[Cafe cuối tuần] Mô hình quản trị doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhìn từ vụ việc FLC
Sự thay đổi bộ máy quản trị và cơ cấu cổ đông của FLC sau khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt là chuyện khó tránh khỏi đối với doanh nghiệp này. Song, sự kiện này còn phản ánh một vấn đề trầm kha khác của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay.
- 25-08-2022Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc lừa đảo 6.400 tỷ bằng chiêu tăng vốn điều lệ khống
- 04-06-2022Trịnh Văn Quyết thao túng giá 6 mã chứng khoán FLC, thu lợi bất chính 975 tỷ đồng
- 06-04-2022Tập đoàn FLC hoàn tất huy động 1.150 tỷ đồng trái phiếu trước khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt
Cụ thể là, ở mọi mô hình tổ chức, đó là sự lệ thuộc quá nhiều của doanh nghiệp vào một cá nhân mà khi sự ra đi bất ngờ của cá nhân đó có thể khiến doanh nghiệp bên bờ vực sụp đổ.
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, một doanh nghiệp đa ngành nghề được sáng lập và điều hành bởi Luật sư Trịnh Văn Quyết. Chỉ trong khoảng thời gian 15 năm, 2007-2022, FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã tạo lập được vị thế khá vững vàng trong hệ thống các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện tại, với các mảng đầu tư chính là bất động sản, sân gofl và cả dịch vụ hàng không.
Sau khi Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt, có thể nhìn thấy sự khác biệt rất lớn giữa FLC thời ông Trịnh Văn Quyết và FLC thời hậu Trịnh Văn Quyết thông qua giá cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán.
Quá trình phát triển của FLC gắn liền với vai trò của ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết vừa là cổ đông sáng lập, nhà đầu tư sở hữu phần lớn cổ phần của FLC và các công ty con, công ty liên kết trong hệ sinh thái FLC, đồng thời cũng là kiến trúc sư của toàn bộ hệ sinh thái FLC.
Với sự lớn mạnh của tập đoàn kinh tế tư nhân này, nhất là khi công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, bộ máy quản trị cũng được xây dựng để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành một tập đoàn kinh tế với số vốn hóa cả chục nghìn tỷ đồng, nhiều lĩnh vực đầu tư và sử dụng hàng nghìn lao động.
Tuy nhiên, có thể thấy, vai trò của cá nhân ông Trịnh Văn Quyết đối với FLC là rất rõ ràng, nó làm lu mờ cả vai trò của ban điều hành hay hoạt động của HĐQT Công ty trong mắt công chúng. Sự chi phối của cá nhân ông Trịnh Văn Quyết không đơn giản chỉ là chi phối về vốn mà các chiến lược kinh doanh, định hướng phát triển của tập đoàn này đều mang dấu ấn Trịnh Văn Quyết.
Vì vậy, khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, hành vi mang tính chất cá nhân của ông Quyết và không liên quan đến hoạt động của FLC thì ngay lập tức, hệ lụy của việc tập đoàn kinh tế tư nhân này phụ thuộc vào cá nhân ông Quyết đã thấy rất rõ. Có thể nhìn thấy sự khác biệt rất lớn giữa FLC thời ông Trịnh Văn Quyết và FLC thời hậu Trịnh Văn Quyết thông qua giá cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán.
Mặc dù giá cổ phiếu không phản ánh nhiều mối quan hệ giữa cá nhân ông Quyết với doanh nghiệp do ông sáng lập, song sự sụt giám thê thảm giá cổ phiều hiện nay so với đầu năm 2022 cũng cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu này cũng như sức khỏe tài chính của FLC trong thời gian mà FLC phải tái cơ cấu toàn bộ tổ chức và hoạt động của mình sau sự ra đi của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết. Nói cách khác, nhìn trong ngắn hạn thì sự thay đổi nhân sự chủ chốt của FLC gần như đồng nghĩa với sự sụp đổ về giá cổ phiếu và những khủng hoảng trong hoạt động của doanh nghiệp này.
Điều đáng nói, FLC không phải là trường hợp duy nhất hay đầu tiên phản ánh hiện tượng này. Trước FLC và Trịnh Văn Quyết, thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư Việt Nam đã chứng kiến sự ra đi của các doanh nghiệp được thành lập và lãnh đạo bởi ông Hà Văn Thắm.
Cũng giống như ông Trịnh Văn Quyết, ông Hà Văn Thắm khởi nghiệp bằng doanh nghiệp sản xuất rồi tham gia thị trường chứng khoán với vai trò là một nhà đầu tư thường xuyên nằm trong top 30 rồi top 10 doanh nhân có giá trị tài sản lớn nhất trên thị trường chứng khoán.
Các công ty do ông Hà Văn Thắm sáng lập và điều hành cũng là các doanh nghiệp do ông Hà Văn Thắm chi phối về vốn và quản trị. Đường lối phát triển, chiến lược kinh doanh hay hoạt động quản trị của các doanh nghiệp này do ông Hà Văn Thắm quyết định. Sau khi tham gia hoạt động ngân hàng với vai trò Chủ tịch Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank), ông Hà Văn Thắm đã dính vào các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến bị kết án. Sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, hệ sinh thái của ông Hà Văn Thắm cũng từng bước đổi chủ và dần dần không còn chỗ đứng trên thị trường như thời ông Hà Văn Thắm điều hành.
Những doanh nghiệp được kiến trúc và điều hành giống như mô hình doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết và ông Hà Văn Thắm, đáng tiếc lại đang rất phổ biến hiện nay. Nhìn vào các tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam hiện nay, có một quy luật khá phổ biến trong quản trị, điều hành các công ty đó là quy luật chi phối của các cổ đông có quan hệ gia đình. Các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng hầu hết do các đại gia làm chủ và hoạt động theo sự chi phối của các đại gia.
Theo một luật sư chuyên tư vấn trong lĩnh vực doanh nghiệp, cấu trúc vốn của các công ty cổ phần hay công ty TNHH hiện nay được ưa thích là cấu trúc 65/35, trong đó các đại gia thường nắm trên 65% vốn điều lệ. Số vốn này có thể được phân chia cho các cá nhân có quan hệ gia đình đại diện sở hữu, tạo ra nhóm cổ đông đủ khả năng chi phối hoạt động của Công ty. Do vậy, quyền lực quản trị, điều hành Công ty sẽ tập trung vào tay người có khả năng kiểm soát toàn bộ số vốn đã được chia cho người thân trong gia đình đứng tên.
Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp trong hệ thống kinh tế tư nhân, kể cả các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, thực chất cũng là các doanh nghiệp mang tính chất gia đình và được chi phối bởi một cá nhân có vai trò dẫn dắt, giống như vai trò của ông Trịnh Văn Quyết hay ông Hà Văn Thắm.
Mô hình sở hữu và quản trị của các doanh nghiệp nêu trên, về mặt tích cực thì có thể chưa nói hết. Song, việc cơ cấu sở hữu và quản trị doanh nghiệp theo mô hình công ty gia đình và mô hình "một ông chủ", mô hình tập quyền đã để lại nhiều rủi ro cho chính các doanh nghiệp này, nhất là rủi ro pháp lý đối với người đứng đầu doanh nghiệp, giống như trường hợp của ông Hà Văn Thắm và ông Trịnh Văn Quyết.
Nếu nhìn rộng hơn, mô hình doanh nghiệp do các gia đình chi phối không phải chỉ có riêng ở Việt Nam mà ngay ở các nước phát triển cũng tồn tại các doanh nghiệp kiểu này. Song, sự khác biệt ở chỗ, chiến lược phát triển nhân sự và cơ cấu quyền lực của doanh nghiệp không tập trung vào một cá nhân. Do đó, các cá nhân có vai trò quan trọng trong công ty, nếu có gặp rủi ro pháp lý (bị bắt giam) hay đơn giản chỉ là một cái chết tự nhiên thì doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, bởi bộ máy quản trị, điều hành các doanh nghiệp đó không dựa trên vai trò quá lớn của một cá nhân. Điều này có thể nhìn thấy ở trường hợp Công ty Sam Sung (Hàn Quốc) khi xảy ra cả sự kiện Chủ tịch Tập đoàn này chết và người thừa kế bị bắt giam.
Trong giai đoạn hiện nay, khi Nhà nước tăng cường xử lý các vi phạm trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, hàng hoạt quan chức bị khởi tố, bắt giam và trong nhiều vụ việc còn có cả người đứng đầu doanh nghiệp. Do đó, những rủi ro pháp lý đối với các doanh nghiệp luôn là vấn đề mà những nhà đầu tư, các cổ đông chi phối đến hoạt động của doanh nghiệp phải nghĩ đến để từng bước cải tổ mô hình quản trị doanh nghiệp. Trong đó, sự thay đổi theo hướng doanh nghiệp không quá lệ thuộc vào một cá nhân là hết sức cần thiết để doanh nghiệp có thể lớn mạnh và phát triển bền vững.
Để doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào một cá nhân là mô hình quản trị đầy rủi ro. Điều phải nhắc đến đầu tiên chính là động lực phát triển và hiệu quả quản trị. Việc một công ty, nhất là công ty lớn như các công ty đại chúng, công ty niêm yết lệ thuộc quá nhiều vào một cá nhân sẽ làm cho quyền lực của cá nhân đó lớn hơn chứ không làm cho doanh nghiệp có thể lớn hơn, phát triển hơn. Có thể trong cơ cấu sở hữu, ở giai đoạn hiện nay cơ cấu sở hữu 65/35 vẫn là mô hình mà các nhà đầu tư ưa chuộng do dễ chi phối, nhưng cơ cấu quản trị, với vai trò lớn hơn của các thành viên HĐQT cần phải được xem xét đến một cách thực sự nghiêm túc.
Có như vậy, bản thân HĐQT của các doanh nghiệp mới thực sự tồn tại như một bộ máy xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp và gánh vác sứ mệnh quản tri, để công ty không bị lệ thuộc vào một cá nhân. Điều đó sẽ rất hữu ích đối với những doanh nghiệp có mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh hoạt động kinh doanh còn nhiều rủi ro.
Nhà đầu tư