Cách chức ngay cán bộ bao che xây dựng sai phép
Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM tại buổi họp báo định kỳ 6 tháng đầu năm 2017, vừa diễn ra. Thông tin được đưa ra sau nhiều vụ tranh chấp liên quan đến việc xây thêm tầng tại các chung cư trên địa bàn thành phố.
Sai phạm xây dựng tiếp tục tăng
Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp ở các địa phương như quận 7, quận 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.
Sở Xây dựng TP đã tổ chức kiểm tra, tuần tra 51.557 lượt, đã phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, tăng 309 (24%) trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Sai phạm xây dựng tiếp tục tăng.
Trong đó, xây dựng không phép là 830 trường hợp, tăng 218 trường hợp so với cùng kỳ, tập trung tại huyện Bình Chánh 210 trường hợp, huyện Củ Chi 177 trường hợp, huyện Cần Giờ 66 trường hợp.
Công trình sai phép là 557 trường hợp, tăng 73 trường hợp so với cùng kỳ, tập trung tại huyện Hóc Môn 98 trường hợp, huyện Bình Chánh 58 trường hợp, quận 7 là 52 trường hợp.
Vi phạm trong hoạt động xây dựng như che chắn, rơi vãi vật liệu xây dựng… là 208 trường hợp, tăng 21 trường hợp.
Chánh Thanh tra Sở cũng đã ban hành 25 quyết định khắc phục hậu quả, với số tiền là 8,8 tỷ đồng; 807 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 9,4 tỷ đồng.
Theo ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP, nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng gia tăng là địa bàn rộng nhưng lực lượng thanh tra mỏng không bao quát, ngăn chặn kịp hành vi của chủ đầu tư. Đồng thời, vẫn còn một bộ phận cán bộ thanh tra tiêu cực, làm lơ cho công trình triển khai.
Ngoài ra, trong năm 2017, mục tiêu của TP là sẽ bảo đảm 100% công trình vi phạm phải được kiểm tra, xử lý theo quy định để ngăn chặn từ sớm, không còn cảnh "gạo đã nấu thành cơm". Do đó, từ đầu năm đến nay, tổng số lượng công trình kiểm tra trên địa bàn lên đến 51.557 lượt, tăng 13.532 lượt (35,6%) so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, nếu tính tỷ lệ công trình vi phạm trên số công trình kiểm tra thì con số chỉ ở mức 3,09%.
Xử lý nghiêm cả lãnh đạo nếu sai phạm
Đặc biệt, liên quan đến nhiều dự án nhà ở cao tầng trong thời gian gần đây xây dựng sai phép, trái phép không được xử lý dứt điểm; thế nhưng Sở Xây dựng TP vẫn cho phép chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế hoặc hợp thức hóa vi phạm, ông Tuấn khẳng định không bao che cho các chủ đầu tư "làm bậy".
Ông Tuấn nói rằng Sở Xây dựng TP chỉ xem xét theo quy định của pháp luật hiện hành đối với từng vi phạm cụ thể. Bởi lẽ, hiện nay, quy định không bắt buộc các chủ đầu tư phải lấy ý kiến khách hàng khi điều chỉnh quy hoạch dự án.
Lý do là vì Thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định việc điều chỉnh cơ cấu căn hộ đã hết hiệu lực thi hành, dù dự án đó đã đưa ra thị trường bán hàng. Mặc dù vậy, nhằm ngăn ngừa tình trạng tranh chấp phức tạp xảy ra trong tương lai, Sở vẫn yếu cầu các chủ đầu tư lấy ý kiến cư dân rộng rãi, nhằm đảm bảo 100% đồng thuận mới được xem xét cấp phép điều chỉnh.
Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này, Sở Xây dựng TP cho biết sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng thanh tra xây dựng theo hướng toàn diện hơn. Bên cạnh việc kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi xây dựng sai phép, không phép, Sở sẽ kiểm tra toàn diện hơn để kịp thời xử lý vi phạm theo quy định.
“Quan điểm của Sở là xử lý đúng quy định, khách quan, công tâm, công khai và minh bạch về việc kiểm tra, xử phạt chứ không có việc bao che, hợp thức hóa sai phạm. Thanh tra, công chức nào sai phạm tôi sẽ xử lý nghiêm, kể cả lãnh đạo thanh tra. Nếu tôi phát hiện trường hợp nhà cao tầng nào xây dựng không phép nhưng có sự bao che của lãnh đạo thanh tra Sở thì tôi cách chức ngay lãnh đạo”, ông Tuấn nói.