MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tỷ phú "thải" ra lượng khí nhà kính gấp 1 triệu lần người thường

08-11-2022 - 06:39 AM | Tài chính quốc tế

Các tỷ phú "thải" ra lượng khí nhà kính gấp 1 triệu lần người thường

Vâng, bạn không nghe nhầm đâu. Nghiên cứu cho thấy lượng khí thải CO2 mà mỗi một tỷ phú trong số 125 người giàu nhất hành tinh góp phần tạo ra gấp hơn 1 triệu lần người bình thường.

Nghiên cứu do Tổ chức từ thiện Oxfam - trụ sở tại Anh - công bố cho thấy 125 tỷ phú giàu nhất thế giới đã thải ra lượng khí nhà kính khủng khiếp đến thế nào.

Cụ thể, các khoản đầu tư của 125 người giàu nhất tạo ra trung bình 3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) mỗi người, cao hơn 1 triệu lần so với 2,76 tấn CO2 của 90% dân số toàn cầu.

Nafkote Dabi, trưởng nhóm nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Oxfam, cho biết lượng khí thải tới từ lối sống của các tỷ phú, bao gồm máy bay riêng, du thuyền… đã cao hơn hàng nghìn lần so với mức phát thải của người bình thường. Dẫu vậy, chúng vẫn chẳng là gì nếu so với các khoản đầu tư của họ. Thứ mang về tài sản kếch xù cho những người giàu nhất thế giới cũng tạo ra lượng khí thải gấp hơn 1 triệu lần đại đa số chúng ta.

Thậm chí, báo cáo còn cho biết một số trong nhóm tinh hoa này có "lượng phát thải đầu tư" bằng với khí thải carbon của cả một quốc gia như Pháp, Ai Cập hay Argentina.

"Tuy nhiên, trách nhiệm chính và ngày càng gia tăng của những người giàu có nhất hành tinh với tổng lượng phát thải mà các khoản đầu tư của họ gây ra lại hiếm khi được thảo luận hoặc xem xét trong quá trình hoạch định chính sách. Điều này cần phải thay đổi", bà Dabi nói.

Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng những tỷ phú giàu có nhất cũng có trách nhiệm rất lớn trong việc tác động xấu tới môi trường. Trong khi đó, họ đã "trốn tránh" trách nhiệm giải trình quá lâu.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng các tỷ phú đầu tư trung bình 14% tài sản vào các ngành gây ô nhiễm như năng lượng và các vật liệu như xi măng. Trong khi đó, chỉ một trong số 125 tỷ phú này đầu tư vào một công ty năng lượng tái tạo.

"Chúng ta cần COP27 để vạch trần và thay đổi vai trò của các tập đoàn lớn cũng như các nhà tài phiệt đứng sau chúng trong việc hưởng lợi từ ô nhiễm – thứ đang gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu", bà Dabi nhấn mạnh.

Khai mạc ngày 6/11 tại Ai Cập, COP27 đang là sự kiện thu hút đông đảo sự quan tâm của những người quan tâm tới môi trường. Với sự tham gia của 200 phái đoàn, tới từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, COP27 mang tới hy vọng có thể tìm được lời giải cho vấn đề biến đổi khí hậu đang ngày càng nhức nhối.

Trong năm 2022, những hiện tượng thiên tai cực đoan một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc chung tay ngăn chặn biến đổi khí hậu. Lũ lụt nhấn chìm 1/3 diện tích Pakistan hay những đợt nắng nóng kéo dài, gây hạn hán kỷ lục tại nhiều nơi ở Trung Quốc; những hồ nước ngọt cạn trơ đáy ở Mỹ… cho thấy không ai có thể sống yên ổn khi môi trường ngày càng trở nên cực đoan hơn.

Ở thời điểm hiện tại, các quốc gia cùng chung tay sẽ là biện pháp duy nhất để tạo bước ngoặt cho quá trình biến đổi khí hậu đang ngày càng khiến cuộc sống trở nên khó khăn. Ngoài các hoạt động theo quy định của Công ước, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, Ai Cập – nước chủ nhà - đưa ra chương trình nghị sự gồm 4 chủ đề chính: tài chính khí hậu, thích ứng với biến đổi khí hậu, tổn thất và thiệt hại, nâng tham vọng hành động khí hậu.

Hội nghị sẽ diễn ra từ 6-18/11.

Tham khảo: CNN

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

Trở lên trên