Cái bắt tay cảm ơn của Hiệu trưởng ĐH Harvard và nỗi đau chảy máu chất xám của Việt Nam
“Nhiều học trò của tôi sau khi ra nước ngoài học đã không trở về Việt Nam làm việc...”, GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương tâm tư.
Cái bắt tay cảm ơn của Hiệu trưởng trường Harvard
Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, GS. Võ Đại Lược kể lại một kỷ niệm của ông trên đất Mỹ. Đấy là một lần đến thăm ĐH Harvard, Hiệu trưởng trường này vừa bắt tay, vừa vui mừng cảm ơn giáo sư vì ông đã giới thiệu cho trường những học sinh xuất sắc.
Là TS. Vũ Minh Khương, được nhà kinh tế nổi danh GS. Dale Jorgenson khen ngợi là “một trong những nghiên cứu sinh Ph.D xuất sắc nhất của Harvard” , là TS. Trần Ngọc Anh, học giả quốc tế, ĐH Indiana, và nhiều người khác...
GS. Võ Đại Lược nhắc về những cái tên đấy với thái độ tự hào. Tuy nhiên, ông cũng cười buồn khi cho biết những con người này đi thì nhiều, về không được bao nhiêu, hoặc nếu có về cũng làm cho những tổ chức quốc tế...
“Những cậu này toàn tốt nghiệp thủ khoa tiến sỹ tại các trường lớn ở nước ngoài. Nhưng về Việt Nam, họ không có đất dụng võ, nên đành phải quay về Mỹ, về Úc hoặc làm cho một số tổ chức quốc tế. Như Đoàn Hồng Quang thì làm cho World Bank Việt Nam, Lê Minh Tuấn thì làm cho World Bank ở Mỹ. Chúng ta chưa có một chính sách trọng dụng nhân tài”, vị giáo sư già trăn trở.
Khi đàn chim không trở về
Trong số những câu chuyện được kể tại dự án When the birds fly home (Khi đàn chim trở về) do các du học sinh Việt Nam thực hiện có chuyện của PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên ĐH Ngoại Thương. PGS. TS này là du học sinh Cộng hoà Séc của nhiều năm về trước.
“Đợt tôi về, xin việc mất một năm trời - có thể nói thời gian đó là quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời. Khi ở nước ngoài, mình có một niềm tin là chỉ cần nỗ lực thì rồi sẽ có chỗ đứng. Nhưng khi về đến Việt Nam thì mình phát hiện ra là: Nỗ lực chả là gì. Bây giờ cũng thế, nó chỉ khá hơn một chút thôi.
Nhưng mà nỗ lực, thiện chí, tính cách, khả năng của một cá nhân đều không có ý nghĩa gì, mà người ta ủng hộ hay không ủng hộ phụ thuộc nhiều vào chuyện người đấy là con cái nhà ai, và có quen biết ai không, rồi thì có đem lại lợi lộc cho một ai đấy không.
Thực sự tốt nghiệp ra thì tuổi đấy nó rất màu hồng, tôi cũng có sáu năm trời sống tự lập rất vui vẻ, có một niềm tự tin vào bản thân. Rồi những lần ốm đau, bệnh tật, sai lầm không ai khuyên bảo, xích mích cũng không có ai an ủi, nhưng những khó khăn đó, tôi phát hiện ra chỉ là rất nhỏ so với việc về nước không tìm được việc làm. Nó bào mòn lòng tin của mình thời đó. Đó là lý do tôi luôn ủng hộ du học sinh một là ở lại, hai là về nước thì đừng làm cho nhà nước”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh chia trẻ trong khuôn khổ dự án.
Theo thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện Việt Nam có khoảng 130.000 du học sinh. Trong những năm gần đây, số lượng học sinh đến những nước có chất lượng giáo dục cao như Mỹ, Úc, châu Âu ngày một tăng.
Những học sinh này được hưởng nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và có thể sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam sau này. Tuy nhiên, thực tế, ngoại trừ những du học sinh đi học bằng ngân sách nhà nước, kinh phí cơ quan,… mới trở về vì có ràng buộc cam kết đã ký. Còn đối với nhiều du học sinh đi học tự túc hoặc qua một nguồn tài trợ, học bổng không ràng buộc, họ dường như không có ý định trở về.
Điều này có thể thể hiện rõ nhất qua bức tranh của các nhà vô địch Olympia trong 16 năm qua. Hầu hết trong số họ chọn ở lại Úc, tiếp tục làm việc, nghiên cứu…
Thực tế, tấm bằng danh giá ở nước ngoài đôi khi không có độ “hot” như người ta từng kỳ vọng. Việc nộp đơn tuyển dụng, mức lương, chế độ đãi ngộ nhiều khi rất vất vả, không như mong muốn. Thậm chí nhiều nơi, bằng cấp không quan trọng bằng mối quan hệ “con ông cháu cha” như trải nghiệm đã chia sẻ của PGS. Nguyễn Hoàng Ánh.
Hoặc nếu được tuyển dụng, nhiều người cũng không phát huy được năng lực bản thân, không có môi trường để phát triển, nghiên cứu tiếp.
“Đề án tốt nhưng không có đầu ra tốt thì hiệu quả sẽ bị giảm sút. Một số du học sinh sau khi về nước đã xin thôi việc ở cơ quan cũ để sang doanh nghiệp hoặc quay lại nước ngoài”, một vị nguyên là lãnh đạo điều hành Đề án 322 (đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước) cho biết.
Hiện nay, dù còn hạn chế nhưng Việt nam đã có nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài được ban hành. Tuy nhiên, làm thế nào để ngăn chảy máu chất xám, thu hút người tài về nước vẫn còn là một câu chuyện dài.