MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái chết cô độc của Takaya: Con sói "dị" nhất thế giới và "lời tiên tri" cảnh tỉnh loài người

15-11-2020 - 07:11 AM | Sống

"Điều gì sẽ xảy ra khi từng đàn trâu cứ thế bị tàn sát? Còn lại gì sau những chuyện tồi tệ xảy ra với những sinh linh bé nhỏ ấy?".

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 1.

Takaya đến đảo một mình. Có thể là vào lúc bình minh. Có thể kiệt sức. Cũng có thể phấn khích hoặc sợ hãi. Chú sói cô độc ấy đang tìm kiếm ba thứ - ba thứ mà chú cần để tồn tại và phát triển trong phần đời rộng mở phía trước của mình: Một nguồn thực phẩm đáng tin cậy. Một lãnh thổ độc quyền và an toàn, có thể gọi là của riêng mình. Và một người bạn.

Ở chốn này, nó có thấy những điều mà mình đang kiếm tìm không? Có nên ở lại và gây dựng một gia đình mới không?

Đó là câu chuyện của 9 năm về trước. Takaya vẫn ở trên bờ đảo này nhưng chú chó sói ấy vẫn cô độc. Chẳng ai tin, Takaya có thể sống sót qua nổi một mùa đông nơi đây, với nguồn lương thực hạn chế và không có nguồn nước quanh năm. Nhưng nó vẫn sống và mạnh mẽ hơn bất kỳ con sói nào. Thức ăn và lãnh thổ an toàn, 2 thứ ấy nó đã tìm thấy, duy chỉ có "một người bạn" là... không thành.

Dưới đây là câu chuyện của Cheryl Alexander - một nhiếp ảnh gia hoang dã người Canada làm việc trên toàn thế giới để đảm bảo bảo vệ các vùng hoang dã và động vật hoang dã - về Takaya, chú sói sống một mình trên hòn đảo không người của Canada.

Vào tháng 5 năm 2012, định mệnh đã đưa tôi đi theo một hướng kỳ lạ và bất ngờ nhất. Trên tin tức địa phương, tôi nghe nói rằng những người chèo thuyền kayak và cắm trại ở địa phương kể về một con sói ở quần đảo Discovery. Ban đầu người ta cho rằng nó là một con chó hoang, tuy nhiên một bức ảnh do Jim Zakreski, hướng dẫn viên ngắm cá voi chụp lại cho thấy nó là một con sói. Đây là một tin lớn đối với Victoria. Một con sói không phải là một "du khách" phổ biến trong khu vực, và chắc chắn chưa từng xuất hiện ở quần đảo nhỏ, không có người ở này.

Mùa xuân năm 2013, tôi đang cắm trại ở quần đảo và nghe thấy âm thanh giống như tiếng sói tru. Cùng lúc đó, người bạn sinh vật học Paul Harder và tôi đã phát hiện ra dấu vết của sói trên một bãi biển trên Discovery. Điều này rất thú vị!

Năm 2014, cả gia đình tôi lại một lần nữa nghe thấy tiếng sói tru vọng lại trên hòn đảo. Lần này linh tính mách bảo tôi rằng có sói ở hòn đảo không người này.

Dù tôi đã trải qua vô số giờ trong vùng hoang dã, tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoặc thậm chí nghe thấy một con sói. Điều này không có gì lạ; hiếm ai có thể bắt gặp ngay cả một cái nhìn thoáng qua về một con sói trong tự nhiên. Ban đầu, tôi chỉ đơn giản là tò mò về sự hiện diện của một con sói. Nhưng rồi khi tôi nghe thấy tiếng hú của nó - một âm thanh ám ảnh, có phần thê lương - nó đánh thức một điều gì đó sâu thẳm hơn trong tôi. Tôi cảm nhận được một cánh cổng vào thế giới hoang dã. Đó là thời điểm mà cuộc hành trình của tôi với con sói hoang dã này thực sự bắt đầu.

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 2.

