MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách nào tránh mua nhầm nhà đất "ma"?

16-07-2019 - 09:29 AM | Bất động sản

Hàng loạt vụ mua nhầm dự án "ma" bị vỡ lở thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có nhu cầu mua nhà, đất để ở hoặc đầu tư nhưng thiếu thông tin hoặc chỉ nghe lời người quen, cò đất chiêu dụ. Dưới đây là khuyến cáo của các chuyên gia.

Ông TRẦN KHÁNH QUANG, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt An Hòa:

Nhà nước cần công khai quy hoạch

Vài năm trước, khi thị trường bất động sản phát triển nóng, nhiều doanh nghiệp lợi dụng phân lô bán nền mập mờ, để lừa đảo. Để khắc phục tình trạng này, nhà nước cần công khai, minh bạch quy hoạch, dự án; dùng công cụ số hóa, đưa bản đồ lên các trang hay ứng dụng điện thoại để người dân tìm hiểu. Đồng thời, cần đơn giản thủ tục pháp lý về phân lô bán nền để dân nắm thông tin và cần tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh để người mua dễ hiểu.

Quan trọng cuối cùng là thái độ của người mua. Chúng ta không nên dễ dàng bỏ tiền vào nơi mà chúng ta không hiểu rõ. Ít nhất khách hàng phải tìm hiểu ở chính quyền địa phương, nhờ luật sư tư vấn. Hoặc nhà nước quy định hẳn việc chủ đầu tư muốn bán một dự án ra thị trường phải có văn phòng luật sư chịu trách nhiệm tư vấn pháp lý cho người mua.

LS TRẦN ĐÌNH DŨNG, Hội Luật gia Việt Nam:

Tìm hiểu kỹ pháp lý

Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát dự án trên địa bàn, có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người mua xem dự án đã đủ hồ sơ pháp lý, đủ điều kiện để bán sản phẩm hay chưa. Vì vậy, để bắt đầu tìm hiểu thông tin dự án, người mua thay vì chỉ nghe theo môi giới thì hãy đến chính quyền địa phương, phường, xã và huyện, tỉnh để xem thông tin quy hoạch dự án. Phải hỏi chủ đầu tư, môi giới xem hồ sơ pháp lý đã duyệt chủ trương chưa, dự án triển khai đến đâu, chủ đầu tư thực sự là ai, đơn vị nào có quyền được môi giới và đơn vị nào sẽ nhận tiền của khách, tỉ lệ bao nhiêu…

Thông thường, một dự án đất nền muốn bán ra thị trường phải bảo đảm các điều kiện như: Đã có quy hoạch 1/500; có giấy phép xây dựng cơ sở hạ tầng; tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng như đường, cầu cống, điện… Đặc biệt, phải có biên lai đóng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, một số trường hợp doanh nghiệp cũng có thể huy động 20% tổng số sản phẩm thương phẩm có thể bán ra thị trường khi đang triển khai hạ tầng. Chính vì vậy, khi mua dự án, khách hàng ít nhất phải đòi hỏi các yếu tố pháp lý trên thì mới đặt tiền cọc, nếu không rất dễ bị "tiền mất tật mang".

Theo Sơn Nhung ghi

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên