MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cái chết' chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại

26-05-2022 - 09:02 AM | Tài chính quốc tế

'Cái chết' chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại

Sự sụp đổ của Lehman Brothers là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong nền tài chính hiện đại. Hình ảnh nhân viên rời khỏi toà nhà với những chiếc hộp đã trở nên nổi tiếng, biểu tượng cho cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc ở Mỹ. Nhưng quá trình phá sản này lại không kết thúc vào năm 2008.

Cái chết chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại - Ảnh 1.

18 năm trước, Daryl Rattigan đến Lehman Brothers để làm việc trong thời gian 3 tháng theo yêu cầu từ công ty luật của ông. Cuối cùng, Rattigan đảm nhiệm một công việc toàn thời gian tại chi nhánh tài chính bất động sản của ngân hàng này ở London. Sau đó, ngân hàng này bất ngờ sụp đổ. Và Rattigan vẫn tiếp tục làm việc ở đó, cho đến nay đã gần 14 năm.

Quãng thời gian làm việc của Rattigan cho thấy việc các định chế tài chính toàn cầu sụp đổ có thể kéo dài cả chục năm trời. Những "cái chết" như vậy cần có người lo liệu. "Linh hồn" của một ngân hàng, hay thậm chí là sự sống của nó, chính là nợ, nhưng nợ lại không dễ dàng "xuống mồ".

Hầu hết tài sản mà ngân hàng sở hữu đều là nợ của những bên khác: các khoản thế chấp, vay thương mại và các khoản nợ không chính thức. Ngoài ra, các ngân hàng còn nợ trái chủ, các đối tác giao dịch tài chính và một danh sách dài những chủ nợ khác. Các ngân hàng như Lehman bất ngờ sụp đổ khi họ không thể huy động đủ tiền mặt từ tài sản của mình để trả nợ.

Cái chết chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại - Ảnh 2.

Nhưng ngay cả sau khi đã tuyên bố sụp đổ, các khoản nợ vẫn chưa được thanh toán hết. Các chuyên gia còn phải phân loại đâu là khoản nợ phải trả và sẽ được trả. Đó là vai trò của những người như Rattigan – chuyên gia đã dành nhiều năm để định giá tài sản của Lehman trong khoảng thời gian họ còn tồn tại.

Vào sáng ngày 15/9/2008, trong vài giờ sau khi ngân hàng này đệ đơn phá sản, Rattigan không nghĩ rằng liệu ông còn có thể làm việc ở đây không. Ông đến văn phòng ở Canary Wharf (London) chỉ để lấy chiếc hộp đựng card visit của mình. Ông chia sẻ: "Trong thâm tâm, ai cũng biết rằng có những người được giữ lại và hỗ trợ ‘dọn dẹp’. Nhưng nếu tôi bị giữ lại, tôi phải quay lại đó và ‘điểm danh’."

Những gì Rattigan nói đã thành sự thật. Các kế toán của PricewaterhouseCoopers – được cử đến để lấy một số tài sản của Lehman ở Anh, cần tiếp cận một vài người để biết tài liệu nằm ở đâu, giá trị của các tài sản và cách hiệu quả nhất để xác nhận. Nhiều năm sau khi gần như toàn bộ 5.000 nhân sự của Lehman ở London rời đi, Rattigan vẫn đang nhận lương từ ngân hàng này.

Những tàn tích còn sót lại của Lehman là một số văn phòng, địa chỉ hợp pháp, nằm rải rác trên cả thế giới. Họ vẫn còn một công ty ở New York, khác với chi nhánh London mà Rattigan đang làm việc. Văn phòng này nằm trên tầng 8 của tòa nhà cổ, từng là chi nhánh của Bowery Savings Bank sau đó trở thành sảnh của khách sạn Cipriani sang trọng.

2 phiên tòa – một ở London và một ở New York, dường như là vấn đề quan trọng cuối cùng cần giải quyết của Lehman ở thời điểm này. Có thể, Lehman sẽ "sống" thêm vài năm nữa trước khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết và chiếc chìa khóa cho thuê văn phòng cuối cùng được trả lại. Trong quá trình đó, Rattigan và nhóm các luật sư, kế toán, nhà tư vấn và quản lý tài sản phải giải quyết những vấn đề còn dang dở. Họ đã thực hiện một trong những công việc kỳ lạ nhất giới tài chính, đó là để Lehman Brothers yên nghỉ.

Cái chết chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại - Ảnh 3.

Câu chuyện của Lehman chính là bi kịch đối với những người sở hữu nhà, từng bị cuốn vào những khoản thế chấp rủi ro và cả hàng triệu người đã mất việc trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Song, đối với một số người, sự sụp đổ của Lehman lại trở thành bước ngoặt, thậm chí là tích cực, trong sự nghiệp của họ.

Lấy ví dụ về một thẩm phán liên bang giám sát trường hợp của Lehman. James Peck là một "tân binh" trong bộ phận giải quyết các vụ phá sản khi Lehman sụp đổ. Buổi chiều tối ngày hôm đó, trong phòng xử án tràn ngập hồ sơ, ông đã chấp thuận thương vụ "bán vội" đơn vị môi giới của ngân hàng này cho Barclays với giá 1,75 tỷ USD. Thỏa thuận này được thực hiện để đảm bảo hàng trăm nghìn tài khoản của khách hàng không gặp xáo trộn, "cứu" khoảng 10.000 việc làm trên Phố Wall và có thể giúp hệ thống tài chính toàn cầu không vượt ngoài tầm kiểm soát. Hiện tại, ở tuổi 76, Peck đang đi khắp thế giới để thuyết trình về trường hợp này.

Đối với một số người khác, giải quyết mớ hỗn độn mà Lehman để lại không đơn thuần là "cuộc phiêu lưu trí tuệ" mà việc này còn có khả năng sinh lời. Một số nhà đầu tư thậm chí còn mua trái phiếu và tín phiếu của Lehman với mức chiết khấu cao, họ phân tích để đảm bảo rằng cuối cùng thương vụ này cũng mang lại lợi nhuận. Scott Hartman là một trong số đó. Ông gia nhập Värde Partners of Minneapolis với tư cách là nhà phân tích cấp cao vài tuần trước khi Lehman phá sản và dành phần lớn 5 năm tiếp theo để nghiên cứu về ngân hàng này. 

Còn các chủ nợ của Lehman vẫn chờ đợi để được trả tiền. Không những vậy, họ còn phải ra tòa để đòi hỏi quyền lợi của mình. Vào đầu một phiên tòa vào năm ngoái, Chánh án Kim Lewison của Tòa phúc thẩm Vương quốc Anh nói rằng toàn bộ những câu trả lời xung quanh vụ phá sản này có thể sẽ sớm tìm được câu trả lời sau nhiều năm.

Quá trình đi đến "cái chết" của Lehman bắt đầu kéo dài khi các luật sư của ngân hàng này nộp đơn bảo hộ phá sản theo Chương 11. Theo Bloomberg, Chương 11 được đưa ra nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp không thể thanh toán nợ có thể tìm ra cách giải quyết tiếp theo. Quá trình này nhìn chung không phức tạp. Ví dụ, khi một chuỗi cửa hàng quần áo phá sản, việc cần làm sau đó là kiểm hàng tồn kho để bán bớt và thanh toán dần cho chủ nợ. Ngoài ra, họ cũng có thể bán lại doanh nghiệp đó và việc này đơn giản hơn so với thanh lý tài sản.

Còn ở trường hợp một ngân hàng vỡ nợ, quá trình trên sẽ phức tạp hơn. Thay vì áo sơ mi hay giày dép, tài sản của họ lại là những thứ trừu tượng. Việc định giá một khoản thế chấp là một việc không hề đơn giản.

Hầu hết mọi ngân hàng đầu tư lớn ở thời điểm đó đều hoạt động với mô hình rủi ro cao như Lehman. Nhiều trong số đó chỉ có thể sống sót sau khi có sự trợ giúp của chính phủ. Trong báo cáo dài 2.000 trang của tòa án về sự sụp đổ của Lehman, Thẩm tra viên Anton Valukas đã chỉ ra sự sụp đổ của ngân hàng này không chỉ có nguyên nhân là những khoản vay dễ dãi mà còn là việc các đối tác kinh doanh mất niềm tin vào Lehman. Ngân hàng này đã quá tự tin, cũng giống như một "thần bài" bị những kẻ khác đặt cược. 

Cái chết chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại - Ảnh 4.

