- 29-07-2021Vốn hoá bốc hơi gần 200 tỷ USD chỉ trong 1 tháng, Tencent trở thành khoản đầu tư tệ hại nhất thế giới
- 27-07-2021"Không ai muốn trở thành Jack Ma tiếp theo": Mô hình Big Tech của Trung Quốc khác gì so với Mỹ?
Theo Forbes, Wang Xing (người sáng lập Meituan), Williang Ding (CEO NetEase), Colin Zheng Huang (người sáng lập Pinduoduo) và Chủ tịch Tencent là Pony Ma đã mất tổng cộng 13,6 tỷ USD chỉ trong một ngày. Tổn thất tài sản của họ xảy ra khi việc bán tháo cổ phiếu công nghệ và giáo dục Trung Quốc tiếp tục lan sang các lĩnh vực khác, khi nhà đầu tư đang cân nhắc xem công ty nào sẽ là cái tên tiếp theo có thể rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh tiếp theo.
"Cuộc trấn áp là sự tiếp nối của các chính sách chống độc quyền và ngăn chặn sự mở rộng vốn một cách mất trật tự trước đây. Trung Quốc cũng muốn giảm sự bất mãn giữa các thành phần khác nhau trong xã hội, và giảm bớt áp lực tổng thể", Shen Meng, giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co. có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Ví dụ, sau các báo cáo về thời gian làm việc kéo dài và các điều kiện làm việc nguy hiểm, các cơ quan quản lý hiện đang tìm cách áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người đi giao thực phẩm bằng cách yêu cầu người sử dụng lao động của họ trả thêm tiền bảo hiểm và đảm bảo rằng người giao hàng kiếm được trên mức lương tối thiểu. Những quy định mới đã khiến cổ phiếu của Meituan - gã khổng lồ giao hàng thực phẩm do Tencent hậu thuẫn, vốn đang bị điều tra độc quyền, giảm tới 10% ở Hồng Kông vào hôm thứ Ba, sau khi đã mất 14% một ngày trước đó.
Cổ phiếu Tencent, cũng là một cổ đông tại thị trường trực tuyến Pinduoduo, đã lao dốc sau khi cơ quan quản lý yêu cầu công ty này từ bỏ bản quyền âm nhạc độc quyền. Tencent đã cam kết tuân thủ chỉ thị.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang tìm cách giảm bớt gánh nặng tài chính của các bậc phụ huynh nhằm hỗ trợ nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh giảm bằng cách nhắm mục tiêu vào lĩnh vực dạy thêm sau giờ học. Ngành này đã từng phát triển nhanh chóng khi sinh viên lên mạng để học trong thời kỳ đại dịch, nhưng gần đây đã có vô số lời phàn nàn về việc loạn giá và quảng cáo sai sự thật.
Bộ phận học tập trực tuyến Youdao được NetEase niêm yết tại New York đã mất hơn 60% giá trị thị trường trong ba ngày giao dịch qua. Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các công ty giáo dục Trung Quốc như Gaotu Techedu, TAL Education và New Oriental Education & Technology đều giảm một lượng tương tự, sau khi các nhà quản lý công bố một loạt quy định vào cuối tuần trước, yêu cầu các công ty dạy kèm phải đăng ký như một tổ chức phi lợi nhuận, cũng như ngừng cung cấp các khóa học vào cuối tuần và trong những kỳ nghỉ. Các công ty này cũng bị cấm niêm yết cổ phiếu hoặc huy động vốn.
"Để tiếp tục được niêm yết, họ có thể cần phải loại bỏ các doanh nghiệp vi phạm các quy định của chính phủ", Tommy Wang, nhà phân tích tại China Merchants Securities, cho biết. Ông cho biết thêm rằng có tới 90% doanh thu của các công ty có thể bị ảnh hưởng vì việc dạy thêm sau giờ học cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở hiện đang chiếm phần lớn doanh thu của họ.
Theo ông Shen, trong môi trường bất ổn này, các nhà đầu tư nước ngoài khôn ngoan sẽ tính đến rủi ro chính sách và đánh giá lại triển vọng đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Chẳng hạn, cuộc đàn áp đối với các công ty giáo dục đã khiến nhà đầu tư toàn cầu, từ SoftBank đến Temasek, chật vật tìm cách thoát khỏi vị trí của họ. Họ nằm trong số các nhà đầu tư đã đặt cược nhiều tỷ USD vào những công ty khởi nghiệp giáo dục Trung Quốc như Yuanfudao, Zuoyebang và Yi Qi Zuo Ye, vốn là những công ty cũng đang bị giám sát chặt chẽ về mặt pháp lý.
Claudia Wang, một đồng sở hữu của của công ty tư vấn Oliver Wyman có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết một lựa chọn cho các nhà đầu tư là chỉ cần chờ đợi và thoát ra khi các công ty khởi nghiệp tìm thấy một thị trường ngang bằng với ngành giáo dục trực tuyến được định giá 257,3 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020, và chuyển đổi hoạt động kinh doanh của họ. Theo công ty chứng khoán Nomura, thái độ "chờ và xem" đang là sự chọn lựa của một số nhà đầu tư trên thị trường đại chúng.
"Các nhà đầu tư bị thiệt hại và run sợ hiện đang cân nhắc xem những lĩnh vực nào khác có khả năng trở thành mục tiêu tiếp theo của chính phủ. Cho đến khi tin tức về các quy định bắt đầu giảm bớt (nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều đó), chúng tôi cho rằng hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ vẫn đứng ngoài cuộc mặc dù một số khu vực của thị trường có vẻ hấp dẫn trong trung hạn", hai nhà phân tích Chetan Seth và Yunosuke Ikeda viết trong một báo cáo nghiên cứu gần đây.
Tham khảo Forbes