Cải cách ruộng đất bằng công nghệ 5G tại Trung Quốc
Những năm gần đây, Trung Quốc đã đạt được thành công nhờ việc tích hợp Internet, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào quá trình phát triển nông nghiệp số.
- 09-12-2022Mỹ chặn thương vụ Microsoft mua lại hãng game Activision Blizzard
- 09-12-2022Meta đang âm mưu thay thế Twitter
Trung Quốc được đánh giá là một quốc gia có nền nông nghiệp lớn nhưng không mạnh. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách ruộng đất bằng việc áp dụng công nghệ 5G .
Tại trung tâm điều khiển từ xa ở một khu nông nghiệp hiện đại ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc, các kỹ sư nông nghiệp đang vận hành hệ thống canh tác thông minh. Công nghệ thông tin hiện đại cho phép họ thực hiện các thao tác một cách chính xác.
Anh Cai Renbing - Kỹ sư Khu nông nghiệp cho biết: "Trước khi hệ thống canh tác thông minh ra đời, chúng tôi thường dựa nhiều vào kinh nghiệm, sử dụng lực lượng lao động nhiều hơn và chi phí sản xuất cũng cao hơn. Nhưng giờ đây, dữ liệu đã trở nên chính xác hơn, nó có thể giúp chúng tôi quyết định chính xác lượng thuốc trừ sâu và lượng nước sử dụng cho cây trồng. Điều đó cũng sẽ giúp đảm bảo an toàn thực phẩm".
Bằng việc sử dụng các thiết bị truyền động tại chỗ, các kỹ sư tại khu nông nghiệp có thể bắt đầu hoặc dừng từ xa hệ thống tưới tiêu, phun sương hoặc các thao tác quan trọng khác trong nông nghiệp.
Ở đây cũng được trang bị nhiều cảm biến hỗ trợ hoạt động canh tác, theo dõi sự thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm, phát hiện sâu bệnh… để dự báo nguồn lây nhiễm của cây trồng.
Sự cải tiến liên tục của mạng 5G tại Trung Quốc cũng đã đóng góp không nhỏ vào quy trình sản xuất nông nghiệp, giúp cho việc sản xuất trở nên dễ dàng và thông minh hơn.
Với sự hỗ trợ của hệ thống cáp quang và dịch vụ Internet 5G, khu nông nghiệp hiện đại với tổng diện tích 1.000 ha, hiện có 28 dự án canh tác thông minh được vận hành bằng các hệ thống giám sát từ đất, bệnh của cây cho đến sâu bệnh.
Máy bay không người lái cũng được sử dụng để giúp thu thập dữ liệu về chất lượng đất, độ ẩm và nhiều thông tin khác liên quan đến quy hoạch cây trồng. Có thể thấy, sử dụng công nghệ thông tin để phát triển nông nghiệp kỹ thuật số và nông nghiệp thông minh đã không còn là khẩu hiệu của Trung Quốc.
VTV