MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái cảm giác đau nhói trước ngực, nếu không phải đau tim thì là gì vậy?

16-01-2019 - 11:55 AM | Sống

Càng hít thở sâu lại càng đau.

Ít nhất một lần trong đời, có thể bạn đã từng cảm thấy lo lắng khi bị đau nhói ở ngực trái. Nhưng đó dường như không phải một cơn đau tim , bạn biết, vì sức khỏe của bạn hết sức ổn định.

Hóa ra, cũng có một tình trạng có thể gây ra cảm giác nhói ở tim được gọi là hội chứng bóp nghẹt trước tim (precordial catch syndrome - PCS).

Tin tốt là PCS không liên quan gì đến trái tim, và nó khá vô hại.

Cái cảm giác đau nhói trước ngực, nếu không phải đau tim thì là gì vậy? - Ảnh 1.

Một trong những cách để phân biệt cơn đau do hội chứng bóp nghẹt trước tim với một cơn đau tim thật sự, đó là nó không lan tỏa sang các khu vực khác của cơ thể. Thay vào đó, cơn đau này chỉ khu trú ở một vùng nhỏ phía trước hoặc bên cạnh ngực, thường là dưới núm vú trái và không lớn quá 2-3 đầu ngón tay.

Ngay trong bản thân tên gọi của nó, "preordial" có nghĩa là "ở phía trước của trái tim". Cơn đau do PCS khác với đau tim và cũng không có các dấu hiệu báo trước như toát mồ hôi lạnh hoặc nôn mửa.

Nếu bạn cố hít thở sâu trong khi bị hội chứng bóp nghẹt trước tim, cơn đau này sẽ trở nên tồi tệ hơn. Bởi vậy, thường thì mọi người sẽ cố gắng thở nông trong trường hợp này để cảm thấy dễ chịu. Nhưng cũng có một số người báo cáo rằng họ có thể hít một hơi thật sâu để thoát khỏi sự hành hạ của PCS.

Cái cảm giác đau nhói trước ngực, nếu không phải đau tim thì là gì vậy? - Ảnh 2.

Khu vực mà PCS hay tấn công

Thông thường, cơn đau do hội chứng này gây ra sẽ biến mất sau 30 giây, nhiều nhất là 3 phút. Ngoài cảm giác đau nhói trước ngực, không có bất kỳ một triệu chứng nào khác đi kèm với PCS. Người gặp phải tình trạng này không đỏ hoặc tái mặt, không khó thở, nhịp tim của họ vẫn bình thường.

Chỉ có một hiệu ứng phụ hiếm gặp, đó là người mắc PCS thấy lo lắng thái quá, tiếp tục thở nông kéo dài sau cơn đau dẫn đến chóng mặt và choáng váng. Họ cũng có thể bị rối loạn lo âu, vì nghĩ rằng mình bị một căn bệnh trầm trọng nào đó. Nhưng nếu được giải tỏa tâm lý để loại bỏ nỗi lo lắng này, hội chứng bóp nghẹt trước tim gần như vô hại.

Có một thực tế, trong khi cảm giác đau nhói mà hội chứng bóp nghẹt trước tim dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau tim của người lớn tuổi, nó lại hay xảy ra ở những người trẻ, với thanh thiếu niên, thậm chí cả trẻ em trên 6 tuổi.

Nhưng nếu không liên quan gì đến tim, điều gì đã khiến bạn đau đến vậy? Ngay cả các nhà khoa học và các bác sĩ cũng chưa biết chắc, hầu hết họ nghĩ rằng cơn đau PCS đến từ sự kích thích hoặc chèn ép các dây thần kinh ở lớp lót bên trong khoang ngực (màng phổi). Tuy nhiên, sự chèn ép này không liên quan đến tổn thương ở tim hoặc phổi nên bạn không cần lo lắng.

Cái cảm giác đau nhói trước ngực, nếu không phải đau tim thì là gì vậy? - Ảnh 3.

Mọi người hay nhầm PCS với một cơn đau tim, vì vậy, lo lắng thái quá về nó

Mặc dù hội chứng bóp nghẹt trước tim là lành tính, với điều kiện bạn không có bệnh tim tiềm ẩn, PCS có thể khiến bạn cực kỳ khó chịu. Dĩ nhiên rồi, nó gây đau, và hiện không có cách nào để điều trị hoặc đảm bảo rằng một cơn đau do PCS qua đi thì sẽ không quay trở lại tấn công bạn lần nữa.

Để phòng ngừa, các chuyên gia cho biết hội chứng bóp nghẹt trước tim thường xảy ra khi bạn nghỉ ngơi (nhưng chúng không bao giờ xảy ra trong khi ngủ). Thường thì khi thay đổi tư thế đột ngột sẽ làm tăng nguy cơ bị cơn đau tấn công. Chẳng hạn như khi đang ngồi trong văn phòng, bạn đánh rơi bút và cúi xuống nhặt thì PCS xuất hiện.

Việc cải thiện tư thế làm việc, ngồi thẳng lưng, có thể giúp bạn hạn chế hội chứng bóp nghẹt trước tim. Mặc dù gần như vô hại, trong trường hợp cơn đau PCS tiếp tục làm phiền bạn nhiều hơn, hoặc giờ nó đi kèm theo các triệu chứng khác, có lẽ bạn nên đến gặp bác sĩ để tìm kiếm lời khuyên từ họ.

Tham khảo Iflscience, Gpnotebook

Theo Zknight

Trí thức trẻ

Trở lên trên