Tôi đặt ra nhiệm vụ khám phá Takaya, hành vi và thế giới nội tâm của nó. Tôi muốn hiểu và biết loài động vật hoang dã này, một sinh vật đang sống một cuộc sống rất khác với tôi. Một sinh vật thể hiện bản chất của sự hoang dã, tự do và mối liên hệ cổ xưa của chúng ta với thế giới nguyên sinh.

Khi nghe câu chuyện về chú sói biển đơn độc tìm đến quần đảo Discovery, tôi bắt đầu có ý định tìm hiểu cuộc sống cũng như giải đáp nhiều bí ẩn về nó, chẳng hạn như: Tại sao nó lại vượt đại dương và thành phố để đến đây? Làm thế nào nó thích nghi và phát triển trong một môi trường sống bất thường như vậy đối với một con sói? Tại sao nó ở lại đây, chọn cuộc sống đơn độc? Và tương lai của nó sẽ ra sao? Một bí ẩn khác là trong khi hầu hết sói sống thành bầy, và dù là một loài động vật có tính xã hội cao, Takaya lại chọn sống một cuộc đời yên tĩnh, cô lập. Nó hoàn toàn hòa mình với tự nhiên, một cách đơn độc.

Tôi nảy ra ý định đặt tên cho chú sói này. Tôi gọi nó là Takaya. Takaya nghĩa là chó sói trong ngôn ngữ của người bản địa Coast Salish vùng Bắc Mỹ (sống ở British Columbia, Canada và 2 bang Washington và Oregon của Mỹ).

Giống như nhiều con sói khác, Takaya có thể đã rời khỏi bầy khi mới 2 đến 3 tuổi để kiếm tìm vùng lãnh thổ và tổ ấm nhỏ của riêng nó. Cũng có thể nó ra đi để tìm kiếm sự phiêu lưu trong đời.

Bất kể lý do là gì, vào tháng 5 năm 2012, một chú sói nhỏ hoang dã đã tìm đến quần đảo ngoài khơi bờ biển Victoria, British Columbia, Canada - nơi không có hươu để săn, không có đàn sói khác để bầu bạn và rất gần thành phố hơn nửa triệu dân.

Chẳng biết là liều lĩnh hay dũng cảm, chỉ biết rằng chú sói ấy đã rời bỏ nơi mà con người chúng ta xem là môi trường sống hoang dã bình thường của loài sói, và thay vào đó đã vượt qua hơn 40 km khu vực đô thị và ngoại ô thành phố để tìm kiếm ngôi nhà mới của mình.

Tôi (Cheryl Alexander) may mắn lấy được lòng tin của chú chó sói và ghi lại cuộc đời của nó qua hàng nghìn bức ảnh và hàng trăm giờ video.

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 3.

Tiếng sói tru cô độc của Takaya đã ám ảnh nhiếp ảnh gia không nguồi. Ảnh: CBC

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 4.

Chú sói biển Takaya. Takaya nghĩa là "chó sói" trong ngôn ngữ của người bản địa Coast Salish vùng Bắc Mỹ. Ảnh: Rocky Mountain Books

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 5.

Ảnh: Rocky Mountain Books

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 6.

Ảnh: Rocky Mountain Books

Việc ghi lại cuộc sống của một con sói đơn độc trong tự nhiên dường như là điều không thể. Bởi chúng di chuyển ở những khoảng cách rộng lớn và hiếm khi bị phát hiện. Hầu hết khi di chuyển, những con sói đơn độc rất khó theo dõi trừ khi được kiểm tra bằng sóng vô tuyến, và do đó, chúng hiếm khi nằm trong tầm ngắn của thợ săn hay trong ống kính của nhiếp ảnh gia.

Câu chuyện về Takaya, con sói đơn độc của đảo Discovery, đã làm xúc động nhiều người trên thế giới.

Cư dân Vịnh Lucky Oak đôi khi có thể nghe thấy tiếng hú của một con sói đơn độc sống trên một hòn đảo không xa bờ biển của họ dù Takaya rất kín kẽ, và hầu như chẳng nhiều người có thể nhìn trực tiếp chú.

Thị trưởng Vịnh Oak, Kevin Murdoch, cho biết con sói từ lâu đã trở nên thân thuộc với người dân gần đảo và khách du lịch chèo thuyền kayak, bởi họ yêu quý Takaya từ những bức ảnh, thước phim và câu chuyện của nhiếp ảnh gia Canada Cheryl Alexander và ám ảnh không nguôi tiếng tru đơn độc của chú vọng ra từ xa.

Quãng đời gần 10 năm sống trong thế giới tự nhiên của chú sói đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Gần 10 năm cô độc những chú sói ấy vẫn tồn tại giữa tự nhiên hoang dã. Cái khắc nghiệt của thời tiết, sự cô đơn không bầu bạn chưa bao giờ khuất phục được chú sói ấy.

Cho đến khi...

Một ngày, chính họng súng vô tình của con người đã cướp đi mạng sống của Takaya. Cướp đi quyền được sống bình lặng đến cô độc của Takaya. Cái chết của Takaya dấy lên làn sóng phẫn nộ của rất nhiều người từng xem chú như người bạn ngoài tự nhiên.

Takaya đã bị một thợ săn giết gần hồ Shawnigan vào tháng 3/2020, khoảng hai tháng sau khi con sói được phát hiện đang ở Vịnh James trên đảo. Cái chết của Takaya đã gây ra một làn sóng phản đối toàn cầu.

Bất chấp cái chết của Takaya, câu chuyện của con sói vẫn được kể lại, với các nghệ sĩ trong nước và quốc tế tưởng nhớ cuộc đời của Takaya trong các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ, tranh tường, đồ gỗ và đồ trang sức.

Một bộ phim tài liệu của CBC (Canada) vào năm 2019, sau đó được chiếu ở Anh, Pháp và Đức, đã mang câu chuyện về cuộc sống đơn độc bất thường của Takaya đến với khán giả quốc tế năm 2020.

Sau khi chết, nhiếp ảnh gia Cheryl Alexander cho biết cô đã nhận được tin nhắn từ mọi người trên khắp thế giới chia sẻ sự tiếc thương Takaya.

Cuốn sách "Takaya: Lone Wolf" của nhiếp ảnh gia Cheryl Alexander đang trở thành cuốn sách được đọc nhiều nhất tại địa phương.

Cheryl Alexander tin rằng câu chuyện của Takaya có sức mạnh kết nối mọi người với động vật hoang dã và truyền cảm hứng cho tình yêu của loài sói. Cô hy vọng cuộc đời đầy phiêu lưu của con sói sẽ dẫn đến những thay đổi trong quy định săn bắt và tiêu hủy sói của tỉnh bang British Columbia để tăng cường bảo vệ loài vật này.

"Takaya đang trở thành một huyền thoại trên toàn thế giới. Và tôi thích điều đó bởi vì nó có nghĩa là cái chết của anh ấy không phải là vô ích", Cheryl Alexander cho biết.

Các nhà điêu khắc địa phương hiện đang tạo ra các tác phẩm để tôn vinh Takaya. Sự kiện còn thu hút đông đảo các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm các tác phẩm của hơn 50 nghệ sĩ đến từ Canada, Mỹ, Australia, Ai Cập, Slovenia và Scotland, cùng nhiều nghệ sĩ khác. "Tất cả họ đều chỉ muốn làm nghệ thuật để tri ân Takaya" - Cheryl Alexander nói.

Cái chết của Takaya đang được hy vọng sẽ thay đổi cách chính quyền British Columbia bảo vệ loài sói. Sói không chỉ đơn giản là một loài độc lập, có thể bị loại bỏ khỏi hệ sinh thái của chúng mà mọi thứ sau đó sẽ vẫn ổn. Chúng là những cá thể quan trọng trong mối quan hệ cộng sinh với con mồi và môi trường chúng sinh sống. Chính loài người cần phải xem xét lại sự tàn phá của mình đối với môi trường sống tự nhiên và chế ngự sự thèm muốn của chúng ta đối với tài nguyên thiên nhiên. Đã đến lúc phải chấp nhận sự thật rằng hàng trăm con sói mỗi năm cứ chết đi ở British Columbia, Alberta và các Lãnh thổ Tây Bắc Canada. Nếu chúng ta không làm gì thì sẽ đến lúc chúng ta chỉ còn được ngắm chúng trên những thước phim lạnh lẽo.

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 7.

Ảnh: TJ Watt

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 8.

Ảnh: Paulawild.ca

 Cái chết cô độc của Takaya: Con sói dị nhất thế giới và lời tiên tri cảnh tỉnh loài người - Ảnh 9.

Những con sói như Takaya phải đối mặt với nhiều mối đe dọa không chỉ từ những tay săn trộm. Các vùng ven biển của British Columbia đang bị đe dọa bởi các vấn đề mang tính hệ thống như phá rừng, khai thác gỗ, đường ống dẫn và trên hết là biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ và mực nước biển ở British Columbia đang tăng lên, và điều này đã và đang làm thay đổi cuộc sống của loài sói và con người. Như một điều tất yếu, các sinh vật buộc phải tiến hóa để thích nghi với thời đại, và biến đổi khí hậu xảy ra sẽ định hình tương lai của sự sống trên hành tinh. Trong trường hợp xảy ra thảm họa khí hậu, các dạng sống có khả năng thích ứng với cháy rừng, lũ lụt và bão sẽ có thể tồn tại.

Có lẽ loài sói biển đã tiến hóa từ lâu để đáp ứng nhu cầu của môi trường xung quanh nên phù hợp với tác động của biến đổi khí hậu hơn những loài sói khác. Và có thể sự thay đổi nhiệt độ thậm chí có thể đẩy nhanh quá trình biến đổi của chúng thành những sinh vật hoàn toàn dưới nước. Tuy nhiên, rất có thể, sói biển sẽ không nằm trong số những sinh vật sống sót sau thảm họa sinh thái ngày nay. Có thể là con người cũng vậy.

Takaya cũng vậy! Trước thế cuộc thay đổi, chú sói buộc phải đổi thay để thích ứng. Nhưng dù chọn cách sống đơn độc, xa bầy từ nhỏ, Takaya vẫn không thoát khỏi sự tham lam của con người, khỏi họng súng vô tình của thợ săn. Sẽ ra sao nếu chúng ta cứ thế tàn sát tất thảy?

Nhưng Trái Đất sẽ tiếp tục mà không có con người và sói biển.

Trải qua hàng triệu năm, trên một quy mô thời gian nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta thường hình dung, hành tinh sẽ thích nghi. Trong khi không ai chắc chắn tương lai này sẽ như thế nào, một số nhà khoa học dự đoán rằng nhiệt độ tăng cao có thể dẫn đến số lượng lớn các quần thể thằn lằn, chim và côn trùng tăng đột biến.

Ở một thế giới nơi nhiệt độ tăng mạnh, băng tan, nước biển dâng, bão lũ triền miên... thì sự biến mất của loài này và sự tăng trưởng một cách dị thường của loài khác là một điều tất yếu.

Câu chuyện của Takaya đâu đó được tìm thấy trong bức tâm thư mà thủ lĩnh da đỏ Noah Seattle (1786-1866) gửi Tổng thống Mỹ Franklin Pierce năm 1854 khi ông muốn mua lại phần lãnh thổ của bộ lạc người da đỏ Suwamish thuộc địa phận bang Washington ngày nay, rằng:

"Điều gì sẽ xảy ra khi từng đàn trâu cứ thế bị tàn sát? Từng đàn ngựa hoang kiêu hãnh bị thuần hóa? Điều gì sẽ xảy ra khi những góc rừng vốn yên ắng bỗng nặng mùi con người? Hay những gò đồi chín vàng thơ mộng bị vấy bẩn bởi đường dây vô tuyến? Những cánh rừng sẽ ra sao? Biến mất! Cánh chim đại bàng sẽ nơi nao? Biến mất! Tất cả rồi sẽ biến mất!

Còn lại gì sau những chuyện tồi tệ xảy ra với những sinh linh bé nhỏ ấy? Chẳng còn gì ngoại trừ việc chúng ta kết thúc những ngày "sống" đáng quý và bắt đầu chuỗi ngày "sinh tồn" cực khổ..." ( đọc thêm tại đây ).

Bài viết sử dụng nguồn: Timescolonist, Magellantv, Pacificwild

Theo Trang Ly

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên