Các vụ bê bối vẽ lại bức tranh doanh nghiệp Nhật
Theo số liệu của Bloomberg, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị các vụ M&A có doanh nghiệp Nhật tham gia với vai trò là mục tiêu bị thâu tóm hoặc bên bán tài sản đã tăng tới 62% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 55,4 tỷ USD.
- 26-05-2016Giới trẻ Nhật Bản muốn "làm việc cho đến chết"
- 27-04-2016Hội chứng "hạng vé tiết kiệm" ám ảnh Nhật Bản sau động đất
- 16-04-2016Động đất tại Nhật Bản khiến Sony, Mitsubishi phải ngừng sản xuất
Các công ty Nhật Bản đang đẩy mạnh thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới lâm vào trạng thái trì trệ.
Tuy nhiên, ở ngay trên sân nhà, các vụ bê bối đang làm thay đổi cục diện bức tranh doanh nghiệp Nhật.
Theo số liệu của Bloomberg, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị các vụ M&A có doanh nghiệp Nhật tham gia với vai trò là mục tiêu bị thâu tóm hoặc bên bán tài sản đã tăng tới 62% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 55,4 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây.
Có thể kể đến một vài cái tên lớn như Toshiba và Mitsubishi Motors – những tập đoàn đang cố gắng bán bớt tài sản để đối phó với các vụ bê bối.
Hồi tháng 3, Toshiba bán mảng thiết bị y tế cho Canon với giá 665, 5 tỷ yên (tương đương 6 tỷ USD) sau khi đối mặt với bê bối gian lận kế toán. Tháng trước Mitsubishi Motors cũng đã đồng ý bán 34% cổ phần cho Nissan Motor với giá 237,4 tỷ yên. Dòng vốn mới huy động được sẽ là “phao cứu sinh” quan trọng cho nhà sản xuất xe hơi này. Giá trị vốn hóa của Mitsubishi đã giảm hơn 30% kể từ khi thừa nhận đã gian lận về các chỉ tiêu tiết kiệm khí thải vào hôm 20/4.
Toshiyuki Mitsuzawa – chuyên gia đến từ quỹ đầu tư Frontier Management – cho rằng thời gian vừa qua số thương vụ M&A nhằm phản ứng với khủng hoảng đã tăng mạnh ở Nhật Bản. Thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ kiểu này diễn ra, đặc biệt là trong những ngành đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt như điện tử và ô tô.
Theo nguồn tin thân cận, kế hoạch cải tổ của Toshiba sẽ dẫn đến nhiều vụ M&A hơn nữa trong thời gian tới. “Toshiba sẽ đóng vai trò to lớn trong hoạt động M&A ở Nhật Bản trong năm nay. Những tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản đã trì hoãn kế hoạch cải tổ quá lâu, trong khi sức cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế ngày càng giảm sút”, Chihiro Ohta – chiến lược gia của công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities – nhận định.
Hồi tháng 4, nhà sản xuất bia Asahi của Nhật Bản đã bỏ ra 2,55 tỷ euro (tương đương 2,84 USD) để mua các nhãn hiệu bia Peroni, Grolsch và Meantime từ tay AB InBev nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường châu Âu. Công ty thuốc lá Japan Tobacco cũng chi 510 triệu USD thâu tóm 40% cổ phần của tập đoàn thuốc lá thuộc sở hữu của nhà nước Ethiopia.
Chuyên gia kinh tế trưởng Yasuhide Yajima tại Viện nghiên cứu NLI cho rằng kết hợp cả hoạt động M&A chủ động và bị động sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của các doanh nghiệp Nhật trong dài hạn. “Họ nên thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không cốt lõi đồng thời hợp tác với các ông lớn ở châu Á để mở rộng thị phần cho các dịch vụ và sản phẩm cốt lõi”.