Cách Trung Quốc 'hồi sinh' thị trường bất động sản 2,4 nghìn tỷ USD: Cắt giảm lãi suất, dừng thí điểm thuế tài sản, cho phép nhà đông con mua thêm căn hộ mới
Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản.
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản trong bối cảnh người dân và phần lớn các doanh nghiệp đều đang mất niềm tin sau các đợt phong tỏa nghiêm ngặt. Từ thúc giục ngân hàng cho vay đến giảm chi phí thế chấp và nới lỏng một phần các quy định về sở hữu bất động sản, một loạt các biện pháp đang được đưa ra như một cách để vực dậy thị trường bất động sản nguy cơ vỡ nợ chéo sau khủng hoảng Evergrande.
Hồi năm ngoái, doanh số bán nhà mới hàng năm tại Trung Quốc ghi nhận con số kỷ lục 16,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,4 nghìn tỷ USD), song tốc độ tăng trưởng lại chậm nhất kể từ năm 2014. Giá nhà sau đó giảm dần kể từ tháng 9/2021 - một động lực giúp các gia đình lao động trung lưu Trung Quốc tích góp thêm nhiều của cải.
Theo báo cáo mới đây được tờ China Daily dẫn lại, giá nhà Trung Quốc, bao gồm cả nhà mới và nhà đã qua sử dụng tại 70 thành phố đã tăng trưởng ổn định trong tháng 3/2022. Đây được cho là xu hướng tất yếu, sau khi Trung Quốc áp dụng một loạt chính sách để ổn định thị trường bất động sản.
Hồi năm ngoái, doanh số bán nhà mới hàng năm tại Trung Quốc ghi nhận con số kỷ lục 16,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,4 nghìn tỷ USD), song tốc độ tăng trưởng lại chậm nhất kể từ năm 2014
THÚC ĐẨY TÍN DỤNG
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang cùng một số các quan chức khác đã gặp mặt 24 tổ chức tài chính lớn. Cuộc trao đổi xoay quanh việc kêu gọi các ngân hàng đẩy nhanh việc phân phối các khoản vay được phê duyệt, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định của hoạt động tín dụng.
Nỗ lực này được cho là đã hái được chút “quả ngọt” khi sang đến đầu năm nay, thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng ổn định trở lại sau thời gian dài giảm tốc bất thường vì chính phủ cắt giảm chính sách hỗ trợ. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), giá nhà mới tại 4 thành phố hạng nhất tại Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu trong tháng 2/2022 tăng 0,5% so với tháng trước đó.
Ngoài ra, các ngân hàng Trung Quốc cũng dần cắt giảm lãi suất cho các khoản vay dài hạn nhằm giảm chi phí thế chấp và thúc đẩy nhu cầu đi vay của người dân. Theo thông báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), các khoản vay tài trợ cho nhiều dự án nhà ở giá rẻ sẽ dần được tiếp cận linh hoạt hơn từ ngày 8/2. Quyết định trên được đưa ra sau khi các ngân hàng được khuyến khích cho vay nhiều hơn và tăng tốc độ phê duyệt các khoản thế chấp để xoa dịu hệ lụy từ khủng hoảng Evergrande.
Các ngân hàng Trung Quốc cũng dần cắt giảm lãi suất cho các khoản vay dài hạn nhằm giảm chi phí thế chấp và thúc đẩy nhu cầu đi vay của người dân
Những người dân mua nhà lần đầu cũng được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất xuống còn 4,4%, giảm 0,2% so với trước đó.
ƯU ĐÃI CHO CÁC GIA ĐÌNH ĐÔNG CON
Trong bối cảnh giới chức địa phương nỗ lực vực dậy thị trường nhà ở và tăng tỷ lệ sinh, các thành phố lớn tại Trung Quốc đang tạo điều kiện cho những gia đình đông con sở hữu nhiều bất động sản hơn. Trong đó, Hàng Châu, thành phố đặt trụ sở của gã khổng lồ công nghệ Alibaba cho biết, các gia đình 3 con sẽ được phép mua thêm 1 căn hộ để đảm bảo ổn định cuộc sống ổn định sau này. Ngoài ra, những gia đình này khi đăng ký mua nhà ở thương mại mới sẽ được hưởng quyền ưu tiên như những “gia đình chưa có nhà”.
Thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc cũng tuyên bố bắt đầu từ ngày 11/5, các gia đình có hộ khẩu ở Nam Kinh sinh từ 2 con trở lên có thể mua thêm 1 căn hộ thương mại mới, đồng thời hưởng mức lãi suất cho vay ưu đãi nhất từ trước tới nay.
Theo các chuyên gia, đây được coi là một trong những thay đổi quan trọng trong chính sách của giới chức địa phương nhằm vừa nới lỏng chính sách hạn chế mua nhà, vừa khuyến khích các hộ dân sinh thêm con, qua đó phục hồi thị trường nhà ở vốn đang ì trệ.
Trung Quốc cho phép nhà đông con mua thêm căn hộ mới
Được biết đã có ít nhất 13 thành phố đề cập đến nhu cầu nhà ở của các hộ gia đình đông con trong chính sách bất động sản của mình.
CHÍNH SÁCH ‘NHÀ LÀ ĐỂ Ở, KHÔNG ĐỂ ĐẦU CƠ’
Trong một cuộc họp được tổ chức vào tháng 4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc cùng nhấn mạnh việc duy trì chủ trương "nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ’’.
Cả 2 cơ quan cùng nhất trí, rằng chính sách tín dụng nhà ở nên được linh hoạt áp dụng sao cho phù hợp với từng thành phố khác nhau để đáp ứng tốt hơn nhu cầu về nhà ở của người dân.
Để đạt được mục tiêu trên, giới chức địa phương cần một hệ thống quản lý thận trọng. Rủi ro giữa các dự án và doanh nghiệp cũng nên được tách biệt, trong khi hoạt động tài trợ bất động sản duy trì ổn định và có trật tự. Các cải cách thuế tài sản nhằm tránh tình trạng đầu cơ và thúc đẩy mục tiêu "chi tiêu nhà ở hợp lý’’ cũng được áp dụng triệt để.
"Cuộc họp đáp ứng các nhu cầu cơ bản của ngành bất động sản trong một nền kinh tế thực. Toàn ngành phải duy trì chu kỳ ổn định và có đạo đức", Chen Sheng, Chủ tịch Học viện Dữ liệu Bất động sản Trung Quốc cho biết.
Trung Quốc chủ trương chính sách "Nhà là để ở, không phải để đầu cơ''
Mới đây nhất, các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cũng cam kết tăng cường kích thích kinh tế sau đợt bùng phát dịch COVID-19, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng một cách toàn diện, đồng thời hỗ trợ tối đa thị trường nhà ở. Hoạt động giám sát đối với thu nhập các chủ đầu tư sau khi bán dự án cũng được chính phủ thắt chặt để hạn chế đầu cơ.
NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH MUA NHÀ
Hôm 15/5 vừa qua, Trung Quốc cho phép cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp đối với một số đối tượng mua nhà để hỗ trợ đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
Theo đó, đối với các giao dịch mua căn nhà đầu tiên, các ngân hàng thương mại có thể giảm giới hạn lãi suất cho các khoản vay mua nhà khoảng 20 điểm dựa trên kỳ hạn tương ứng của lãi suất cho vay cơ bản (LPR).
Trước đó, hồi tháng 4, PBOC quyết định giữ nguyên lãi suất LPR kỳ hạn một năm ở mức 3,7% và LPR kỳ hạn 5 năm ở mức 4,6%. Đây được coi là những chỉ số tiêu chuẩn cho các khoản vay thế chấp.
Động thái trên được đưa ra sau số liệu công bố cho thấy các khoản vay ngân hàng mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm vào tháng 4/2022. Chính vì vậy, để giải phóng vốn cho hoạt động tín dụng, PBOC tuyên bố giảm lượng dự trữ tiền mặt bắt buộc đối với các ngân hàng, dù điều này đôi khi đẩy họ vào rủi ro, nhất là trong giai đoạn phong tỏa.
Trung Quốc cho phép cắt giảm lãi suất cho vay thế chấp đối với một số đối tượng mua nhà để hỗ trợ đà tăng trưởng cho nền kinh tế
Ngoài ra, theo tờ Bloomberg, Trung Quốc trong năm nay sẽ không mở rộng thí điểm thuế tài sản. Nước này, sau khi tiến hành nghiên cứu và điều tra sơ bộ, đã kết luận đa số các thành phố vẫn thiếu nhiều điều kiện cần thiết để mở rộng chương trình thí điểm.
Theo: Bloomberg, Reuters
Nhịp sống kinh tế