MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách mạng Công nghiệp 4.0: ASEAN đang hướng về Việt Nam

Việt Nam hiện nay đang rất khởi sắc về phát triển kinh tế và nhận được sự quan tâm của các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trên toàn cầu...

Từ khủng hoảng tài chính tiền tệ 2008-2009 tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự bùng nổ của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN đã quay trở lại Hà Nội với một hội nghị có sự tham dự của gần 1.000 đại biểu gồm các quan chức và doanh nghiệp của ASEAN, các nước ngoài khu vực để thảo luận về cơ hội hợp tác, bắt kịp với cuộc cách mạng số.

Việt Nam nay đã trở thành thành viên tích cực của WEF với việc đưa ra nhiều sáng kiến, tạo cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN với cộng đồng các tập đoàn hàng đầu thế giới. Vì thế, với gần 1.000 đại biểu tham dự hội nghị lần này, sự kỳ vọng về những cầu nối hợp tác lại một lần nữa được đặt ra nhất là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ.

Từ WEF Đông Á, WEF Mekong tới WEF ASEAN

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF được khởi động từ năm 1989, đúng vào thời điểm quá trình đổi mới kinh tế bắt đầu. Nhưng dấu mốc đánh dấu chặng đường tham gia của Việt Nam vào WEF là năm 2010 khi Việt Nam đăng cai tổ chức WEF về Đông Á tại Tp.HCM (tiền thân của WEF ASEAN).

Lúc đó, WEF Đông Á lần thứ 19 diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu rơi vào khủng khoảng năm 2008 và năm 2009, do đó tại hội nghị này, với chủ đề "Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu", Việt Nam đã tổ chức được 20 phiên họp chính thức, xoay quanh bốn trục nội dung chính là vai trò đang lên của châu Á; những rủi ro toàn cầu; lộ trình tăng trưởng xanh của châu Á; và năng lực cạnh tranh. Các thành viên tham dự hội nghị đã đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam đóng góp vào nỗ lực chung của quốc tế vượt qua khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009.

Qua hội nghị này, Việt Nam đã gây được dấu ấn mạnh mẽ đối với các lãnh đạo cấp cao và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế tham dự hội nghị, được ban lãnh đạo WEF đánh giá rất cao. Đồng thời, việc tổ chức thành công hội nghị WEF Đông Á 2010 đã góp phần quảng bá tốt cho Việt Nam nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới trong quá trình phục hồi, các nhà đầu tư đang tìm kiếm các thị trường ổn định và có khả năng ứng phó tốt với các cuộc khủng hoảng.

Đến năm 2016, WEF mới quay trở lại Việt Nam với hội nghị chuyên đề về khu vực Mekong tại Hà Nội nhằm quảng bá về hình ảnh một tiểu vùng sông Mekong năng động và nhiều tiềm năng tới các doanh nghiệp trên thế giới. Với 5 phiên họp tập trung và 200 đại biểu tham dự, WEF Mekong 2016 thành công khi đã mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy các tập đoàn hàng đầu tăng cường đầu tư vào khu vực này, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam vào phát triển và hội nhập trong khu vực Mekong.

Hiện nay, hợp tác giữa Việt Nam và WEF đã được chuyển sang giai đoạn mới với việc hai bên ký kết Thỏa thuận hợp tác về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại hội nghị WEF Davos, Thụy Sĩ, tháng 1/2017.

Đây chính là nền tảng, tiền đề cho "Hội nghị WEF ASEAN về Cách mạng Công nghiệp 4.0" sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 9 này. Sự kiện còn là một dấu mốc ghi nhận những đóng góp cụ thể nhất của Việt Nam với tư cách là một thành viên tích cực, chủ động của WEF kể từ sau lần đầu tiên Việt Nam ký Thỏa thuận hợp tác với WEF về phát triển phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Hội nghị Davos Thuỵ Sĩ năm 2017.

ASEAN, thị trường đủ lớn cho đổi mới, sáng tạo

Với gần 60 phiên thảo luận, tập trung vào 5 vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN quan tâm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 bao gồm: xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số; tìm kiếm động lực và các mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0; doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những sáng kiến của Việt Nam tại hội nghị lần này đã được các nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao.

Khi đánh giá về chủ đề của hội nghị lần này, ngài Tan Wei Ming, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh các nước ASEAN đang thúc đẩy hợp tác, đổi mới để thích ứng với những biến chuyển sâu sắc đang diễn ra trong khu vực và thế giới, chủ đề của hội thảo đáp ứng quan tâm chung của các nước ASEAN, trong đó có việc hợp tác trong vấn đề kinh tế số.

Dự báo của Tập đoàn Google và Quỹ Temasek cho thấy, với thị trường hơn 630 triệu người dân; trong đó, 260 triệu người đang thường xuyên truy cập Internet, nền kinh tế Internet của khu vực ASEAN dự kiến sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực. "Đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam", Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định.

Theo Thứ trưởng Sơn, Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ, do đó các quốc gia đang phát triển như các nước ASEAN có cơ hội phát triển nhanh, bền vững nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực...

Tuy vậy, bên cạnh cơ hội phát triển, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho các nước ASEAN ,theo đó một trong những thách thức lớn là chuyển dịch, thay thế lao động, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động do tác động của tự động hóa sâu rộng, tái cơ cấu ngành nghề và thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh.

"Thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo ở nhiều nước ASEAN. Chúng ta không thể chắc chắn rằng tình trạng thất nghiệp sẽ không xảy ra", ngài Dato Mohd Zamruni Khali, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam nhận định.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong khoảng 2 thập niên tới. Bên cạnh đó, những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, thanh toán thông minh, taxi Uber, Grab... đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý của các Chính phủ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Do đó, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam cho rằng, sự chuẩn bị của các nước ASEAN trước sự đổ bộ của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở thời điểm này là cần thiết.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Thừa nhận Cách mạng Công nghiệp 4.0 là một khái niệm khó để Chính phủ các nước có thể bắt kịp và có những phản ứng thích hợp, song theo ông Justin Wood, Giám đốc khu vực châu Á của WEF, Việt Nam đã có những hành động nhất định để thích ứng.

"Với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký kết thỏa thuận hợp tác với WEF nhằm giúp Việt Nam định hướng tốt hơn trong giai đoạn Cách mạng Công nghiệp 4.0, WEF đang tích cực làm việc với các bộ, ngành của Việt Nam để đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Đây là điều khó khăn nhưng tôi nghĩ Việt Nam đang đi từng bước chắc chắn", ông Justin nói.

Theo đó, WEF đã tích cực tư vấn giúp Việt Nam có chính sách thích hợp, tranh thủ được cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, vượt qua những thách thức đặt ra. Việt Nam đã tham gia sáng kiến "Tầm nhìn mới trong nông nghiệp" của WEF và từ năm 2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã tham gia Ban điều phối dự án "Tương lai của hệ thống sản xuất" của WEF và từ năm 2017 tham gia Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN (RSG).

Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác, các bộ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với WEF triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội số hóa, thương mại-đầu tư qua biên giới, cơ sở hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp và an ninh lương thực... WEF đều đưa rất nhiều chuyên gia quốc tế tới các sự kiện tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam kết nối với thế giới, có tiếng nói của mình và có cơ hội để tiếp cận với những ý tưởng mới hay tự đưa ra những ý tưởng mới của mình.

Cũng theo đại diện của WEF, Việt Nam hiện nay đang rất khởi sắc về phát triển kinh tế và nhận được sự quan tâm của các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trên toàn cầu, dù trước đó kinh tế có vẻ đi "chệch" đường ray.

Việt Nam là nền kinh tế rất nổi bật với dân số gần 100 triệu người với nhân khẩu học rất tích cực, đang ở trong giai đoạn dân số vàng, tầng lớp trung lưu phát triển rất nhanh. "Do đó, cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế số nói riêng cũng như các lĩnh vực khác nói chung là rất lớn", ông Justin nói.

Theo Anh Nhi

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên