Cái “bắt tay” của hai “ông lớn” trên thị trường xăng dầu
Chiều ngày 10/8 tại Hà Nội, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác về việc tăng cường tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đồng thời tại lễ ký kết này Petrolimex tuyên bố mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR trong thời gian tới.
Đây được xem là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong hợp tác thương mại giữa BSR – đơn vị quản lý vận hành NMLD Dung Quất, mỗi năm sản xuất ra 6,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại và Petrolimex – Tập đoàn kinh doanh xăng dầu chiếm hơn 2/3 thị phần tại Việt Nam.
Theo đó, lượng xăng dầu mà Petrolimex nhập mua từ BSR hàng năm xấp xỉ khoảng 3 triệu m2/tấn, chiếm khoảng 35-40% tổng sản lượng nhập mua của Petrolimex, ngược lại sản lượng mà BSR bán cho Petrolimex chúng chiếm khoáng 40-45% tổng sản lượng xuất bán của Bình Sơn, với kim ngạch hàng năm lên đến xấp xỉ 3,5 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Hoài Giang, đây là bước tiến vững vàng của 2 bên giữa một bên là sản xuất một bên là tiêu thụ, Petrolimex còn được xem là điểm tựa vững vàng của BSR. “Ngay từ ngày đầu sản phẩm xăng dầu Dung Quất tham gia thị trường, Petrolimex và BSR đã luôn đồng hành cùng nhau ở những thời điểm thị trường thuận lợi cũng như có những biến động bất lợi cho cả hai bên.
Với kinh nghiệm hơn 60 năm của mình trên thị trường kinh doanh xăng dầu của Petrolimex, chúng tôi tin tưởng rằng, sự hợp tác này sẽ là nền tảng vững chắc để hai bên phát huy khả năng thế mạnh của mình nhằm nâng cao hiệu quả của cả hai bên trong chuỗi cung ứng sản xuất- tiêu thụ theo hướng bền vững”, Ông Nguyễn Hoài Giang cho biết.
Thỏa thuận hợp tác này đồng thời cũng mở ra “chương mới” nâng tầm mối quan hệ giữa hai bên khi mà ông Bùi Ngọc Bảo-Chủ tịch HĐQT của Petrolimex cho biết “ Đây sẽ là cơ hội để Petrolimex trở thành đối tác chiến lược của nhau thông qua việc chúng tôi mong muốn đầu tư mua cổ phần của BSR sau khi BSR tiến hành cổ phần hóa và hoàn thành bán cổ phần lần đầu ra công chúng. Lượng cổ phần mà chúng tôi dự kiến mua sẽ không giới hạn, nếu thị trường thuận lợi chúng tôi kỳ vọng sẽ mua được tối đa lượng cổ phần mà BSR bán ra.”
Bản thỏa thuận cũng khẳng định hai bên cam kết ưu tiên sử dụng, tiêu thụ tối đa các sản phẩm của nhau. BSR và Petrolimex sẽ hợp tác và ưu tiên để Petrolimex xuất khẩu sản phẩm của NMLD Dung Quất vào thị trường Lào, Campuchia,… Đồng thời, hai bên thống nhất hợp tác trong việc thuê và cho thuê kho xăng dầu thương mại để luân chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra hai đơn vị còn xem xét các hợp tác khác trong lĩnh vực bảo hiểm, vận chuyển,...
Phát biểu tại buổi ký kết, Tổng giám đốc BSR Trần Ngọc Nguyên nhấn mạnh: “BSR đang đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, phấn đấu cuối năm 2017 sẽ IPO thành công. Khi cổ phần hóa, BSR sẽ có cơ hội hợp tác với đơn vị kinh doanh, phân phối sản phẩm nhằm đảm bảo ổn định đầu ra sản phẩm cũng như phát triển những sản phẩm mới. Từ đó tạo tiền đề để BSR cùng với khách hàng có những hợp tác chiến lược, những kế hoạch kinh doanh lâu dài cùng nhau phát triển ổn định và bền vững”.
Có thể thấy, thị trường năng lượng bắt đầu mở cửa và có những bước chuyển biến mới mẻ ở cả thị trường nội địa cũng như thị trường khu vực. Sự chuyển biến này mang lại nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức đối với cả đơn vị sản xuất lẫn đơn vị kinh doanh phân phối. Sự đổi mới này đòi hỏi nhà sản xuất cũng như các đơn vị kinh doanh phân phối cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tăng năng lực cạnh tranh và cùng nhau phát triển ổn định và bền vững.
Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động đến nay, BSR đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47,2 triệu tấn sản phẩm các loại (đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước), với tổng doanh thu trên 36 tỷ USD, lợi nhuận trên 15 nghìn tỷ đồng (tính đến hết quý I/2017) và nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD hơn gấp đôi tổng mức đầu tư Nhà máy (3 tỷ USD).
Trong khi đó, Petrolimex là đơn vị kinh doanh phân phối sản phẩm xăng dầu chiếm thị phần cao nhất tại thị trường nội địa. Sự kiện “bắt tay” của hai “ông lớn” trên thị trường xăng dầu Việt Nam đã tạo ra một bước ngoặt mới trên thị trường xăng dầu trong nước và tạo ra lợi thế rất lớn để NMLD Dung Quất có thể cạnh tranh với nguồn hàng nhập khẩu có ưu đãi thuế. Và đây cũng có thể được xem là cơ hội để thúc đẩy các nhà sản xuất và tiêu thụ trong nước trong tất cả các lĩnh vực đẩy mạnh hợp tác với nhau tạo thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ bền vững.