MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách đây hơn 500 năm, nhà thám hiểm mang theo 8 con lợn rừng khiến nước Mỹ thiệt hại 2,5 tỷ đô mỗi năm

29-07-2023 - 06:18 AM | Tài chính quốc tế

Không ngờ việc nhà thám hiểm Christopher Columbus mang theo 8 con lợn rừng lại khiến nước Mỹ thiệt hại hơn 2 tỷ đô mỗi năm. Nguyên nhân là gì?

Tại nhà hàng Dai Due ở Austin (Texas, Mỹ), thịt lợn rừng được coi là một món ăn nổi bật trong thực đơn. Lợn rừng có thể đến từ Texas và nơi khác.

Sự xâm hại đáng sợ của lợn rừng

Cách đây hơn 500 năm, nhà thám hiểm mang theo 8 con lợn rừng khiến nước Mỹ thiệt hại 2,5 tỷ đô mỗi năm - Ảnh 1.

Lợn rừng có nguồn gốc ở châu Âu và trở thành một trong những loài vật xâm hại đáng sợ nhất ở Mỹ. Ảnh: Shutterstock

Lợn rừng trở thành một trong những loài vật xâm hại ở Mỹ. Ít người biết rằng loài động vật này bắt đầu đến Mỹ cách đây hơn 500 năm.

Trên thực tế, lợn rừng có nguồn gốc từ châu Âu và chúng đã đến Mỹ bằng cách theo chân nhà thám hiểm người Ý nổi tiếng trong lịch sử thế giới. Đó là Christopher Columbus.

Theo các nhà nghiên cứu, vào năm 1493, nhà thám hiểm Christopher Columbus đã mang theo 8 con lợn tới Tây bán cầu với dự định dùng làm thức ăn trong chuyến đi tới Cuba. Kết quả, hậu duệ của những con lợn này ước tính đã lên tới 6 triệu con ở 35 bang tại Mỹ. Điều này đã gây ra nhiều rắc rối cho quốc gia này. Theo đó, hàng năm, số lượng lợn rừng này đã gây thiệt hại tới 2,5 tỷ USD về hoa màu, lâm nghiệp và những nhà chăn nuôi gia súc.

Chưa hết, những con lợn rừng hoang dã này còn có thể lây lan dịch bệnh cho cả con người và vật nuôi.

Cách ứng phó với "thủ phạm" gây thiệt hại hàng tỷ USD

Cách đây hơn 500 năm, nhà thám hiểm mang theo 8 con lợn rừng khiến nước Mỹ thiệt hại 2,5 tỷ đô mỗi năm - Ảnh 2.

Lợn rừng phát triển với số lượng ngày càng tăng ở Mỹ. Ảnh: Alamy

Các nhà nghiên cứu cho biết, chỉ riêng ở bang Texas, số lượng lợn rừng đã lên tới 2 triệu con. Điều này khiến bang này trở thành tâm điểm của vấn nạn lợn rừng xâm lấn ở Mỹ.

Chính vì vậy, một số đầu bếp, nông dân và những nhà cung ứng thịt ở Texas và những điểm nóng khác ở phía nam, đang đưa lợn rừng vào chuỗi thức ăn. Cụ thể, họ đang biến một loài động vật gây phiền toái này trở thành một nguồn protein bền vững cho con người.

Đầu bếp Jesse Griffiths, người đồng sáng lập nhà hàng Dai Due, đồng thời là một trong những người ủng hộ tiêu thụ thịt lợn rừng lớn nhất đối với ngành chăm sóc khách hàng, cho biết: "Tôi nghĩ đó là một cách cân bằng dễ dàng. Chúng xâm hại và chúng cần phải bị loại bỏ".

Ông Casey Frank, điều phối viên về giáo dục và hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận Farmshare, đã chứng kiến sức tàn phá của loài lợn rừng. Cụ thể, vào tháng 6/2022, có một đợt hạn hán nặng nề hoành hành ở miền trung của Texas. Ông Frank đã bắt đầu chú ý tới các hố bùn và cây trồng bị xới tung xung quanh trang trại hữu cơ rộng 4 hecta của Farmshare tại Austin. 

Hóa ra có một đàn lợn rừng đang tìm kiếm một vùng đất ẩm ướt để kiếm ăn và giải nhiệt trong mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử của bang Texas. "Thủ phạm" là 6 con lợn rừng trưởng thành, với mỗi con nặng hơn 92 kg. Chúng đã gây thiệt hại lớn cho Farmshare, tổ chức chuyên hỗ trợ cho những nông dân mới và tăng nguồn tiếp cận thức ăn tại các khu vực như Đông Austin và quận Travis.

Ông Frank cho biết, 6 con lợn rừng này đã phá hủy 0,08 hecta chỉ trong một đêm và làm thiệt hại hơn 900 kg sản lượng.

Các cơ quan, nhà chức trách như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và những cơ quan động vật hoang dã cấp bang đã cố gắng tìm cách kiểm soát số lượng lợn rừng trong suốt nhiều thập kỷ. Nhưng điều này gặp phải nhiều khó khăn.

Năm 1890, những người thợ săn đã đưa 13 con lợn rừng Á - Âu đầu tiên, nhiều khả năng chúng được mua từ rừng Đen ở Đức, đến khu bảo tồn đi săn ở New Hampshire. Những con lợn này nổi tiếng thông minh và khó bắt nên chúng trở thành mục tiêu lý tưởng cho những thợ săn có khao khát thích rượt đuổi.

Cách đây hơn 500 năm, nhà thám hiểm mang theo 8 con lợn rừng khiến nước Mỹ thiệt hại 2,5 tỷ đô mỗi năm - Ảnh 3.

Nhiều nhà hàng ở Mỹ đưa lợn rừng vào thực đơn. Ảnh: Alamy

Ông Frank có thể hiểu sự khó khăn của việc theo dõi một đàn lợn gồm 6 con tàn phá trang trại của Farmshare. Vị chuyên gia này thậm chí còn phải xây một căn chòi mà những người thợ săn dùng để ẩn mình ở giữa cánh đồng của Farmshare.

Thậm chí, trong các đợt rình bắt lợn rừng kéo dài 6 giờ đồng hồ, ông Frank sẽ nằm chờ đợi với một khẩu súng trường mỗi đêm. Thế nhưng 3 tháng trôi qua, ông vẫn không bắn được một phát đạn nào. Do đó, cơ sở Farmshare ở Austin đã đầu tư tiền để đặt bẫy có chứa hỗn hợp ngô, bia lên men, đường và thạch.

Nhưng cách này cũng không hiệu quả. Ông Frank chia sẻ: "Lợn rừng thông minh tới mức chúng có thể nhận biết bẫy và bước qua. Cuối cùng, cái bẫy này trở thành một phương pháp tốn kém để nuôi một số loài chim".

Các yếu tô khác cũng góp phần giúp loài lợn rừng phát triển trở thành một trong những loài xâm hại đầu tiên ở Bắc Mỹ. Ở một vài khu vực, việc lai giống dẫn tới tình huống không thể kiểm soát.

Bà Mikayla Killam, chuyên gia quản lý thiệt hại do động vật hoang dã thuộc chương trình AgriLife Extension Service của ĐH Texas A&M, cho biết: "Động vật nuôi được lai giống có chủ đích nhằm sinh sản nhanh ở giai đoạn đầu với số lượng lớn. Lợn rừng Á - Âu được coi là loài vật rất khó săn. Chính hai mặt này thực sự đã tạo nên lợi thế cho loài vật này".

Dù khó bắt nhưng nhiều bang với số lượng lớn ở Mỹ đã cho phép thợ săn bắn lợn rừng. Ngoài ra, còn có một số thợ đặt bẫy giúp đưa thịt lợn rừng ra thị trường. Trên thực tế, nông trại Broken Arrow ở Texas đã hợp tác với những thợ đặt bẫy để họ bắt và đưa lợn rừng tới lò mổ được cấp phép nhằm xử lý và đóng gói thịt.

Nhà sáng lập Mike Hughes của Broken Arrow chia sẻ, đã biết về vấn đề lợn rừng xâm hại cách đây vài năm. Chẳng bao lâu sau, nông trại Broken Arrow đã và đang trở thành nhà cung ứng thịt và bán từ 1.500 - 1.700 con lợn rừng mỗi năm.

Các sản phẩm của Broken Arrow có mặt trên thực đơn của nhiều nhà hàng bao gồm Eataly ở New York, Redbird ở Los Angeles, Rainbow Lodge ở Houston và Quince ở San Francisco.

Hiện có 15 cơ sở xử lý thịt lợn rừng nằm rải rác khắp nước Mỹ. Với số lượng cơ sở xử lý tương đối nhỏ đồng nghĩa với việc lợn rừng có thể vẫn là một mặt hàng đặc sản trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, các đầu bếp trên khắp nước Mỹ hiện đã và đang chú ý tới sự sẵn có ngày càng tăng của thịt lợn rừng.  

Bài viết tham khảo nguồn: Theguardian, Smithsonianmag

Theo Minh Hằng

Phụ nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên