MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái chết của Trương Phi và bài học về kìm chế cảm xúc: Một người đến bản thân cũng không thể kìm chế nổi thì dù có giỏi đến mấy cũng vô nghĩa

11-03-2020 - 19:48 PM | Sống

Cái chết của Trương Phi thực sự rất lãng xẹt: Trương Phi không chết oai hùng ở chiến trường mà bị chính cảm xúc của mình giết chết.

Khi nghe thấy Quan Vũ bị Đông Ngô giết hại, Trương Phi không thể kìm chế được nỗi đau, hận một nỗi không thể lập tức xuất quân tiêu diệt Đông Ngô.

Trong lúc bất lực, Trương Phi ngày ngày đắm chìm trong men rượu. Những lúc say mèm, Trương Phi không kiểm soát được mình, liên tục trút giận lên binh sĩ. Hơi một tý vung roi đánh họ, khiến hai thuộc hạ là Phạm Cương và Trương Đạt không thể chịu được. Nhân lúc Trương Phi say rượu, đã ra tay thích sát rồi mang thủ cấp của Trương Phi chạy về phía Đông Ngô.

Không ai có thể phủ nhận khả năng mạnh mẽ của Trương Phi. Nhưng một người có khả năng mạnh mẽ như vậy cuối cùng lại có một kết thúc lãng xẹt, khiến người khác phải suy tư: "MỘT NGƯỜI ĐẾN CẢM XÚC BẢN THÂN CŨNG KHÔNG KÌM CHẾ NỔI, DÙ GIỎI ĐẾN MẤY CŨNG ĐỀU VÔ NGHĨA".

01

Khả năng phải nắm chắc nhất là kiểm soát chính mình

Hiện đại và cổ đại dĩ nhiên không giống nhau. Con người cổ đại giống như Trương Phi một người cầm quân nóng nảy, dù không biết cách quản lý và kìm chế cảm xúc bản thân nhưng ít nhất vẫn có thể ra chiến trận giết giặc thể hiện khả năng, được ban tước hiệu và vinh danh thiên hạ.

Nhưng thời bình hiện đại không giống như vậy. Chỉ cần đầu óc, không cần vũ lực. Nếu một người nóng nảy, cục xúc như Trương Phi, không thể kìm chế được cảm xúc bản thân, hay nổi nóng với người khác, để cảm tính kiểm soát lý tính sẽ thật khó tưởng tượng người đó sẽ tồn tại như thế nào trong một tập thể, dù cho người đó là Sếp đi chăng nữa.

Một người giỏi thực sự luôn chỉ biết chú tâm "làm việc". Còn những người tính tình nóng nảy tổn hại đại cục sẽ bị dẹp sang một bên. Do vậy, những người biết cách kiểm soát cảm xúc bản thân một cách có hiệu quả mới có thể "bung lụa" khả năng một cách tối đa nhất.

Đặc biệt là người đứng đầu, phải kiểm soát tốt cảm xúc của mình mới có thể lãnh đạo tập thể một cách tốt nhất, phát huy hiệu quả một cách cao nhất.

Cái chết của Trương Phi và bài học về kìm chế cảm xúc: Một người đến bản thân cũng không thể kìm chế nổi thì dù có giỏi đến mấy cũng vô nghĩa - Ảnh 1.

02

Cùng là thiên tài, một người luôn quản lý tốt cảm xúc của mình còn một người lại không thể kìm chế cảm xúc. Kết quả có gì khác nhau? Ngôi sao bóng đá Messi và Balotelli là hai ví dụ rõ ràng nhất.

Balotelli có khả năng thiên bẩm đặc biệt nhưng tính tình nóng nảy. Không những động chân động tay với đồng đội trong lúc tập luyện mà còn xung đột kịch liệt với cầu thủ đối phương, trọng tài hay thậm chí là Fans hâm mộ trong lúc diễn ra trận đấu. Còn Messi cũng với khả năng thiên bẩm đặc biệt nhưng lại là quân tử nhã nhặn trên sân cỏ.

Có người nói rằng, nếu như Messi cũng giống như Balotelli nóng nảy hơi tý là chửi thề, sử dụng vũ lực, chắc chắn sẽ ăn đủ gạch đá của cầu thủ đối phương, rồi từ từ tụt hạng vinh quang.

Balotelli mặc dù được Fans bóng đá gọi là "Thần" nhưng đến nay vẫn chưa giành được "quả bóng vàng". Trong khi đó, Messi lĩnh giải rã tay.

Điều này minh chứng cho chúng ta thấy rằng: "Phóng túng cảm xúc đồng nghĩa với việc phóng túng tài năng". Những người hay tùy tiện nóng nảy với người khác, dù giỏi nhưng mãi mãi không thể phất lên được. Ngược lại còn là trò cười trong mắt người khác.

03

Những người tự tin, không thể hiện mình bằng cảm xúc

Dĩ nhiên, không phải yêu cầu chúng ta không được có cảm xúc. Trên thực tế những người giỏi họ vẫn có cảm xúc riêng của mình, nhưng họ biết cách kiểm soát cảm xúc một cách hợp lý và không bị chi phối bởi cảm xúc. Bởi họ có sự tự tin và sức mạnh bắt nguồn từ bên trong.

Nếu bạn đã từng xem "Bố Già" chắc chắn sẽ không thể quên được câu nói: "Đừng bao giờ để người khác biết được suy nghĩ của bạn". Những người dễ bị xáo trộn cảm xúc, vui buồn lẫn lộn như hình với bóng, nói là thẳng thắn nhưng thực ra là thiếu sự rèn luyện từ bên trong, hay nói cách khác là thiếu tự tin.

Sonny người con trai cả của Don Vito Corleone coi thường mọi giáo điều của cha mình. Xốc nổi và lỗ mãng, không biết đối nhân xử thế, kết quả bị bắn không trượt phát nào. Anh ta quên mất một điều mà cha mình luôn căn dặn: "Đàn ông không được khinh suất, phụ nữ và trẻ em có thể, nhưng đàn ông thì không".

Sonny tuyệt đối là một người anh cả mẫu mực. Nhưng lại không đủ tư cách là người thừa kế của một gia tộc.Vậy nên chắc chắn phải chết, để người kế nhiệm mạnh mẽ hơn phất lên.

Người kế nhiệm đó chính là Michael con trai thứ ba của Vito Corleone. Michael tuân thủ nghiêm ngặt những lời mà cha đã dạy, luôn bình tĩnh và trầm ổn. Bảo vệ cha tại bệnh viện, trả thù hung thủ tại nhà hàng và thậm chí là cam tâm tình nguyện xa nhà náu mình nhiều năm. Cuối cùng Michael trở thành người kế nhiệm xuất sắc của gia tộc.

"Những người có thể nhìn rõ bản chất trong vòng một giây và những người mất nửa đời mà vẫn không thể nhìn rõ bản chất dĩ nhiên sẽ có vận mệnh khác nhau". Đây là lời bình của nhà văn Mario Puzo đối với Michael. Đến nay đọc lại vẫn khiến nhiều người đập bàn tán thưởng.

Nhẫn nhịn những lúc cần nhẫn nhịn, bộc phát những lúc cần bộc phát, đó mới là mốc đánh dấu sự trưởng thành của một người.

Cái chết của Trương Phi và bài học về kìm chế cảm xúc: Một người đến bản thân cũng không thể kìm chế nổi thì dù có giỏi đến mấy cũng vô nghĩa - Ảnh 2.

04

Phóng túng cảm xúc giống như núi lửa sắp sửa phun trào, do vậy phải học cách kìm chế

Khi Lincoln còn làm tổng thống, bộ trưởng lục quân kêu ca với ông rằng bị một thiếu tướng sỉ nhục, hy vọng tổng thống giúp ông trút giận. Nhìn bộ dạng tức giận của bộ trưởng lục quân, Lincoln nói: "Ông có thể viết cho đối phương một lá thư đáp trả một cách chua ngoa nhất có thể, nhưng trước khi gửi đi hãy cho tôi xem trước".

Rất nhanh chóng lá thư được viết xong, bộ trưởng lục quân vội vàng đưa cho Lincoln, hy vọng lá thư sớm được gửi đi. Lincoln nhận lấy bức thư nhưng lại tiện tay ném luôn vào lò sưởi.

Bộ trưởng lục quân cảm thấy khó hiểu, chất vấn Lincoln tại sao?

Lincoln vừa cười vừa giải thích: "Những lúc tôi tức giận tôi cũng làm như vậy. Viết lại những câu chửi thề rồi đốt chúng, thế là hết giận. Mục đích của việc viết thư là để giải tỏa tức giận cho bản thân. Nếu gửi cho đối phương chẳng phải là thêm tức giận sao? Nếu ông còn chưa thoải mái, hãy tiếp tục viết, viết cho đến khi nào cảm thấy thoải mái thì thôi!".

Bộ trưởng lục quân cười, đúng vậy, nếu gửi bức thư này đi, đối phương sẽ chửi lại, như vậy chẳng phải càng tức hơn sao?

Cảm xúc tiêu cực bên trong cần phải được khơi thông giải tỏa. Phương pháp giải tỏa mà Lincoln sử dụng đó là viết thư.

Còn Khổng Tử cổ nhân Trung Quốc lại có cảnh giới cao hơn đó chính là "THA THỨ", tha thứ cho chính mình, tha thứ cho người khác.

Nếu như không làm được như bậc thánh nhân Không Tử, vậy hãy tìm lấy cho mình một người tri kỷ để giãi bày tâm tư tình cảm.

Hay như phương pháp của Lý Ngư tác gia thời Thanh đó là viết chữ: "Ta không có đam mê nào khác ngoài viết lách. Dựa vào viết lách để giải tỏa ưu tư và phẫn nộ".

Họa sỹ Trung Quốc Trịnh Ban Kiều càng trực tiếp hơn, khi ông phải chịu sự áp bức chốn quan trường, u uất mất hết ý chí, ông sẽ cầm bút vẽ tranh. Sau khi vẽ xong, trong lòng thanh thản, tài năng vẽ tranh cũng ngày càng thuần thục, một mũi tên trúng hai đích.

Không ai sinh ra đã biết cách kìm chế và kiểm soát cảm xúc. Những người giỏi và thực sự có tài luôn chú ý không để bản thân chết uổng trong cảm xúc tiêu cực. Do vậy, khi chúng ta tức giận, hãy nghĩ đến Trương Phi và cái chết lãng xẹt không đáng chút nào của ông.

Theo Ngọc Thủy

Trí thức trẻ

Trở lên trên