MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách nào giải cứu ùn tắc tại nút giao Pháp Vân?

13-02-2017 - 14:57 PM | Bất động sản

Nút giao Pháp Vân là cửa ngõ quan trọng nhất phía Nam Hà Nội nhưng từ lâu trở thành “điểm nóng” của ùn tắc. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đề xuất để giải cứu nút giao này.

Ùn tắc và nhếch nhác

Chiều 11/2, có mặt tại nút giao Pháp Vân, dù là ngày cuối tuần nhưng PV vẫn chứng kiến tại đường dẫn từ đường cao tốc (hướng Hà Nam - Hà Nội) lên đường vành đai 3 trên cao thường xuyên bị ùn tắc. Các phương tiện lưu thông từ cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình khi đến đây bị dồn ứ lại.

Các nhánh khu vực nút giao không đáp ứng được nhu cầu thực tế của lưu lượng phương tiện, hai xe vượt nhau rất khó khăn vì mặt đường hẹp, bị lún võng, trượt trồi, lún đầu cầu. Hệ thống biển báo hiệu bị che lấp, khó quan sát. Anh Nguyễn Xuân Hoàng, lái xe chuyên chạy tuyến Nam Định - Hà Nội chia sẻ: “Vào các giờ cao điểm, đi qua nút giao này tôi thường xuyên gặp phải cảnh ùn tắc, nhất là vào dịp lễ, Tết. Ngay như mùng 4 Tết vừa qua, tôi đã phải “chôn chân” tại đây hàng tiếng đồng hồ”.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết: “Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được nâng cấp, mở rộng, hiện đang thi công giai đoạn 2 thành 6 làn xe cơ giới, dự kiến đầu năm 2018 đưa vào khai thác. Nếu không nhanh chóng cải tạo, tình trạng ùn tắc sẽ ngày càng trầm trọng hơn”.

Lý giải nguyên nhân ùn tắc, chuyên gia giao thông đô thị, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hiện có quá nhiều dòng phương tiện đổ về nút giao Pháp Vân trong khi không gian chật hẹp. Phương tiện từ các bến xe, khu đô thị Linh Đàm, đường Giải Phóng (QL1)... đổ về. Xe từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào trung tâm Hà Nội lại gặp dòng xe quá lớn ở đường Giải Phóng. Tất cả các yếu tố đó tạo ra sự giao cắt lớn giữa các phương tiện nên thường xuyên gây ra ùn tắc.

“Tại nút giao Pháp Vân còn xảy ra tình trạng “ùn tắc kép”. Đường vào khu đô thị Linh Đàm mỗi ngày có hàng chục đoàn tàu chạy qua gây ùn tắc, đến nút giao Pháp Vân lại tiếp tục ùn tắc.Do đó, việc tách các dòng xe, chia bớt dòng xe đến các tuyến đường khác là điều rất cần thiết”, TS. Thủy phân tích.


Phương tiện từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ về 2 bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát và nội đô đều hướng vào nút giao Pháp Vân - Ảnh: Khánh Linh

Phương tiện từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ về 2 bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát và nội đô đều hướng vào nút giao Pháp Vân - Ảnh: Khánh Linh

Nhiều giải pháp được đề xuất

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, trên cơ sở đề xuất của Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), Tổng cục Đường bộ VN đã đề xuất với Bộ GTVT hai nhóm giải pháp chính để giải quyết ùn tắc tại nút giao Pháp Vân. Nhóm giải pháp thứ nhất: Bổ sung nhánh rẽ từ đường nhánh của nút giao hình kèn Trumpet kết nối nhánh nối từ hướng cầu Thanh Trì vào nội đô để vào đường Giải Phóng.

Bổ sung đường nhánh quay đầu dưới gầm cầu cạn vành đai 3 để giảm luồng xe rẽ trái trực tiếp tại vị trí nút giao vành đai 3 đi thấp (nút giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường vành đai 3) về trung tâm thành phố. Bổ sung làn rẽ phải vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để giảm ùn tắc tại vị trí lối vào đường cao tốc của nút giao vành đai 3 đi thấp. Cải tạo vị trí điểm kết nối từ đường vành đai 3 đi thấp vào đường Giải Phóng để thuận lợi cho làn rẽ phải vào trung tâm thành phố.

Cải tạo nhánh rẽ phải từ đầu đường Trần Thủ Độ (đi dưới nhánh rẽ cầu dẫn từ đường trên cao xuống) nhập cùng lối vào của nhánh rẽ để vào đường cao tốc. Sửa chữa hiện trạng đường đầu cầu bị lún, hư hỏng mặt đường tại nút giao Pháp Vân. Kinh phí đầu tư, dự kiến cho nhóm giải pháp cải tạo nút giao Pháp Vân là trên 423 tỷ đồng.

"Trước đây, đơn vị đã đề xuất giải pháp làm cầu vượt ở khu vực nút giao Thường Tín đi Văn Điển để sang đường 70 nhằm hạn chế phương tiện đi từ hướng Cầu Giẽ về Pháp Vân phải đi xuyên qua gầm cầu vành đai 3 rồi mới vòng ra đường Giải Phóng dễ gây tắc đường.

Để giải quyết đồng bộ, chúng tôi còn đưa ra giải pháp làm hai đường gom nối thông qua đường sắt để nối thẳng vào bán đảo Linh Đàm nhằm kết nối các đường gom ở đường vành đai 3. Trong khu vực bán đảo Linh Đàm sẽ làm hai cầu cạn đi thấp để nối sang đường Nguyễn Hữu Thọ. Thế nhưng, các giải pháp này đều không được TP Hà Nội chấp thuận với lý do các đường trong khu vực bán đảo Linh Đàm hồi đó không có quy hoạch”.

Ông Phạm Thanh Bình Phó tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long

“Với giải pháp này, sau khi cải tạo sẽ cải thiện đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các vị trí của khu vực nút giao Pháp Vân và tạo mỹ quan đô thị của cửa ngõ Thủ đô. Nguồn vốn thực hiện, xem xét sử dụng vốn dư của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo hình thức BOT”, ông Huyện cho biết.

Nhóm giải pháp thứ 2: Phân luồng từ xa với 3 hạng mục đầu tư xây dựng gồm bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (vành đai 2,5). Đầu tư xây dựng tuyến đường LK 49 nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp với đường vành đai 2,5 tại vị trí nút giao Tân Mai, để kết nối ra đường đường Giải Phóng tại nút giao Kim Đồng. Kinh phí đầu tư dự kiến trên 1.900 tỷ đồng (trong đó kinh phí GPMB khoảng trên 1.000 tỷ đồng).

Hạng mục thứ 2 là bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Giải Phóng bằng cách đầu tư xây dựng hoàn thiện tuyến đường khu vực nối từ khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai) ra đường Giải Phóng với kinh phí dự kiến trên 421 tỷ đồng (trong đó kinh phí GPMB khoảng 327 tỷ đồng).

Hạng mục thứ 3 là bổ sung điểm kết nối vào đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bằng cách xây dựng 1 vị trí nhập vào đường cao tốc bằng cách cải tạo đoạn đường nối QL1 (đường Ngọc Hồi) từ vị trí sau cầu Văn Điển vào đường cao tốc (đoạn đường dọc sông Tô Lịch). Kinh phí đầu tư dự kiến 26,7 tỷ đồng (trong đó kinh phí GPMB khoảng 5,5 tỷ đồng). Trong 3 hạng mục trên, theo ông Huyện, Tổng cục Đường bộ đánh giá hạng mục bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (vành đai 2,5) là phương án, giải pháp hiệu quả nhất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Thắng, Phó tổng giám đốc TEDI cho biết: “Phương án được TEDI nghiên cứu là bổ sung đường kết nối từ nút giao vành đai 3 đi thấp ra đường Tân Mai (vành đai 2,5) với kinh phí đầu tư dự kiến 1.954 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng gần 1.074 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, để giảm tình trạng ùn tắc, nếu tiến hành cải tạo nút giao Pháp Vân sẽ khó giải quyết triệt để, bởi công địa chật hẹp và lượng xe đổ dồn về khu vực này rất lớn. Trên cơ sở đó, ông Khôi đề xuất phương án phân luồng từ xa, tiến hành xây dựng nút giao tại Km 184+200, cách nút giao Pháp Vân khoảng 1,9km về hướng Cầu Giẽ.

“Theo tính toán, tổng mức đầu tư theo phương án này khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó, chi phí GPMB sẽ tiết giảm lớn, chỉ khoảng 300 - 400 tỷ đồng do khu vực xây dựng chủ yếu là đất ruộng. Triển khai theo phương án này, thời gian xây dựng khoảng 1,5 năm sẽ hoàn thành. Về nguồn vốn, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Bộ GTVT có thể dùng nguồn vốn tiết giảm của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ để triển khai các hạng mục này”, ông Khôi đề xuất.

Theo Trần Duy - Đình Quang

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên