MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách tiền lương phải đạt được mục tiêu người lao động sống được bằng lương

Cải cách chính sách tiền lương là một vấn đề lớn, tác động tới hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong khu vực công…. Tất cả đều kỳ vọng, tiền lương sẽ được nâng lên và người lao động đủ sống bằng lương.

Hiện, mức lương khởi điểm của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước khá thấp, chỉ khoảng hơn 5.400.000 đồng/tháng đối với người có trình độ đại học. Mức lương này khiến cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức khá chật vật, họ phải cân nhắc, tiết kiệm trong chi tiêu để có thể đủ trang trải cho gia đình, đặc biệt là những người làm công ăn lương, sống ở các thành phố lớn.

Đợt tăng lương vào ngày 1/7 vừa qua đã đem lại niềm vui cho nhiều công chức, viên chức, người lao động, tuy nhiên, với mặt bằng giá cả đắt đỏ như hiện nay thì số tiền tăng thêm không giúp cuộc sống của họ được cải thiện nhiều.

Cải cách tiền lương phải đạt được mục tiêu người lao động sống được bằng lương- Ảnh 1.

Người lao động mong muốn, sau cải cách tiền lương, công chức phải sống được bằng tiền lương để cuộc sống không còn chật vật như hiện nay

Chị Hoàng Thu Hằng, nhân viên hành chính ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hai vợ chồng chị cùng làm công chức nhà nước, mỗi tháng, tổng thu nhập của cả gia đình vỏn vẹn hơn 13 triệu đồng. Hàng chục khoản phải chi hàng tháng cùng với nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống khá chật vật và bếp bênh.

“Sống ở Hà Nội, chi phí khá đắt đỏ, sinh hoạt cả gia đình phụ thuộc vào hoàn toàn vào khoản tiền lương của 2 vợ chồng, cuộc sống khá khó khăn. Đợt tăng lương vừa rồi cũng chỉ thêm thắt chút ít, số tiền tăng thêm không đáng kể. Hàng tháng nếu chẳng may con cái ốm đau hay có nhiều việc phát sinh, vợ chồng tôi phải vay mượn thêm của họ hàng, bạn bè", chị Hằng nói.

Có cùng hoàn cảnh, chị Phí Thu Hương, giáo viên mầm non (Ba Đình - Hà Nội) chia sẻ: “Mức lương hiện tại của tôi là gần 7 triệu đồng/tháng. Với số tiền này để trang trải cuộc sống, sinh hoạt cho cả gia đình thì phải rất tằn tiện và tiết kiệm. Lương tăng một chút, giá cả của nhiều mặt hàng khác tăng theo khiến việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa, đôi lúc tôi còn “sợ” tăng lương. Công chức như chúng tôi mong muốn, sau cải cách tiền lương, công chức phải sống được bằng tiền lương để cuộc sống không chật vật như hiện nay".

Vì sao chưa cải cách tiền lương một cách toàn diện?

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, mức thu nhập của phần lớn công chức tại Hà Nội, một trong những địa phương có giá cả sinh hoạt cao nhất nước thuộc vào nhóm thấp, thu nhập từ lương phần lớn không đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày. Do đó, sau đợt tăng lương vừa rồi, phải tiến tới cải cách tiền lương để người lao động có thể sống được bằng lương, từ đó họ mới yên tâm công tác, cống hiến cho đơn vị, doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, việc tăng tiền lương từ ngày 1/7 vừa qua có tác động nhất định đến việc cải thiện đời sống cho các công chức, thế nhưng số tiền tăng thêm đó chưa thể giúp họ sống được bằng lương: “Để mức sống của người lao động được nâng cao hơn thì tăng 6% không thể đủ, có lẽ phải tăng lên 20% thì mới đáp ứng được nhu cầu sống của người dân trong thời điểm hiện tại. Những người có thu nhập từ kinh doanh, từ việc đi làm chân tay thì thu nhập phải tăng lên từ 30 - 40% nữa, khi đó cuộc sống mới khả quan hơn”.

Cải cách tiền lương phải đạt được mục tiêu người lao động sống được bằng lương- Ảnh 2.

Phải tiến tới cải cách tiền lương để người lao động yên tâm công tác, cống hiến cho đơn vị, doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội chia sẻ, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở mới đây chưa phải là cuộc cải cách toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, mà đây mới là một bước trong lộ trình cải cách tiền lương để tiến tới cải cách tiền lương một cách toàn diện tổng thể, đúng với yêu cầu tinh thần của Nghị quyết của Trung ương. Tăng lương cơ sở lần này là mục tiêu để chúng ta giải quyết tức thời vấn đề thu nhập, đời sống khó khăn của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người nghỉ hưu, đối tượng người có công… làm sao để họ tăng thêm thu nhập; từng bước tiến tới tiền lương của khu vực công tiệm cận với tiền lương của khu vực có quan hệ lao động, tức là khu vực tư, giúp cải thiện cuộc sống cho người về hưu, người có công và các đối tượng xã hội.

Thực hiện mục tiêu đó là chúng ta đang tiến tới xu hướng cải cách hành chính của đất nước. Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang phải đủ sống, từ đó giúp nâng cao đời sống, giảm tham nhũng tiêu cực, giảm dần bệnh hành chính trong các cơ quan nhà nước.

Vậy tại sao chưa cải cách tiền lương một cách tổng thể toàn diện theo đúng tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương? Ông Lợi phân tích, đó là do chưa xác định được đúng thang bảng lương theo vị trí việc làm; chưa có điều kiện để sắp xếp 17-18 khoản phụ cấp, chỉ còn lại 8 - 9 khoản phụ cấp thể hiện đúng bản chất của phụ cấp tiền lương. Tất cả các lĩnh vực đều có phụ cấp tiền lương nhưng không tác động nhiều đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, không đúng ý nghĩa với bản chất của phụ cấp lương. Phụ cấp lương mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề của những người làm việc trong các ngành nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, những ngành đòi hỏi phải có kỹ năng, có đặc thù hoặc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, lực lượng vũ trang…

Cải cách tiền lương phải đạt được mục tiêu người lao động sống được bằng lương- Ảnh 3.

Ông Bùi Sỹ Lợi

Đó là những phụ cấp có tính chất đặc biệt, cho nên chúng ta chưa thể sắp xếp được bảng lương hay nói cách khác, theo tinh thần của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là mới đạt được 4/6 nội dung, còn 2 nội dung chưa làm được thì chưa thể cải cách tiền lương.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, muốn cải cách tiền lương, phải tiếp tục bố trí, tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, chuyển dần các đơn vị sự nghiệp công lập sang sự nghiệp có thu; phải bình đẳng giữa khu vực công và tư khi làm các dịch vụ công do Nhà nước giao khoán; phải tạo ra động lực để bản thân các cơ sở, chủ sử dụng lao động hay nói cách khác là cơ quan, đơn vị phải xác lập được vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị đó.

“Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta xác định được vị trí việc làm để công bố một vị trí việc làm chung toàn quốc thì chắc chắn không bao giờ đạt được mục tiêu cải cách tiền lương. Vị trí việc làm phải do chủ sử dụng lao động, do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định căn cứ vào năng lực, văn bằng đào tạo, năng lực thực tiễn, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị. Điều quan trọng nhất là phải làm sao để cán bộ, công chức đáp ứng làm đủ thời gian, đúng năng lực, có khả năng nâng cao tay nghề, tăng năng suất lao động và tạo hiệu quả sản xuất hay hiệu quả công tác trong đơn vị. Đó là vấn đề rất quan trọng. Khi xác định được như vậy thì mới bắt đầu xác định được bảng lương theo chức vụ lãnh đạo, bảng lương theo chuyên môn nghiệp vụ tức là vị trí việc làm, đồng thời sắp xếp lại các loại phụ cấp đáp ứng với yêu cầu của nội dung cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Cũng theo ông Lợi, khi thực hiện được những việc đó thì mới tiến hành cải cách tiền lương một cách toàn diện tổng thể vì nguyên tắc của tiền lương là chi trả theo số lượng và chất lượng lao động. Tiền lương phải phản ánh được giá trị của sức lao động, giá trị sức lao động đó phải thể hiện bằng giá cả trên thị trường. Bên cạnh đó, tiền lương của khu vực công phải tiệm cận với tiền lương của khu vực tư. Theo Đề án cải cách tiền lương trong Nghị quyết 27 của Trung ương, tiền lương của khu vực công khi cải cách phải bằng hoặc cao hơn mức trung bình của tiền lương tối thiểu 4 vùng và tiến tới phải bằng hoặc cao hơn mức tiền lương tối thiểu của vùng cao nhất trong khu vực có quan hệ lao động. Đây là nội dung chính của đề án cải cách chính sách tiền lương.

“Muốn cải cách tiền lương thì phải tạo được nguồn lực. Tiền lương phải được tăng lên khi chúng ta tăng giá trị sản xuất, tốc độ tăng năng suất lao động phải cao và nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân. Không thể có chuyện làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu mà phải tích lũy, tái sản xuất giản đơn và tái sản xuất mở rộng. Tiền lương của quá trình thúc đẩy tái sản xuất mở rộng là tiền lương do năng suất lao động quyết định mức tăng tiền lương bình quân. Chúng ta phải đạt được mục tiêu theo đúng nguyên lý về tiền lương, tiền lương trả theo số lượng và chất lượng của lao động, phản ánh tinh thần trách nhiệm, sự công bằng về phân phối, thu nhập trong cơ quan, đơn vị. Có như vậy thì mới thúc đẩy được hiệu quả, năng suất và chất lượng công việc của cơ quan, đơn vị”, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Theo Chung Thủy

vov.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên