Cách xử lý của Gen Z khi sếp giao việc còn bạn muốn từ chối?
Tiền bạc không còn là mục đích làm việc cao nhất của gen Z. Thế hệ người lao động này sẵn sàng từ chối làm thêm giờ, không chấp nhận những chỉ đạo vô lý từ cấp trên và từ bỏ những nhà quản lý hứa suông.
- 02-10-2022Gen Y và Gen Z ‘khẩu chiến’ trên show việc làm: Người cho rằng đi làm phải biết chấp nhận, Tiktoker 50 nghìn follow phản pháo đi làm là phải vui
- 29-09-2022Vì sao Gen Z quan tâm đến đầu tư tài chính từ rất sớm?
- 22-09-2022Gen Z không muốn sống riêng vì giá thuê nhà tăng nhanh hơn lương
- 06-09-2022Khi Gen Z đi thuê nguyên căn hộ: “Mỗi lần nản mà nghĩ đến tiền nhà là tỉnh liền”
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi bởi sếp thường xuyên đưa ra yêu cầu làm việc vô lý, ngó lơ những nhiệm vụ dở dang hoặc thời gian biểu của nhân viên.
Nếu rơi vào tình huống như vậy, chắc có lẽ thế hệ Millennials sẽ cố gắng chấp nhận dù lòng không vui nhưng với Gen Z thì hoàn toàn ngược lại. Họ sẽ bày tỏ rõ ràng nguyện vọng cùng giới hạn làm việc của bản thân để tránh kiệt sức và sự thiệt thòi không đáng có.
Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn từ chối công việc từ sếp một cách khéo léo mà không bị xem là thô lỗ hoặc thiếu chuyên nghiệp.
Bạn không có lỗi
Trước tiên, để học được cách từ chối khéo léo, bạn hãy ngưng ngay việc cảm thấy áy náy khi không giúp được cấp trên nếu như việc đó vượt ngoài tầm kiểm soát và trách nhiệm của bạn. Vì điều quan trọng, là nhiệm vụ và công việc hiện tại của bạn nhất định phải hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng. Nếu ngay bản thân mình còn chưa thực hiện tốt, bạn làm sao giúp được người khác.
Cân nhắc trước khi quyết định
John Bowe, chuyên gia về kỹ năng giao tiếp khuyên rằng bạn nên cân nhắc kỹ càng trước khi mở lời nói về bất cứ điều gì.
Chẳng hạn, khi sếp muốn bạn xử lý một dự án vào phút chót trước hạn nộp, bạn hãy thử hỏi bản thân rằng điều này có thường xuyên xảy ra không?
Trả lời được thắc mắc này, bạn sẽ biết được sếp có đang thực sự muốn giải quyết vấn đề cấp bách hay chỉ đang muốn gây khó dễ cho bạn.
Dù là trường hợp nào, bạn cũng nên tạm gác cảm xúc qua một bên, khoan hãy gật đầu đồng ý hay thẳng thắn từ chối sếp. Hãy cho mình thêm thời gian để suy xét lại khả năng, điều kiện và khối lượng công việc rồi hẵng đưa ra quyết định.
Ưu tiên nhiệm vụ quan trọng
Khối lượng việc làm hiện tại đã quá tải, bạn không thể tiếp nhận thêm việc mới. Lúc này, bạn cần làm rõ với sếp công việc nào nên hoàn thành trước.
Bạn hoàn toàn có thể đề nghị sếp giảm bớt một số đầu việc hoặc đề xuất thêm sự tham gia của đồng nghiệp khác.
Bạn nên tránh thể hiện sự thiếu kiên nhẫn hay căng thẳng khi thương lượng với sếp. Bạn đang giúp họ chọn ra phương án giải quyết hiệu quả nhất chứ không phải đang phân bua và tỏ thái độ với họ.
Đề xuất giải pháp thay thế
Trong trường hợp yêu cầu của sếp hợp lý nhưng thời gian biểu của bạn không cho phép, hãy cứ mạnh dạn trình bày với họ.
Sau khi thẳng thắn giải thích nguyên nhân từ chối, bạn nên cố gắng suy nghĩ và đóng góp những phương án xử lý khác. Ví dụ, bạn có thể kiến nghị giúp sếp hoàn thành công việc trong hôm nay nhưng mai sẽ được thêm thời gian nghỉ ngơi.
Thẳng thắn
Nếu ý kiến của mình hợp lý, bạn cần tiếp tục giữ vững quan điểm của mình. Tuy nhiên, hãy lịch sự và tránh giải thích dông dài, cần thẳng thắn từ chối nếu bạn không đảm đương được thêm công việc.
Ban đầu, lời từ chối sẽ mang lại cho đối phương cảm giác không mấy dễ chịu. Nhưng khôn khéo trong cách giao tiếp sẽ giúp bạn nhận về lợi ích lâu dài.
Điển hình, nó đặt ra được giới hạn công việc rõ ràng, giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột, đồng thời xây dựng nên một mối quan hệ tôn trọng giữa đôi bên.
Sẵn sàng nhận việc
Cuối cùng, quyết định tiếp nhận công việc sếp đưa thêm hay không nằm ở chính bản thân bạn.
Nếu bạn mong muốn mua được xe hơi hoặc gửi tiền về cho gia đình, có lẽ chấp nhận làm thêm giờ là một ý tưởng không tệ. Tuy vậy, bạn cần làm rõ với sếp về các chế độ thù lao bổ sung kèm theo, tránh làm việc không công.
Nguồn: CNBC Make It
Phụ nữ Việt Nam