Cách gì để Chính phủ không phải loay hoay trong một đống nợ?
Khu vực mà nhà nước nên đặt chân lên để tính kế cho một giai đoạn mới của phát triển kinh tế chính là khu vực tư nhân.
- 03-06-2016“Ba thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”
- 31-05-2016Doanh nghiệp tư nhân là chìa khóa để thực hiện Khát vọng Việt Nam 2035
- 29-04-2016Lần đầu tiên, vị thế của doanh nghiệp tư nhân được xác lập "trên cơ" FDI
Là một trong những người đầu tiên thành lập doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ đầu đất nước đổi mới, chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang kinh tế thị trường, ông Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch Công ty Tư vấn và chuyển giao công nghệ Invest Consult Group đã có những nhìn nhận cụ thể về quá trình phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta.
PV: Khẳng định kinh tế tư nhân là phương tiện hiệu quả nhất để phát triển kinh tế theo ông thể hiện trên những khía cạnh nào?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tư nhân hóa và xây dựng khu vực kinh tế tư nhân là con đường duy nhất để Đảng ta, Chính phủ chúng ta ra khỏi khó khăn về chính sách kinh tế hiện nay, không còn con đường nào khác. Nếu không chúng ta sẽ thấy rằng nhà nước vẫn là bầu sữa cho tất cả các lực lượng xã hội, nợ công tăng lên, Chính phủ chúng ta đang loay hoay trong một đống nợ không cách gì phân tích và xử lý được.
Hiện nay giả định rằng chúng ta không có vấn đề như vậy và Chính phủ chúng ta phải hoạt động bình thường, nhưng mỗi sau một chu kỳ bình thường thì người ta lại bắt đầu phải nghĩ đến một khó khăn khổng lồ là xử lý nợ như thế nào?
Tại sao chúng ta nói việc xây dựng nền kinh tế tư nhân là một biện pháp hiệu quả? Bởi vì nó là con đường duy nhất để Nhà nước chúng ta rút chân ra khỏi các sa lầy của mình trong việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 15-20 năm nay. Con đường duy nhất là phải trả về cho xã hội chức năng cơ bản của nó là hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế không phải là độc quyền nhà nước, nếu có độc quyền nhà nước thì cũng không giải quyết được gì về phát triển kinh tế.
Chúng ta đã thất bại trong việc sử dụng các xí nghiệp nhà nước, các công cụ nhà nước để giải quyết vấn đề phát triển kinh tế, chúng ta phải nghĩ lại, phải rút chân ra khỏi những sa lầy trong thời gian trước. Khu vực mà chúng ta đặt chân lên để tính kế cho một giai đoạn mới của phát triển kinh tế chính là khu vực tư nhân.
PV: Phương tiện hiệu quả nhất để phát triển kinh tế là động lực khi nói về kinh tế tư nhân, vậy cần phải ứng xử với kinh tế tư nhân như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Phải tạo cho nó môi trường tốt, môi trường ấy không đơn thuần là thể chế kinh tế, môi trường ấy gắn liền với các đòi hỏi của cải cách chính trị. Nếu không thừa nhận sở hữu tài sản cá nhân hoặc tư nhân thì con người không có động lực để kinh doanh.
Xây dựng khu vực kinh tế tư nhân là kết quả tự nhiên của hai cuộc cải cách quan trọng là cải cách chính trị và cải cách kinh tế. Chúng ta phải sửa chữa, xây dựng các tiêu chuẩn của thể chế kinh tế để làm cho con người bị lôi cuốn vào cái thực tế kinh doanh, nhưng đồng thời phải cải cách chính trị để duy trì tính ổn định của cảm hứng sản xuất và kinh doanh của xã hội.
Khi không rõ về mặt chính trị, khi không động viên về mặt chính trị, không xác lập các sức mạnh ổn định của địa vị chính trị của lực lượng tư nhân thì người ta sẽ trở thành những kẻ buôn bán chụp giật cơ hội. Hay nói cách khác, cải cách chính trị để trở thành động lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
PV: Ông có nói đến cải cách chính trị, vậy ông phân tích cụ thể hơn cải cách chính trị ở đây bao gồm những công việc gì?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi lấy ví dụ như quyền tiếp cận tài nguyên, trong đó chủ yếu là đất đai. Phải có một lộ trình rõ ràng cho việc cải cách từng bước để con người tiến đến bình đẳng với nhau đối với sự tiếp cận tài nguyên, nếu không tiếp tục có những cải cách thật rõ ràng, thì không thể có sự phát triển kinh tế lành mạnh ở khu vực tư nhân được.
Thứ hai phải xác lập một hệ thống quyền tiếp cận tín dụng bình đẳng cho tất cả các chủ sở hữu tư nhân hay nhà nước. Gần đây chúng ta có xử lý một số tập đoàn kinh tế sa lầy, dù họ là tư nhân, nhưng đấy là sai lầm nhà nước. Chúng ta rút chân ra khỏi các sai lầm có chất lượng nhà nước trong một số tập đoàn tư nhân. Khi để nó biến thành tập đoàn một cách không rõ ràng, không rành rọt và không lành mạnh, chúng ta sẽ có một khu vực tư nhân hết sức đen tối.
Một vài năm nữa các bạn sẽ thấy tính chất đen tối của khái niệm tư nhân. Khi không được xã hội hóa một cách thật sự, nó sẽ trở thành các tập đoàn lợi ích, nó là sự trộn lẫn giữa quyền lực chính trị và các lợi ích kinh tế không lành mạnh. Những tập đoàn tư nhân theo kiểu ấy dần dần sẽ biến xã hội thành chỗ kiếm tiền chứ không phải xã hội là đối tượng phục vụ của các tập đoàn kinh tế dù là tư nhân hay không tư nhân.
PV: Ông bình luận gì về quá trình rà soát và phá bỏ các điều kiện kinh doanh theo tinh thần luật doanh nghiệp và luật đầu tư 2014 mà hạn chót là vào 4/11 tới đây.
Ông Nguyễn Trần Bạt: Tôi hoan nghênh tư tưởng cơ bản của chính phủ là rút bỏ các giấy phép nhỏ. Các giấy phép nhỏ ấy chính là công cụ chiếm đóng của các lực lượng hành chính đối với nền kinh tế. Phải giải phóng nền kinh tế ra khỏi sự chiếm đóng của các bộ bằng các giấy phép nhỏ.
Tuy nhiên quá trình này rất phức tạp, bởi vì nó tước bỏ hoặc nó can thiệp vào các quyền lợi của các bộ. Can thiệp vào quyền lợi của các tổ chức nhà nước không phải là chuyện dễ. Nó là một cuộc đấu tranh chính trị có thật và nếu không khéo thì thua, bởi vì nó vừa là công cụ tiêu cực, nó lại vừa là động lực của những mặt chủ yếu của hoạt động kinh tế xã hội thật. Phải làm thế nào để các công cụ cơ bản kiến tạo nền kinh tế không phải là các công cụ gieo rắc cái xấu. Cho nên tư tưởng xây dựng một chính phủ liêm chính là tư tưởng vô cùng quan trọng.
PV: Chính phủ cũng vừa ra Nghị quyết 35 để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp tư nhân. Theo ông, để cụ thể hóa nghị quyết 35 của Chính phủ chúng ta cần phải làm gì?
Ông Nguyễn Trần Bạt: Môi trường kinh doanh bao giờ cũng phải là một vùng sạch sẽ. Kiểm soát độ sạch sẽ, độ ngay thẳng, độ chính đáng của thị trường là công việc chủ yếu của chính phủ. Đến chào hàng và bán hàng ở thị trường là nhiệm vụ của giới kinh doanh, còn làm cho cái chợ ấy sạch sẽ, nghiêm túc, minh bạch là công việc của chính phủ.
Chính phủ phải làm bằng mọi cách để đảm bảo sự bình đẳng tiếp cận tất cả các nguồn tài nguyên, nguồn quyền lực và nguồn tín dụng của các doanh nghiệp. Nếu không thì đấy vẫn là một cái chợ đặc quyền. Khu vực tư nhân mà dính dáng đến cái chợ đặc quyền thì khó chữa hơn nhiều so với khu vực nhà nước.
Những tác động vào thị trường phải đi qua trật tự hành chính. Không xác lập được độ minh bạch, sạch sẽ của của khu vực hành chính thì không có cách gì xây dựng thị trường tốt được. Đấy là công việc mà hàng ngày những người có trách nhiệm về chuyện này phải suy nghĩ./.
Theo VOV