Nhưng khi Lehman sụp đổ, không phải toàn bộ tài sản của họ đều trở nên vô giá trị. Lehman có khoản nợ lên tới 613 tỷ USD khi phá sản, đi cùng với đó là rất nhiều chủ nợ, khách hàng đang tức giận và hoang mang. Ngoài việc cho vay và đi vay, các ngân hàng và nhà môi giới còn nắm giữ rất nhiều thứ của các doanh nghiệp khác như cổ phiếu và trái phiếu. Bởi vậy, một nhiệm vụ quan trọng khác lại cần được thực hiện, đó là lựa chọn những loại tài sản trên để "trao tay" cho các doanh nghiệp khác một cách an toàn. 

Ở thời điểm ngân hàng này phá sản, trên tầng 7 của văn phòng London, các nhân viên đang hoảng loạn mua trái cây và thanh sô cô la tại cửa hàng ăn nhanh của công ty. Họ sợ rằng tấm thẻ của họ sẽ trở nên vô giá trị. Một số trở lại bàn làm việc với đầy một rổ chuối. Đó là một mô hình thu nhỏ mà các bên tiếp quản sẽ làm trong 14 năm sau đó: trả lời câu hỏi của chủ nợ - không phải thắc mắc về phiếu ăn trưa mà là trái phiếu, và sau đó quyết định sẽ đưa cho họ bao nhiêu quả chuối.

Alvarez & Marsal là một công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp như vậy, họ "cung cấp" các giám đốc điều hành và chuyên gia cho những doanh nghiệp phá sản hay đang nỗ lực để xoay chuyển tình thế. 1 ngày sau khi Lehman sụp đổ, Daniel Ehrmann vẫn là CFO tạm thời của Spiegel Brands – hãng kinh doanh đồ may mặc đang xoay xở vì thất bại trước các đối thủ trực tuyến. Bryan Marsal – nhà đồng sáng lập A&M, đã gọi Ehrrmann đến văn phòng Lehman ở New York lúc 2 giờ chiều.

Sau đó, Ehrmann đã dành 6 năm để gỡ rối những vấn đề của Lehman ở New York. Ông đã trở thành đồng giám đốc bộ phận phái sinh và bộ phận quốc tế của Lehman Brothers Holdings. Ông chia sẻ: "Khi nằm trên giường bệnh, tôi chắc chắn sẽ nghĩ về Lehman. Tôi cho rằng đó là 6 năm thú vị của cuộc đời mình."

Cái chết chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại - Ảnh 5.

Chi nhánh mới của Lehman tại Mỹ về cơ bản chỉ còn là một nhà quản lý danh mục đầu tư, với tài sản đã qua sử dụng. Số nhân viên khi đó là khoảng vài trăm người, giờ chỉ còn vỏn vẹn 20.

Ehrrmann và các cộng sự của mình ở châu Âu, châu Á phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa. Họ có thể bán toàn bộ tài sản của Lehman một cách nhanh chóng, nhưng điều đó lại đồng nghĩa với mức chiết khấu sâu và có thể không đủ để thanh toán cho các chủ nợ.

Ehrmann cho hay: "Chúng tôi quyết định sẽ không thanh lý toàn bộ tài sản của Lehman ở thời điểm đó. Nếu chúng tôi làm như vậy, số tiền thu về không được bao nhiêu." Thay vào đó, họ quyết định chờ đợi cuộc khủng hoảng kết thúc dù quá trình này kéo dài nhiều năm. Chiến lược này đã phát huy hiệu quả. Ví dụ, ở Anh, Rattigan cho biết ông đã bán được một loạt khoản vay bất động sản thương mại trị giá 50 triệu bảng (62 triệu USD) với giá cao gấp 3 lần khi khủng hoảng xảy ra.

Ngược lại, một số quỹ phòng hộ lại cắt lỗ nhanh chóng. Họ làm chính xác điều mà Ehrrmann muốn tránh, đó là bán trái phiếu đang nắm giữ - nghĩa là bán lại nợ của Lehman cho bên khác với giá rẻ hơn. Người mua thường là những nhà đầu tư trái phiếu vỡ nợ như Värde – sẵn sàng chờ đợi và mua lại với mức giá hời.

Những quỹ như Värde thường được gọi là "kền kền". Đương nhiên, họ không hài lòng với cách ví von đó. Scott Hartman nói: "Không ai bị ép hay buộc phải mua, bán bất cứ thứ gì. Đó là lựa chọn của họ."

Dẫu sao, những quỹ mua chứng khoán của Lehman vẫn hoạt động tốt. Ví dụ, một nhóm các nhà đầu tư, bao gồm cả quỹ phòng hộ Paulson & Co. và Fir Tree Partners, đã mua rất nhiều trái phiếu của Lehman với giá hơn 20 cent. Với mức giá này, khoản nợ hơn 10 triệu USD đã được mua với giá hơn 20 triệu USD.

Cái chết chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại - Ảnh 6.

Nhìn chung, khoản tiền thu hồi được từ một đế chế Lehman bị chia tách thành nhiều mảnh rất khó để đưa ra con số chính xác. Nhưng điều quan trọng là các chủ nợ của công ty mẹ đã thu hồi được gần 1 nửa số tiền cho vay, với tổng giá trị gần 40 tỷ USD, gấp đôi dự báo ban đầu. Một thẩm phán của Anh vào năm 2019 cho biết một số chủ nợ của châu Âu nhận lãi 8%/năm trong hơn 1 thập kỷ qua.

Theo Bloomberg, Lehman thanh toán cho các chủ nợ theo mô hình thác nước. Hãy tưởng tượng các ly Champagne được xếp thành hình kim tự tháp và người phục vụ rót từ ly trên cùng. Các chủ nợ được đánh giá là cấp cao sẽ nhận được tiền đầu tiên, sau đó lượng tiền dư thừa mới "chảy" xuống các tầng ly bên dưới. Thậm chí, có những bên còn không nhận được gì. Với cách chi trả không đồng đều như vậy, những "cuộc chiến" đòi quyền lợi đã nổ ra. Nhiều luật sư nổi tiếng nhất London đại diện cho các quỹ phòng hộ đã tranh cãi để cố gắng lấy những gì còn sót lại của đế chế Lehman.

Ở Hà Lan, một số nhà đầu tư đã tìm thấy hàng tỷ USD trái phiếu mà ngân hàng này điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của những bên mua muốn đặt cược trên thị trường khác. Những trái phiếu này có liên kết đến chứng khoán châu Á hoặc giá vàng. Họ có thể mua lại với số lượng lớn và kiếm tiền.

Cái chết chậm rãi của huyền thoại Lehman Brothers: Vụ phá sản tai tiếng hơn 1 thập kỷ vẫn chưa được khép lại - Ảnh 7.

Song, một cách dễ dàng hơn để kiếm tiền từ "cái chết" của Lehman đó là những món đồ lưu niệm cũ, chẳng hạn như túi vải, áo polo và bút in logo của ngân hàng này. Một thợ sửa xe ở New York đã mua lại chiếc xe tải bán đồ ăn của Lehman với giá 5.000 USD sau khi ngân hàng này sụp đổ và sau đó bán lại trên eBay. Ông cho rằng một số người sẽ muốn mua những đồ vật này để lưu giữ một phần thuộc lịch sử.

Một vấn đề khác chưa được gỡ rối ở Lehman đó là thuế. Và rất có thể, những người ở lại cuối cùng sẽ đảm nhiệm vai trò xử lý vấn đề thuế của Lehman. Jackie Dolby gia nhập chi nhánh London vào năm 1989. Ở thời điểm công ty phá sản, bà trở thành trưởng bộ phận thuế và hoạch định doanh nghiệp. Ít người biết rõ về một loạt các vấn đề của Lehman như Dolby. Sau vụ phá sản, bà thấy hơi xấu hổ khi nói rằng mình làm việc ở ngân hàng này.

Còn bây giờ, Dolby lại có một chút tự hào khi gắn bó với Lehman lâu đến vậy. Ngay cả khi toàn bộ khoản nợ của Lehman chi nhánh London được giải quyết, bà vẫn ở lại để giải quyết những khoản thuế của ngân hàng này vào năm sau đó – điều kiện cuối cùng để các vấn đề với cơ quan tài chính được khép lại. Dolby chia sẻ: "PwC nói với tôi rằng, khi chúng tôi vỡ nợ, bà có thể sẽ là người ở lại cuối cùng và tắt đèn văn phòng."

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/cai-chet-cham-rai-cua-huyen-thoai-lehman-brothers-vu-pha-san-tai-tieng-hon-1-thap-ky-van-chua-duoc-khep-lai-20220525160637101.chn

Vu Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên