Cách mạng thể chế cho phát triển đô thị thông minh
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, Bộ sẽ tập trung hoàn thành một số nội dung cơ bản để tạo cơ sở cho phát triển đô thị thông minh.
- 22-10-2020Động lực nào cho việc xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam?
- 22-10-2020Chủ tịch ADB kêu gọi các nước Đông Nam Á mở rộng đầu tư để thu hẹp khoảng cách số
- 22-10-2020Từ ngày 5/12, trốn thuế có thể bị phạt gấp 3 lần số tiền trốn
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn: về việc tổ chức triển khai, thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 950), ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính Phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án này.
Đây là văn kiện rất quan trọng, lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một hệ thống các quan điểm, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để định hướng quá trình phát triển đô thị thông minh của Việt Nam một cách toàn diện, bài bản, thống nhất, hiệu quả và có lộ trình cụ thể nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 6 đô thị đại diện cho 6 vùng kinh tế phê duyệt được đề án và triển khai xây dựng đô thị thông minh và đến năm 2030 hình thành được mạng lưới đô thị thông minh của Việt Nam.
Trong thời gian qua, các Bộ, ngành, các địa phương đã tích cực tổ chức tuyên truyền, thực hiện các công tác chuẩn bị, một số địa phương đã căn cứ vào Đề án để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các Đề án phát triển đô thị thông minh của địa phương mình.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thành một số nội dung cơ bản sau đây:
1) Tập trung xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển đô thị thông minh.
Hiện nay, vấn đề phát triển đô thị thông minh trong tổng thể chiến lược phát triển đô thị của Việt Nam đã được đề cập trong một số Văn Kiện của Đảng, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên chưa được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, thời gian tới cần phải có các quy định cụ thể về nội dung này trong các văn bản pháp luật sau:
- Luật về quản lý phát triển đô thị (Dự kiến trình Quốc hội Việt Nam thông qua vào năm 2022).
- Sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia liên quan.
- Bổ sung nội dung thẩm định, quy hoạch dự án, thiết kế kỹ thuật của các dự án xây dựng Khu đô thị (dự kiến hoàn thành trong năm 2021-2022)
Đồng thời với hoàn thiện thể chế, cần tập trung xây dựng các công cụ để đánh giá phát triển đô thị thông minh như:
- Khung đánh giá chung về phát triển đô thị thông minh cho các loại đô thị.
- Khung tham chiếu ICT.
- Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chuyên ngành về đô thị thông minh, các công trình xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên.
2) Xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển đô thị thông minh trong đó có chính sách về huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển đô thị thông minh.
Xác định rõ các nội dung nào được sử dụng ngân sách nhà nước (ngân sách của trung ương và địa phương), nội dung nào sử dụng nguồn lực của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp (dự kiến hoàn thành trong năm 2021).
3) Tập trung đào tạo cán bộ đầu mối của Đề án. Trong năm 2021 sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ đầu đầu mối của 50% các sở xây dựng, sở thông tin truyền thông và các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các đô thị trong cả nước về phát triển đô thị thông minh.
4) Xây dựng cơ chế điều phối phát triển đô thị thông minh
Đề án phát triển đô thị thông minh của Việt Nam đã được xây dựng với rất nhiều quan điểm, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp: thực hiện theo lộ trình dài, theo nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, kết hợp giữa nhà nước và khu vực tư nhân, làm từ trên xuống và từ dưới lên, với sự tham gia của rất nhiều chủ thể.
Trong Đề án cũng đã quy định nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành, các địa phương. Tuy nhiên thực tiễn triển khai Đề án trong 2 năm qua cho thấy để triển khai đề án bảo đảm sự thống nhất, bền vững, hiệu quả, tránh làm theo phong trào, tránh lãng phí và phân tán nguồn lực, tài nguyên như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần phải có một cơ chế điều phối thực hiện đề án phù hợp.
Trong năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập tổ chức điều phối thực hiện đề án.
5) Tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia ASEAN và các quốc gia đối tác của ASEAN về đô thị thông minh nhằm trao đổi, bổ sung, chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm và thực hiện các hoạt động chung trong khối ASEAN và các đối tác vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.
Vào tháng 7 vừa qua, với vai trò đại diện Việt Nam – quốc gia chủ tịch ASEAN năm 2020, Bộ Xây dựng đã cùng với Ban thư ký ASEAN đồng chủ trì Hội nghị Thường niên lần thứ 3 của Mạng lưới Đô thị Thông minh ASEAN 2020 tổ chức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Với chủ đề xuyên suốt cả năm cho các hoạt động đô thị thông minh là "Đô thị Thông minh – hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và Phát triển Bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng", Hội nghị đã quy tụ 26 đô thị thành viên trong mạng lưới đô thị thông minh ASCN và các đối tác nước ngoài cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và đã thống nhất thông qua các văn kiện:
(i) Khung giám sát và đánh giá mạng lưới đô thị thông minh ASEAN;
(ii) Khung quy định về sự hợp tác giữa mạng lưới đô thị thông minh ASEAN với các đối tác bên ngoài;
(iii) Văn bản xem xét mở rộng thành viên Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN. Đây là các văn kiện tiếp tục định hình các hoạt động phát triển đô thị thông minh trong toàn Mạng lưới hướng tới sự phát triển và thịnh vượng chung. Kết quả Hội nghị đã được tổng hợp báo cáo Hội nghị cấp cao ASEAN.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đối tác với các nước trong mạng lưới ASEAN và ngoài khối cũng như với các Bộ, ban ngành, cơ quan có liên quan, các cấp chính quyền địa phương để cùng nhau gia tăng những cơ hội phát triển, vì sự thịnh vượng chung hướng đến mục tiêu cốt lõi của phát triển đô thị thông minh là vì chất lượng cuộc sống, sự phát triển, tiến bộ con người và phát triển quốc gia bền vững.