MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách trả lời 3 câu hỏi tuyển dụng cơ bản: Giới thiệu bản thân? Điểm mạnh, điểm yếu? Bạn muốn hỏi gì thêm không?

08-03-2021 - 09:11 AM | Sống

Cách trả lời 3 câu hỏi tuyển dụng cơ bản: Giới thiệu bản thân? Điểm mạnh, điểm yếu? Bạn muốn hỏi gì thêm không?

Không phải phỏng vấn cứ trả lời là xong, mà bạn còn cần biết cách trả lời như thế nào để gây được ấn tượng giữa dàn đối thủ tiềm năng khác.

Phỏng vấn xin việc được coi là cánh cửa gần như quan trọng nhất của mỗi người để có thể bước chân vào mỗi trường làm việc mà mình mong ước. Tuy nhiên, làm thế nào để chuẩn bị thật tốt, nên trả lời phỏng vấn thế nào để nổi bật thì chưa chắc ai cũng biết.

Đôi khi, bạn sẽ nghĩ các câu hỏi phỏng vấn thông thường như giới thiệu bản thân, học vấn,... thì chỉ cần trả lời theo một cách bình thường. Nhưng không, với nhiều nhà tuyển dụng chính những câu hỏi đó lại mang tính quyết định ấn tượng của họ về bạn đấy. Hãy tham khảo các chiến thuật trả lời phỏng vấn dưới đây để không lỡ mất cơ hội tiến gần với công việc mơ ước nhé!

1. Hãy giới thiệu bản thân bạn?

Nghe câu hỏi này, bên cạnh việc trả lời các thông tin cơ bản như họ tên thì chúng ta thường có xu hướng liệt kê những nơi mình đã làm, tất cả những công ty, công việc từng làm qua. Cách trả lời này sẽ dễ khiến bạn mất đi ấn tượng đầu với nhà tuyển dụng. 

Cách trả lời 3 câu hỏi tuyển dụng cơ bản: Giới thiệu bản thân? Điểm mạnh, điểm yếu? Bạn muốn hỏi gì thêm không? - Ảnh 1.

Bạn hãy giới thiệu bản thân theo thứ tự thời gian, từ đại học đến công việc gần đây nhất, nhưng hãy chọn những công việc nổi bật nhất và liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Thêm vào đó, hãy căn chỉnh thời gian thật hợp lí, không nên quá dài dòng, thời gian dành cho câu hỏi này hoàn hảo là 2 đến 3 phút. 

2. Điểm mạnh, điểm yếu của bạn là gì?

Đừng nên liệt kê ra bất kỳ điểm mạnh nào bạn có như: Hoạt bát, năng động hay điểm mạnh tương tự. Thay vào đó, hãy chọn ra những điểm mạnh phù hợp với công việc, cho thấy rằng bạn được việc và được lòng trong công việc. Hãy chuẩn bị sẵn 3 điểm mạnh chứng tỏ bạn được việc: Có kỹ năng cứng, biết sử dụng thành thạo các phần mềm cần thiết cho công việc (Photoshop, Adobe Premiere, Drive, Python,...).

Dành 1 điểm mạnh còn lại cho việc được lòng trong công việc: Linh hoạt trong công việc, có tố chất lãnh đạo, team work,...Và đừng quên sau mỗi điểm mạnh là 1 ví dụ ngắn để chứng minh điều đó. 

Với điểm yếu, hãy khéo léo đưa ra những điểm yếu mà bạn đã và đang cải thiện nó, cải thiện ra sao. Sau mỗi điểm yếu hãy lấy 1 ví dụ, giải thích nó và nói cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn khắc phục nó như thế nào. 

3. Bạn có muốn hỏi gì không?

Cách trả lời 3 câu hỏi tuyển dụng cơ bản: Giới thiệu bản thân? Điểm mạnh, điểm yếu? Bạn muốn hỏi gì thêm không? - Ảnh 2.

Đây là cái hố mà các nhà tuyển dụng tạo ra để thử thách ứng viên mà những ai chưa có kinh nghiệm sẽ sập bẫy. Nhiều ứng viên sẽ lựa chọn phương án không hỏi gì, chính điều này dễ khiến đánh giá cuối trong buổi phỏng vấn của bạn không tốt. 

Hãy đưa ra câu hỏi để tiếp tục chứng minh được tố chất của bạn, cho thấy bạn phù hợp với công việc "Những nhân viên tốt trong công ty này có những đặc tính gì?". Hoặc hãy hỏi vài câu hỏi khơi gợi cảm xúc tích cực của người phỏng vấn về bạn "Điều gì đã khiến anh/chị gắn bó với công việc này trong nhiều năm liền?", "Em được biết công ty vừa nhận được giải thưởng, anh/chị có thể nói thêm cho em về những việc công ty đã làm để đạt được điều đó?" 

Nguồn: Le Minh Dao

Theo Thu Vân

Trí thức trẻ

Trở lên trên